Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân (hiệu lực từ ngày 1/1/2009), thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được tính bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí; trường hợp không xác định giá mua và chi phí thì thu nhập chịu thuế được xác định là giá bán.
Ông Lê Thanh Vũ, nhà đầu tư giàu kinh nghiệm trên sàn ACBS, cho rằng, từ nay đến cuối năm 2008, thị trường sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro. Có thể các nhà đầu tư lớn (dài hạn) đi nước cờ lách thuế bằng cách cân đối thực tế, ồ ạt bán ra thu lợi nhuận, cuốn theo sự tháo chạy của nhà đầu tư nhỏ lẻ, đến thời điểm giá chứng khoán xuống đáy họ sẽ mua vào, tạo giá mua ở mức thấp nhất. Hoặc các nhà đầu tư đang nắm giữ hàng triệu cổ phiếu thưởng (không có giá mua), mua theo mệnh giá hay giá ưu đãi sẽ bán ra; bởi giá bán trên thị trường cao gấp nhiều lần giá mua và không phải chịu thuế. Khi đó, thị trường sẽ sụt giảm mạnh, không ít nhà đầu tư sẽ rời bỏ sàn giao dịch, chuyển hướng sang kênh đầu tư khác.
![]() |
Chứng khoán lên xuống, nhà đầu tư không khỏi lo thua lỗ. |
Nhà đầu tư Nguyễn Văn Hậu, cán bộ kế toán một doanh nghiệp lớn, cũng bày tỏ thất vọng, muốn rời bỏ cuộc chơi. Một giao dịch có lợi nhuận, ngay tức khắc “bị” Nhà nước thu thuế nhưng nếu nhà đầu tư thua lỗ, cuối năm cơ quan thuế mới thoái trả. “Ngay cả doanh nghiệp kê khai và nộp thuế hằng quý nhưng đến khi hoàn thuế còn trầy vi tróc vảy huống chi nhà đầu tư chứng khoán”, ông Hậu nói.
Phần lớn nhà đầu tư đều nhận thức rằng có lợi nhuận, thu nhập là phải đóng thuế nhưng đòi hỏi Nhà nước cần tính đến những rủi ro cho nhà đầu tư. Với cách tính thuế như luật quy định, họ sẽ bị thiệt thòi bởi chi phí liên quan đến mua bán chứng khoán như vốn vay, mua thông tin, đào tạo... không thể chứng minh được. Theo họ, mua bán chứng khoán không dễ thành công. Nhà nước chỉ quan tâm thu thuế, chưa có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư thua lỗ, làm sao khuyến khích nguồn tiền nhàn rỗi của người dân chảy vào chứng khoán.
Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc đầu tư công ty Chứng khoán VN Direct, cho biết, tại Trung Quốc, thuế chuyển nhượng chứng khoán là 20%, Nhật Bản 26%, Mỹ 35% nhưng thị trường chứng khoán các quốc gia này đã ổn định, hệ thống quản lý hoàn chỉnh. Một số quốc gia còn có chính sách dồn lỗ để hỗ trợ cho nhà đầu tư. Nếu năm nay họ thua lỗ thì lợi nhuận của năm sau sẽ trừ đi số tiền thua lỗ năm trước và dựa trên kết quả đó để tính thuế. Theo Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư VAM tại Việt Nam Nguyễn Văn Minh, các quốc gia khu vực châu Á như Thái Lan, Singapore... không đánh thuế chuyển nhượng chứng khoán. Một giao dịch thành công, nhà đầu tư chỉ nộp cho chính phủ một số tiền được tính với tỷ lệ rất thấp so với giá bán.
Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), nếu áp dụng phương thức thuế khoán thì trong trường hợp kinh doanh thua lỗ nhưng nhà đầu tư vẫn phải nộp thuế. Tuy nhiên, mức thuế này không nhiều (0,1% trên giá bán chứng khoán). Nếu theo phương pháp 20% trên thu nhập thì kinh doanh thua lỗ sẽ không phải nộp thuế nhưng nhà đầu tư phải quyết toán thuế với cơ quan thuế vào dịp cuối năm, đồng nghĩa với việc phải lưu giữ tất cả các chứng từ liên quan đến việc mua bán chứng khoán. Với tình hình thực tế giao dịch mua bán cổ phiếu trên thị trường chính thức và OTC, VAFI dự đoán rằng đa phần nhà đầu tư sẽ lựa chọn phương pháp thuế khoán. Ngoài ra, mức thuế 0,1% trên giá bán chứng khoán là mức hợp lý, không cản trở đến việc huy động vốn vào thị trường chứng khoán và vẫn bảo đảm việc khuyến khích đầu tư vào thị trường chứng khoán. |
(Theo Người Lao Động)