Người dân tị nạn khu chung cư Vũng Thùng hứng nước mưa để sinh hoạt. |
Trước và trong bão số 6, tất cả các khu chung cư trên địa bàn thành phố (TP) (kể cả những nơi chưa nhận bàn giao từ đơn vị thi công) đều phải mở cửa, đón di dân, tránh bão, đó là lệnh khẩn cấp của UBND TP.
Hai khu chung cư thuộc loại cao cấp là Vũng Thùng và khu chung cư đầu tuyến Sơn Trà-Điện Ngọc đã mở cửa cho hơn 300 hộ dân sơ tán, tránh bão vô điều kiện. Theo quy định là sau bão, mọi người dân đều phải trả lại nhà, song đến nay gần 1 tháng kể từ ngày bão qua, hơn 240 hộ dân tại 2 khu chung cư này vẫn "bám trụ", nhiều hộ đã thay chìa khoá, né tránh cơ quan chủ quản để chiếm dụng nhà.
Chủ tịch UBND phường Nạn Hiên Đông, nơi có 130 hộ dân đang "tạm chiếm" KCC Vũng Thùng, cho biết: "Thật khó giải quyết cho địa phương. Hầu hết những hộ dân hiện "cố thủ" ở đây đều có nhà bị sập hoàn toàn, chưa có nơi để họ trở về. Đặc biệt, số nhiều các hộ thuộc diện giải toả đền bù, chưa được bố trí đất ở mới, hoặc làm nhà tạm trên đất công cộng, xây dựng trái phép. Vì vậy, không thể tiếp tục dựng lại nhà trên mảnh đất bất ổn định đó. Ngoài ra, nhiều hộ không có khả năng tự dựng lại nhà sau khi đã dốc hết tiền đền bù vào việc mua đất tái định cư, xây nhà mới, giờ bị sập hoàn toàn. Quan điểm của chính quyền là ở nhờ khu chung cư tránh bão thì phải trả, nhưng trước mắt chưa thể cưỡng chế dân ra đường khi họ không có nơi tá túc khác".
Ông Trần Liện, tổ 32B, hiện tá túc tại căn hộ 204, khu A1, khu chung cư Vũng Thùng, than rằng: "Phải mất ít nhất 5 năm chúng tôi mới có khả năng dựng lại nhà, và 10 năm mới thoát khỏi đói kém vì trận bão này".
Mỗi người một lý do, song gia cảnh thì ai cũng khó khăn đến não lòng. Chẳng nhà nào muốn chiếm dụng chung cư, nhưng nếu không có chỗ bám víu duy nhất này thì họ lập tức chịu cảnh màn trời, chiếu đất. Dù mưa to liên tiếp nhiều ngày, song bước chân đến khu chung cư cao cấp Vũng Thùng, quận Sơn Trà không khỏi kinh hãi bởi mùi hôi như bãi rác. Áo quần, chăn mùng phơi giăng loạn xạ, kín từ tầng 1 đến tầng 5, rác thải sinh hoạt, ăn uống vứt bừa bãi ra ngay trước cửa phòng, thậm chí người dân còn phóng uế nhầy nhụa dọc trên các cầu thang.
Nguyễn Quốc Thu, bảo vệ khu chung cư Vũng Thùng, cho biết: "Ai cũng nghĩ ở tạm vài hôm rồi đi, nên chẳng ý thức giữ gìn tài sản. Anh thấy đấy, điện thắp sáng trưng cả ngày đêm, nước dùng vô tội vạ. Thanh niên tụ tập rượu chè, quậy phá thâu đêm. Bảo vệ chưa kịp mở cửa nhà xe, họ đã đập 2 cửa sắt để lấy xe không ai dám lên tiếng".
Bản thân những hộ dân sống ở đây cũng không chịu nổi lẫn nhau cái cảnh mất an ninh trật tự và ô nhiễm môi trường đến kinh hãi.
Giám đốc công ty quản lý nhà Đà Nẵng, ông Nguyễn Công Lang than trời: "Vì chưa nhận bàn giao từ đơn vị thi công nên chưa cấp điện, nước được, thế là nhân dân chửi toáng lên. Thậm chí có người đã đập phá, tôi phải hợp đồng nóng với CN Điện 3 lúc nửa đêm, nộp "nóng" 9 triệu đồng để cấp điện cho dân. Nhưng giờ thì gay to. Chỉ trú vài ngày trong trận bão lụt năm 2000, chúng tôi đã thiệt hại nặng nề vì ngoài chi phí điện nước, hư hỏng, người dân còn gỡ lấy nhiều trang thiết bị nội thất, bếp, phòng tắm. trước khi rời chung cư. Bây giờ thời gian chiếm dụng khá lâu. Cũng vì chưa bàn giao, đưa vào sử dụng nên công ty chưa hợp đồng với công ty môi trường thu gom rác, giờ thì rác thải ngập cả lối đi. Nhiều hộ gia đình đã thay khoá, đi khỏi nhà ban ngày nên việc thu hồi nhà là rất khó khăn".
Ông Lang cũng cho biết, UBND TP đã chỉ đạo chính quyền và các đơn vị liên quan, rà soát lại gia cảnh từng hộ, động viên người dân trở về và tự khắc phục nhà cửa. Trường hợp đặc biệt, Nhà nước sẽ dựng nhà tạm để bố trí. Nhất thiết phải lấy lại chung cư, sửa chữa, bố trí, sử dụng đúng mục đích, kế hoạch.
(Theo Lao Động)