Trong quá trình cưới truyền thống, cô dâu chú rể Việt Nam sẽ trải qua 3 nghi lễ quan trọng, theo thứ tự là dạm ngõ, ăn hỏi và đón dâu. Lễ dạm ngõ là nghi thức đầu tiên, được coi như buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai gia đình, để cha mẹ hai bên tìm hiểu về hoàn cảnh, điều kiện, gia phong của nhau. Từ những hiểu biết, chuyện trò ban đầu này, hai nhà sẽ quyết định hôn nhân của đôi uyên ương. Ngày nay, dạm ngõ không còn phức tạp mà giản tiện đi nhiều nhưng vẫn có các thủ tục, lễ vật cần thiết.
1. Lễ vật không thể thiếu trong ngày dạm ngõ
- Bởi dạm ngõ là buổi gặp gỡ mang ý nghĩ văn hóa nhiều hơn ý nghĩa nghi thức nên nhà trai chỉ cần chuẩn bị một cơi trầu và cau, phủ vải nhiễu đỏ, hình thức tương tự như tráp đón dâu, ngoài ra, có thể thêm lẵng hoa quả, bánh kẹo tùy điều kiện. Thường ở miền Bắc, số lượng mỗi loại lễ vật phải là chẵn, ví dụ hai gói chè, hai chục cau, hai chục lá trầu.
2. Thành phần tham gia lễ dạm ngõ
Lễ chạm ngõ là buổi lễ nhỏ trong phạm vi gia đình, không cần rườm rà nên thành phần chủ yếu là người thân thiết.
- Thành phần tham dự bao gồm:
+ Nhà trai: Bố mẹ nhà trai, chú rể, họ hàng ruột thịt trong gia đình như ông bà, cô bác...
+ Nhà gái: Bố mẹ nhà gái, cô dâu, có thể có thêm người thân ruột thịt trong gia đình tham dự.
Cũng tùy vào điều kiện và văn hóa từng nhà, lễ dạm ngõ tại nhiều gia đình chỉ có cha mẹ hai bên gặp gỡ nhau và đôi uyên ương. Ngoài ra, đôi bạn trẻ có thể mời thêm một số bạn bè thân tới dự.
- Người tham dự lễ dạm ngõ không nhất thiết phải mặc vest, áo dài mà chỉ cần trang phục lịch sự.
- Đôi bạn trẻ cũng không cần "đóng bộ" như ngày ăn hỏi hoặc đón dâu. Cô dâu có thể diện váy ngắn, chú rể mặc quần âu, áo sơmi đơn giản.
3. Trình tự
Đa số các gia đình hiện nay coi ngày dạm ngõ là buổi gặp gỡ thân mật, không đặt nặng thủ tục nên trình tự không quá nghiêm ngặt. Nhiều phụ huynh cẩn thận còn xem trước ngày giờ, nhiều nhà khác lại chọn ngày dạm ngõ tùy vào thời gian rảnh của cả hai gia đình, chủ yếu là cuối tuần.
Tới ngày giờ đã định, nhà trai tới nhà gái tặng lễ vật, thưa chuyện, tỏ ý muốn để đôi bạn trẻ chính thức tìm hiểu nhau và có kế hoạch tiến tới hôn nhân. Sau thời gian chuyện trò, cô dâu chú rể tương lai được cha mẹ nhà gái đưa lên thắp hương và dâng lễ vật lên bàn thờ tổ tiên.
Sau khi buổi gặp gỡ kết thúc, nhà gái có thể làm cơm thiết đãi nhà trai. Nếu không có thời gian và điều kiện, nhà gái có thể bỏ qua việc mời cơm này.
Cô dâu chú rể cũng cần chuẩn bị tinh thần là người gắn kết gia đình hai nhà. Đôi uyên ương cần tìm hiểu trước một số tính cách, nết ăn ở của hai gia đình và chia sẻ những hiểu biết này với bố mẹ trước ngày dạm ngõ để buổi lễ diễn ra suôn sẻ. Cô dâu chú rể nên chủ động biến buổi chạm ngõ của hai nhà thành dịp gặp gỡ thân tình, vui vẻ để hai gia đình có mối quan hệ thân tình, gắn bó về sau.
Linh Linh