"Open school" ở Hàn Quốc đang mở ra các loại hình: múa mặt nạ, kiếm đạo, vẽ tranh trên gỗ, khám bệnh cho cây, tập mô tả cá tính, leo núi, trượt tuyết, học lịch sử bằng những chuyến dã ngoại... Người trẻ Hàn Quốc đang được đào tạo bài bản để trở thành công dân toàn diện, người quyết định chỉ số phát triển của nước nhà với chiến dịch rót nhiều tỷ won và các chính sách rầm rộ của chính phủ.
Trung tâm huấn luyện thanh niên Kang Buk rộng 68.101 m2 với khoảng 170.000 người theo học. Hơn 400 lớp học đầy đủ tiện nghi dành cho các lứa tuổi từ 5 đến 25. Khách đến tham quan trầm trồ: "Đây có lẽ là trung tâm huấn luyện thanh thiếu niên lớn nhất Hàn Quốc?". Cô sinh viên năm thứ nhất của trường Sungkonghoi lắc đầu: "Đây chỉ là một trong rất nhiều trung tâm rèn luyện thanh thiếu niên của thành phố Seoul. Nó chỉ trực thuộc... 1 quận".
Phòng bên hành lang trái của tầng 2 là các cô bé chừng 5 tuổi ngồi chăm chú nặn tượng. Phòng bên phải là các chàng trai 18-20 tập đóng kịch câm. Ngay lối ra vào là bức tường lớn chỉ dành cho mỗi việc tập leo núi. Lớp trượt tuyết, lớp tập thể hình, lớp học đánh trống truyền thống, lớp múa mặt nạ... treo bảng dài danh sách người tham gia...
Giám đốc Trung tâm Kim Jung Dai giới thiệu: "Ngoài việc học ở trường, học sinh, sinh viên Hàn Quốc dành rất nhiều thời gian cho việc sinh hoạt tại Trung tâm. Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt đầu tư vào các Trung tâm như thế này để đào tạo con người Hàn Quốc toàn diện trong tương lai. Họ sẽ cường tráng về thể lực, am hiểu văn hóa truyền thống và thế giới, thích nghi trong mọi môi trường phát triển".
Xen giữa các phòng học là những khoảng không gian dành cho việc trò chuyện. Khu vực này được xếp khoảng 15 ghế ngồi và các máy bán nước ngọt tự động. Chức năng của khu vực trò chuyện được giải thích rành rọt rằng: "Những cô cậu từ 14 đến 17 tuổi thường được cha mẹ làm lễ trưởng thành. Họ đã lớn lên về mặt hình thể và nhu cầu tình cảm. Ngoài giờ học ở Trung tâm, các chàng trai, cô gái có thể bắt quen và trò chuyện với nhau tại những khu vực như thế này". Thậm chí ở cạnh mỗi khu vực đều có xây bể bơi phục vụ cho các bậc phụ huynh đến chờ con và đón về.
Giới trẻ Hàn Quốc còn gọi những trung tâm như thế này với cái tên dễ thương và đơn giản hơn: Nana. "Chúng tôi đến đây hàng ngày và coi đó là một không gian sống không nên khác và không thể khác được". Kim Eur Kyoung của lớp kịch câm nói như thế và lần lượt giới thiệu tên của các bạn trong nhóm.
Vụ trưởng Vụ thanh thiếu niên của Hàn Quốc Cho Jae - hyeon nhấn mạnh: "Có thể nói gọn một chữ về thanh niên Hàn Quốc đó là tính năng động. Từ khi còn bé người trẻ Hàn Quốc đã không muốn phụ lòng cha mẹ và học tập chăm chỉ. Nhưng điều đáng bàn là họ cũng giỏi cả trong việc vui chơi. Rất nhiều chính sách của Hàn Quốc tập trung vào việc phát triển con người. Độ tuổi từ 15 đến 18 đang là độ tuổi được chăm sóc nhiều nhất. Họ sẽ quyết định chỉ số phát triển kinh tế của Hàn Quốc trong thời gian tới".
Cách Seoul hơn 3 giờ xe, Pyeongchang National Youth Center được đầu tư đến 60 tỷ won nhưng vẫn chỉ là những con số ban đầu. Chính phủ Hàn Quốc và các gia đình của đất nước này còn rót vào đấy nhiều hơn nữa vì chính những nơi đây đang đào tạo một thế hệ tương lai người Hàn một cách bài bản. Họ gọi đó là loại hình "open school".
Tiêu chí đầu tiên đặt lên vai những nhà quản lý giáo dục của Hàn Quốc: đào tạo toàn diện "Một người trẻ của chúng tôi khi bước chân chạm vào cuộc sống họ phải biết tường tận mọi kỹ năng. Biết chính xác những thế mạnh cần phát huy của mình và bù đắp những gì còn thiếu. Họ biết chèo thuyền, leo núi, quan sát bằng kính thiên văn, biết múa mặt nạ, biết đánh trống, biết yêu những nét đẹp truyền thống của văn hóa Hàn bên cạnh những kiến thức sách vở cần thiết của cuộc sống".
Farming School là một loại hình mới đang được rất nhiều trường THPT ở Hàn Quốc đăng ký cho học sinh của mình tham gia tại Trung tâm. Môn học được các bạn trẻ cực kỳ yêu thích là "khám bệnh cho cây". Họ rành rọt về cách gieo trồng loại quốc hoa màu tím nhạt của đất nước mình. Các chàng trai cô gái học cách sử dụng các nông cụ say sưa và thú vị như bài học về chèo thuyền, trượt tuyết. Khu vực dành cho "farming school" lên đến 9000 m2 với tất cả những dụng cụ nhà nông cần có.
Ở hầu hết các trường THPT, ĐH ở Hàn Quốc thì việc đưa học sinh của mình đến các trung tâm như Pyeongchang là bắt buộc. Một chương trình nhỏ nằm rải rác qua mỗi học kỳ có thể kéo dài 2 ngày 3 đêm. Các chương trình rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện thể lực có thể kéo dài đến 3 tháng.
Thường thì sinh viên, học sinh đến với trung tâm Pyeongchang bằng việc đăng ký từ nhà trường nhưng không ít gia đình tự rèn luyện cho con cái mình bằng cách cuối tuần chạy xe từ Seoul về trung tâm và tham gia khóa học ngắn ngày. 40.000 won cho một khóa học kỹ năng 2 ngày 3 đêm là chuyện không khó khăn gì với những người trẻ ở Hàn Quốc. 40.000 won không đủ nhiều để người ta phải lo lắng như thời xa xưa của nước Hàn: bằng tốt nghiệp của con nhà giàu thì màu đỏ, con nhà nghèo thì màu trắng.
Về lớp học xác định cá tính bản thân, Kim Eur Kyoung mô tả: "Khi người ta 18 hay 22 tuổi thì mọi diễn biến tâm lý hay các suy nghĩ đều như một mê cung hay khu rừng rậm phức tạp. Nhưng khi tham gia lớp học này sẽ có người chỉ lối cho bạn đi. Cô giáo mặc váy hoa đen kia sẽ lý giải vì sao có nhiều bạn thích mặc quần áo rằn ri, áo có túi và dây đai trễ xuống. Vì sao ngày càng có quá nhiều cô gái tỏ ra mềm yếu dù thực sự bên trong họ không hề như thế". Hoặc là diễn thuyết trước đám đông, hoặc là tham gia các loại game để bạn tự khám phá bản thân mình. Các chuyên gia sẽ đưa ra một bản tổng kết các đặc điểm tính cách của mỗi học viên. Sau 1 buổi lớp học sẽ được chia nhóm trên cơ sở tính cách đã được xác định. Tiếp theo là các buổi nói chuyện về tâm lý, các chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên: bạn là người có khiếu hài hước, bạn rất mạnh mẽ, bạn sống nội tâm, bạn có khả năng thuyết phục người khác bằng ánh mắt, tính hiếu thắng của bạn có thể làm bạn bè xa cách... Và thậm chí là những lời khuyên cho công việc sau này: "Bạn yêu thích khám phá và rất kiên trì, hãy theo đuổi công việc nghiên cứu bầu trời của bạn...".
Lớp múa mặt nạ thì rộn ràng tiếng trống phách. Cứ hết một đoạn nhịp trống thì cả lớp lại hô "heyxua". Theo SVVN, một điệu múa mặt nạ cổ có 6 bước căn bản. Mỗi bước là sự kết hợp nhuần nhuyễn của tay, chân và cổ... Các động tác tay trở nên uyển chuyển bởi đôi găng dài hơn 1 mét màu trắng luôn luôn ở tư thế lay động. Chân hoặc co lên, hoặc quay vòng, hoặc sẽ bước đi bằng vũ điệu của con cò. Tiếng trống phách âm vang gợi nhớ đến những buổi săn bắn của cha ông thuở trước. Còn các bước nhảy, bước múa lại có tác dụng hơn bất cứ môn học thể hình hiện đại nào.
Lớp học vẽ trên gỗ luôn luôn có số học viên đông hơn cả lớp kiếm đạo. Thầy Park 30 tuổi và không khi nào từ bỏ ý định làm cho học trò cười nghiêng ngả. Thầy tự chế tạo ra một loại bút vẽ và tự đặt tên là Nino. Ngòi bút bằng sắt, thân bút bằng gỗ và đính kèm một cái đuôi dây điện dài đến tận ổ cắm. Giấy vẽ đương nhiên là những lát gỗ mỏng và nhẵn. Muốn vẽ được bằng bút Nino phải cắm điện, chờ bút nóng và tay trái dùng dụng cụ trợ giúp. Thầy bảo: "Loại bút của thầy đang được dùng thử nghiệm tại một số trường ĐH và THPT. Khi có kết luận chính xác thì xưởng sản xuất bút Nino sẽ hoạt động và nhân rộng mô hình vẽ tranh trên gỗ".