Công an yêu cầu ông Anh - Giám đốc Xí nghiệp lâm vi sinh - mở kho chứa phân bón. Khi kho được mở ra, bên cạnh đống phân bón đang lưu giữ chờ tiêu thụ là cả một khối lượng gỗ rất lớn xếp chồng lên nhau. Toàn bộ số gỗ này cũng không có bất cứ một loại giấy tờ nào.
Tổng cộng gồm 166 hộp gỗ, khối lượng 26,7 m3 (từ nhóm 3 đến nhóm 8). Các trinh sát còn phát hiện tiếp một khu nhà mới được xây dựng, trong đó có máy cưa xẻ gỗ.
Ông Nguyễn Hồng Lam - Giám đốc Công ty Sông Gianh - cho biết việc mua gỗ lậu là tự ý một số cán bộ, công nhân trong Xí nghiệp lâm vi sinh. Còn xưởng cưa xẻ là Côn gty cho thành lập để cưa mấy chục cây bạch đàn để làm chuồng lợn, tăng gia sản xuất, giải quyết thêm thu nhập cho công nhân. Còn ông Chình, Phó giám đốc công ty, cho rằng gỗ lậu cất giấu trong kho phân bón của Công ty, nhưng đó là việc làm của Xí nghiệp lâm vi sinh - do ông Anh làm giám đốc, Công ty không có chủ trương mua gỗ lậu.
Tuy nhiên, qua khai nhận ban đầu của những người liên quan đến số gỗ lậu này thì Giám đốc Công ty Sông Gianh có chủ trương và đồng ý cho Xí nghiệp lâm vi sinh mua 7 m3 gỗ để về làm chuồng lợn. Công ty đã xuất 10 triệu đồng.
Thực hiện việc mua gỗ này là ông Anh và ông Trương. Nhưng ông Anh, ông Trương rủ thêm ông Huế - người cùng xí nghiệp - lợi dụng mua thêm gỗ cho mình. Ông Anh mua 10 m3, ông Trương mua 5 m3, ông Huế mua 4 m3. Khi Công ty giao cho ông Anh mua gỗ, cũng không nói rõ là mua gỗ lậu hay gỗ hợp pháp. Do đó, cả 3 ông nói trên đã tìm mua gỗ của lâm tặc tại xã Đồng Hoá, huyện Tuyên Hoá.
Cơ quan điều tra nhận định, hiện nay đang có dấu hiệu số gỗ lậu nói trên được chia nhỏ cho nhiều người tự nhận là của mình để khỏi bị khởi tố. Như vậy, việc lãnh đạo Công ty Sông Gianh cho rằng không có chủ trương mua gỗ là không đúng với thực tế.
(Theo Lao Động)