Nghệ danh là lạ của cô mang nguồn gốc quê hương. Bonneur mang âm và nghĩa ghép của làng B'neur xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, nơi Trinh sinh ra lớn lên và gắn bó suốt thời thơ ấu. Còn tên khai sinh của cô là Cil Trinh. Như phần lớn ca sĩ Tây Nguyên có chất giọng đẹp và truyền cảm từ bản năng chứ không qua đào tạo, Cil Trinh đã suốt ngày líu lo ca hát, giọng trong vắt vút cao từ thời đeo khăn quàng đỏ.
Ca sĩ Bonneur Trinh. |
Hát hay, xinh đẹp, duyên dáng, năm 19 tuổi sinh viên Cil Trinh dự thi và đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình Lâm Đồng. Vừa học vừa làm biên dịch tiếng K'Ho ở Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng, năm cuối đại học cô theo bạn ở Lâm Đồng đánh liều ghi tên thi Tiếng hát Truyền hình TP HCM, bất ngờ vượt qua gần 3.000 thí sinh chiếm luôn ngôi đầu bảng. Cuộc sống từ đó thay đổi bận rộn hẳn lên. Bầu sô các tụ điểm ca nhạc trong và ngoài tỉnh tới tấp mời cộng tác. Sau khi nhận bằng cử nhân báo chí, Bonneur Trinh quyết định một mình khăn gói về TP HCM lập nghiệp.
Thời gian đầu cô không dám từ chối lời mời nào vì sợ bị mang tiếng "chảnh", có đêm chạy tới 7-8 sô. Hát xong, về nằm lăn vào góc phòng trọ mệt rũ, chẳng buồn ăn uống. Sau 3 năm sống xê dịch liên miên, kiểu sinh hoạt thất thường "cơm đường cháo chợ" đã khiến cô ca sĩ vốn mảnh mai thêm sút cân trầm trọng, rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, cao 1m58 mà chỉ còn nặng có 40 kg. Bữa nọ soi gương giật mình, Trinh thấy "mình phải biết thương mình hơn". Cô đầu quân vào Câu lạc bộ Giai Điệu Xanh thuộc Nhà văn hóa Thanh niên Thành Đoàn TP HCM. Từ đó, hễ Đoàn cần là Trinh có mặt.
Nhận lời mời trình diễn cả 2 đêm thi Hoa hậu Tây Nguyên 2006 tại Buôn Ma Thuột, Bonneur Trinh chuẩn bị rất kỹ càng tỉ mỉ. Khi xuất hiện, phong cách trình diễn hiện đại và cuốn hút của cô ca sĩ dân tộc Lạch đã ngẫu nhiên động viên tinh thần cho thí sinh K'ho duy nhất cũng đến từ tỉnh Lâm Đồng: K'the, góp phần giúp K'The tự tin thi tốt, đoạt giải Á khôi 1 Tây Nguyên (sau đó K'the còn được nhận giải Hoa hậu Thân thiện trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2006).
Nhưng ngay sau đêm diễn, không ai thấy Bonneur Trinh đâu. Thì ra vừa hát xong cô đã cấp tốc chui vào taxi tẩy trang, chạy ngay xuống huyện Cư Jút tỉnh Đăk Nông để... ngủ với đồng đội, vì đoàn quân Mùa Hè Xanh của Thành Đoàn đang đóng quân ở đó. Mới đây trong chương trình Thanh niên Tây Nguyên đoàn kết và phát triển do Trung ương Đoàn tổ chức tại Đăk Lăk, cô cũng có mặt, góp lửa tưng bừng cho đêm hội. Đi phục vụ phong trào dĩ nhiên là cực rồi, nhưng vui lắm. Các bạn trẻ chân tình, ấm áp, bình đẳng, lại hồn nhiên và nghịch ngợm, cho cô thấy mình như trở lại thời sinh viên vô tư.
Một niềm riêng thôi thúc Bonneur Trinh phấn đấu làm việc không ngừng, là trách nhiệm chị cả của cô trong gia đình. Mấy năm ca hát của cô đã góp phần lo cho 3 đứa em ăn học, xây cho cha mẹ căn nhà ở làng B'neur, và tậu được cho mình một căn nhà ở quận 7. Giới bầu sô quý cô vì "con chim sơn ca rừng núi" này sống giản dị hòa đồng, nghiêm túc phấn đấu cho nghề nghiệp, thông minh hiểu biết nên không hề chảnh.
Ngoài thời gian đi hát, rảnh rỗi cô uống cà phê cùng bạn bè, chơi bóng bàn hoặc đi bơi ở hồ Đại thế giới. Thỉnh thoảng biến khỏi thế giới sân khấu, lặn về làng ăn cơm gạo rẫy với canh cà đắng, món ngon truyền đời mà đi càng xa cô càng nhớ càng thèm. Đôi khi trên chuyến xe tốc hành lắc lư về thành phố, Bonneur Trinh bỗng nhận ra mình vẫn là sơn nữ lạc giữa đồng bằng, trong vô số khán giả hâm mộ chưa tìm được dù chỉ một mảnh tình để cùng dệt nên tổ ấm.
(Theo Người Đẹp)