Khu nghỉ mát cao cấp Rusalka của Công ty RIT nằm tại Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 8 km.
Khu nghỉ mát Rusalka đang xây dựng dang dở. |
Đây là một khu nghỉ lý tưởng với hệ thống nhà nghỉ khách sạn liên kế, sân golf cùng các dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao, tennis, vũ trường... kể cả lướt dù trên biển, môtô trượt nước, sân khấu biểu diễn ngoài trời và các dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế cho du khách tọa lạc trên một diện tích lên đến 45 ha.
Nhưng đó chỉ là viễn cảnh... còn bây giờ tất cả thật đìu hiu, ngổn ngang. Bên trong bức tường kiên cố cao gần 5 m có thể thấy hầu hết các hạng mục công trình còn dở dang, chỉ lèo tèo khoảng chục công nhân đang làm việc.
“Chúng tôi chỉ làm nốt một số phần việc, còn tất cả hạng mục công trình lớn đều tạm ngưng”, một công nhân của Công ty BMC đang thi công ở đây nói. Bà chủ quán cơm cho công nhân cũng than thở: “Trước khoảng 500 công nhân làm việc nhưng nay thì họ bỏ đi hết rồi”.
Theo kế hoạch, giai đoạn một của dự án xây dựng khu nghỉ mát năm sao cùng với các dịch vụ đi kèm và trung tâm phục hồi sức khỏe hoàn thành vào cuối năm 2003 (khởi công tháng 6/2002). Giai đoạn 2 xây dựng sân golf chín lỗ và khu tập luyện dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Nhưng hiện chỉ mới hoàn thành san ủi mặt bằng kỹ thuật, đổ móng bêtông và xây dựng thô được 30/48 khu nhà nghỉ theo kiểu nhà rông.
Tính chung, tiến độ dự án ở giai đoạn một chậm hơn một năm so với kế hoạch, các hạng mục ở giai đoạn 2 chưa triển khai được gì. Nguyễn Đức Chi không bỏ một đồng xu nào để đầu tư vào dự án này.
Khi quyết định cho Công ty RIT thuê đất trong 40 năm tại dự án Rusalka vào tháng 7/2001, Thủ tướng cũng giao UBND tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc đền bù thiệt hại cho các chủ sử dụng đất có đất bị thu hồi, ổn định đời sống các hộ dân phải di dời... Nhưng giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Khánh Hòa Mai Đức Chính khẳng định: “Cho đến nay Công ty RIT vẫn hoàn toàn chưa thực hiện việc đền bù cho bất cứ một hộ dân nào”.
Trong lúc chưa đền bù cho dân, chưa thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho dân và khoảng 200 hộ dân trong khu vực “giải tỏa” này đang gõ cửa khiếu kiện khắp nơi, thì ngày 27/5/2003, ông Trần Minh Duân (lúc đó là phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) đã ký cấp sổ đỏ cho Công ty RIT được quyền sử dụng tổng diện tích đất nói trên. Sở Tài nguyên - Môi trường Khánh Hòa cho biết, toàn bộ diện tích đất và biển đã giao cho Công ty RIT đến nay đều chưa có hợp đồng thuê đất.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, RIT ký hợp đồng với Công ty BMC xây dựng các hạng mục chính dự án Rusalka nhưng lại do Ngân hàng Thương mại cổ phần quân đội thanh toán cho BMC, vì “vua lừa” Nguyễn Đức Chi đã đem “sổ đỏ” của dự án Rusalka được UBND tỉnh cấp thế chấp cho ngân hàng. Đến thời điểm hiện nay, việc xây dựng dự án do Công ty BMC ứng vốn thi công, Nguyễn Đức Chi không bỏ ra một đồng nào.
Chiều 29/6, một cán bộ cơ quan điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Khánh Hòa) cho biết, ngân hàng trước khi xem xét hồ sơ cấp vốn có đặt điều kiện với Công ty RIT “nếu tỉnh đồng ý cấp sổ đỏ thì ngân hàng sẽ nhận thế chấp”. Nguyễn Đức Chi đã mau chóng làm được điều đó.
Tương tự, một ngân hàng khác cũng “hứa” hỗ trợ tài chính cho Nguyễn Đức Chi sau khi biết sự “ưu ái” đặc biệt của tỉnh dành cho “vua lừa”.
UBND tỉnh Khánh Hòa còn “cắt” cả gần 1 km đường Phạm Văn Đồng (đi ngang dự án Rusalka) mới được xây dựng giao cho Công ty RIT để “không bị ảnh hưởng cho du khách”.
Để đền bù con đường bị cắt, tỉnh phải bỏ thêm một khoản tiền mở con đường mới cho người qua lại. Công ty RIT phải trả tiền đầu tư xây dựng đoạn đường được giao trên khoảng 12 tỷ đồng nhưng chưa trả đồng nào.
Theo Tuổi Trẻ, trong khi khả năng tài chính chỉ là con số không như vậy thì Nguyễn Đức Chi lại cùng người nhà thành lập hai công ty khác (Công ty cổ phần đầu tư - thương mại Hoa Hồng và Công ty cổ phần đầu tư du lịch Vạn Xuân) để lập dự án đầu tư vào khu du lịch Cam Ranh và đã được UBND tỉnh thông báo “cho phép”.
Đổ lỗi lẫn nhau
Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Mai Đức Chính cho rằng, việc cấp “sổ đỏ” cho Công ty RIT là có ý kiến chỉ đạo của trên tỉnh xuống.
Còn phó giám đốc Vũ Xuân Thiềng nói: “Đối với các dự án đầu tư nước ngoài khi có quyết định thì cấp ngay sổ đỏ cho họ. Riêng dự án Rusalka có sơ sót là trước khi cấp sổ đỏ thì chưa thu hồi các sổ đỏ đã cấp cho một số hộ dân. Hoặc lẽ ra phải có thông báo đình chỉ hiệu lực của các sổ đỏ của dân để khỏi giao dịch, mua bán rồi sau đó mới thu hồi”.
Còn việc kiểm tra và cho thế chấp bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng, theo cả hai ông này, là thuộc trách nhiệm của ngân hàng cho vay. Trong khi đó, ông Trần Minh Duân cho rằng việc ông ký cấp sổ đỏ là dựa trên hồ sơ và tờ trình của Sở Tài nguyên - môi trường và các bộ phận liên quan khác.
Việc hợp đồng thuê đất là trách nhiệm của Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên - môi trường). “Tuy nhiên khi vụ việc xảy ra, tôi có gọi hỏi sở xem xét lại lúc đó hồ sơ có sơ sót gì không nhưng chưa được hồi âm”, ông Duân nói.
Theo cơ quan điều tra, "đường đi” của việc cấp sổ đỏ trong dự án Rusalka, việc cho phép thực hiện thêm các dự án đầu tư du lịch khác đã “chắp cánh” cho Nguyễn Đức Chi đem thế chấp, lừa đảo là “đầy những khuất tất”, phải được làm rõ.
Bên cạnh đó, lời buột miệng của Nguyễn Đức Chi: “Các ông tưởng có được dự án dễ dàng lắm hả, tôi đã phải chi ra hơn 700.000 USD” là chi tiết quan trọng trong quá trình xác minh “đường đi” của những khuất tất nói trên.
Theo tài liệu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an), đến nay Công ty RIT đang nợ các doanh nghiệp trong nước khoảng 200 tỷ đồng không có khả năng thanh toán: Công ty Lương thực Trà Vinh thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam 40.000 tấn gạo trị giá khoảng 5 triệu USD; Công ty Lâm Viên, thuộc Học viện Lục quân Bộ Quốc phòng 56 tỷ đồng; Công ty điện tử Giảng Võ (Hà Nội) trên 50 tỷ đồng...
Quá trình triển khai dự án Rusalka, Công ty RIT đã ký hợp đồng với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để xây dựng các hạng mục nhỏ. Đến nay, RIT còn nợ các doanh nghiệp này trên 7 tỷ đồng không có khả năng chi trả: Công ty TNHH Trường Sơn (Diên Khánh) 2,8 tỷ, nợ Hợp tác xã 2-4 Nha Trang 1,5 tỷ, nợ doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Lê gần 1,3 tỷ đồng...