![]() |
Anh Hoa, lái xe ôm ở Củ Chi, được phẫu thuật tim ở Chợ Rẫy theo phương thức trả chậm. |
Tiến sĩ Trương Văn Việt, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, bệnh viện đã bắt đầu thực hiện chữa bệnh ký nợ tại khoa cấp cứu cách đây khoảng 10 năm, sau đó đã triển khai ở tất cả các khoa. Đầu năm 2005, Chợ Rẫy bắt đầu yêu cầu người bệnh làm “đơn xin thanh toán chậm viện phí”. Sau khi biết tổng chi phí điều trị, người bệnh sẽ xem xét khả năng thanh toán ngay của mình được bao nhiêu để đề xuất thời gian thanh toán nốt số còn lại.
"Đối với bệnh nhân bế tắc về tài chính mà bệnh viện không bế tắc về chuyên môn thì chúng tôi khuyên họ nên nợ. Còn trường hợp bế tắc cả hai, nghĩa là không còn khả năng cứu chữa thì chúng tôi sẽ khuyên người bệnh nên thôi", tiến sĩ Việt nói.
Ông Việt cũng cho biết, có bệnh nhân chỉ nợ 100.000 đồng, có người 10 triệu, vài chục triệu đồng. Hạn trả nợ cũng do người bệnh tự giác đề xuất. "Bệnh viện không phải là ông chủ nợ như những người có tiền cho vay, mà vì muốn người bệnh được cứu chữa kịp thời nên phải gánh lấy gánh nặng về tài chính, vì điều chúng tôi quan tâm là tính nguy hiểm bệnh lý và khả năng điều trị. Nếu bệnh lý đó nguy kịch mà có khả năng chữa khỏi, chúng tôi quyết cứu cho được. Nếu chờ đóng tiền mới điều trị thì chất lượng chuyên môn sẽ giảm".
Tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện Chợ Rẫy đã cho hơn 5.300 người nợ viện phí với tổng số tiền gần 5,6 tỷ đồng. Có trường hợp nợ trên 40 triệu đồng. Thời hạn lâu nhất mà bệnh nhân cam kết trả nợ là năm 2012.
(Theo Tuổi Trẻ)