Ông Nguyễn Phú Trọng. |
Trong tiếng vỗ tay từ Hội trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đặt bàn tay lên ngực trái, bày tỏ lòng tri ân, biết ơn đối với sự tín nhiệm của gần 500 đại biểu.
Ông khẳng định sẽ nguyện đem hết sức lực, trí tuệ để hoàn thành 3 nhiệm vụ của Quốc hội là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Ông Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14/4/1944, quê Đông Anh, Hà Nội, giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành xây dựng Đảng. Tại đại hội Đảng lần thứ 10, ông Trọng được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị.
Tháng 6/2006, tại phiên họp Quốc hội giữa nhiệm kỳ, đại biểu Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội) đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa 11. Trả lời báo chí sau khi trúng cử, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khẳng định, ông luôn ý thức học tập kinh nghiệm người tiền nhiệm và không coi thành công của người tiền nhiệm là sức ép.
Trong một năm đứng đầu cơ quan lập pháp, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã ghi dấu ấn trong công tác điều hành, đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động chất vấn theo hướng đi sâu giải quyết từng vấn đề. Theo đánh giá của nhiều đại biểu, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 là một trong những phiên chất vấn có chất lượng nhất của cả nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, hoạt động Quốc hội vẫn còn nhiều hạn chế trong cả 3 lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Để nâng tầm của của cơ quan dân cử, cần xây dựng cơ chế và có phương pháp để Quốc hội có thực quyền trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là về ngân sách.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã bầu 4 Phó chủ tịch là: bà Tòng Thị Phóng (Trưởng ban Dân vận Trung ương), ông Nguyễn Đức Kiên (Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách nhiệm kỳ QH khóa 11), ông Uông Chu Lưu (Bộ trưởng Tư pháp), tướng Huỳnh Ngọc Sơn (Tư lệnh quân khu 5). Cả 4 tân phó chủ tịch đều trúng cử với số phiếu bầu hơn 90%.
Bốn tân Phó chủ tịch sẽ giúp Chủ tịch Quốc hội trong 4 lĩnh vực là: văn hóa - xã hội, kinh tế - ngân sách, pháp luật - tư pháp, an ninh - quốc phòng. Quốc hội khóa 11 có 3 Phó chủ tịch, tất cả đều là nam giới.
Tiểu sử 4 Phó chủ tịch Quốc hội
(Nguồn: Website Quốc hội)
Bà Tòng Thị Phóng. |
Bà Tòng Thị Phóng, sinh năm 1954, dân tộc Thái, quê Sơn La, cử nhân luật. Bà Phóng hiện là Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận trung ương.
Bà Phóng là đại biểu QH khóa 10, 11, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 12 tại Đăk Lăk với tỷ lệ phiếu bầu gần 81%.
Ông Nguyễn Đức Kiên. |
Ông Nguyễn Đức Kiên sinh năm 1948, quê Hải Dương, cử nhân kinh tế. Ông hiện là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách QH khóa 11.
Ông Kiên là đại biểu QH khóa 9, 10, 11 và vừa trúng cử đại biểu QH khóa 12 tại Quảng Ninh với tỷ lệ phiếu 72%.
Ông Uông Chu Lưu. |
Ông Uông Chu Lưu, sinh năm 1955, quê Hà Tĩnh. Ông Lưu là tiến sĩ luật, hiện là ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ trưởng Tư pháp.
Ông Lưu là đại biểu QH khóa 11, trúng cử đại biểu Quốc hội tại Sóc Trăng với tỷ lệ phiếu hơn 69%.
Ông Huỳnh Ngọc Sơn. |
Trung tướng Huỳnh Ngọc Sơn, sinh năm 1951, quê Đà Nẵng. Ông Sơn có trình độ cao cấp quân sự, hiện là ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5.
Trung tướng Sơn là đại biểu QH khóa 11, trúng cử đại biểu Quốc hội tại Đà Nẵng với số phiếu hơn 82%.
Sau đó, QH đã bầu 13 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban và Hội đồng dân tộc của Quốc hội.
1- Ủy viên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc ông Ksor Phước (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khóa 11).
2- Ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật ông Nguyễn Văn Thuận (Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội khóa 11).
3- Ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bà Lê Thị Thu Ba (Thứ trưởng Bộ Tư pháp).
4- Ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ông Hà Văn Hiền (Bí thư tỉnh ủy Hà Tây).
5- Ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách ông Phùng Quốc Hiển (Bí thư tỉnh ủy Yên Bái).
6- Ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh ông Lê Quang Bình (Trưởng ban Dân nguyện QH khóa 11).
7- Ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ông Đào Trọng Thi (Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội).
8- Ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội bà Trương Thị Mai (Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng QH khóa 11).
9- Ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường ông Đặng Vũ Minh (Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
10- Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Son (Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng).
11- Ủy viên phụ trách công tác đại biểu ông Phạm Minh Tuyên (Phó ban tổ chức trung ương Đảng).
12- Ủy viên phụ trách công tác dân nguyện ông Trần Thế Vượng (Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của QH khóa 11).
13- Ủy viên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ông Trần Đình Đàn (Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh).
Trong số 18 người trúng cử Thường vụ khóa 12, có 3 người tái cử từ khóa trước là ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Đức Kiên và ông Lê Quang Bình. Tuổi bình quân của các ủy viên là 56 (ít hơn 3 tuổi so với khóa 11), trẻ nhất là bà Trương Thị Mai và ông Phùng Quốc Hiển (49 tuổi), nhiều tuổi nhất là ông Nguyễn Phú Trọng. Theo danh sách trúng cử, có ba người không phải là ủy viên Trung ương Đảng là ông Nguyễn Văn Thuận, ông Trần Thế Vượng và ông Lê Quang Bình. Ba người hiện là bí thư tỉnh ủy: ông Hà Văn Hiền (Hà Tây), ông Phùng Quốc Hiển (Yên Bái), ông Trần Đình Đàn (Hà Tĩnh). |
(Theo VnExpress)