Là công nhân một nhà máy sản xuất nhựa ở Quang Minh, Vĩnh Phúc, anh Toàn thường xuyên viện lý do phải làm đêm để tránh "gần" vợ, nhất là nếu thấy chị có vẻ hứng khởi. Vợ chồng anh lấy nhau được gần 10 năm. Thời gian đầu chung sống mọi việc vẫn suôn sẻ. Nhưng sau vài năm ham bia bọt và phải làm ca đêm, sức khỏe anh Toàn giảm sút nhiều, còn chị vẫn hừng hực sức sống.
Thời gian gần đây, mỗi lần gần vợ chưa "khởi động" xong thì "cậu nhỏ" của anh đã ỉu xìu mà dù cố cách nào nó cũng không ngóc đầu lên được. Vợ anh thấy vậy dù cố kìm nén, không nói câu nào nhưng chẳng dấu nổi vẻ mặt thất vọng. Vài lần thế, tự dưng anh đâm sợ gần vợ. Tuy vậy, khi tâm sự với vài chiến hữu, nghe họ khuyên nên thử với đối tượng khác, anh làm theo và thấy vẫn hăng hái như thường. Nhưng nỗi ám ảnh về gương mặt sa sầm của vợ lại khiến anh sợ mỗi lần chị muốn và cái màn kịch "anh phải làm ca đêm" ngày càng diễn thường xuyên hơn.
Chung cảnh ngộ với anh Toàn, anh Trung, 31 tuổi ở Từ Liêm, Hà Nội lại nấn ná mãi với cái laptop mỗi khi thấy vợ "dọn sẵn cỗ". Nhưng lý do của Trung hoàn toàn khác. Chuyện chăn gối của vợ chồng Trung chỉ mặn nồng được mấy tháng đầu sau cưới, sau đó, nhất là từ khi có con, không biết nghe ai nói hay đọc được "bửu bối" nào mà vợ anh nhất nhất đòi đặt lịch cho "chuyện ấy". Cô ra yêu cầu: vợ chồng chỉ "yêu" một tuần hai lần vào thứ này, giờ này, khi hai người đã tắm rửa sạch sẽ và con đã ngủ.
Tuy chẳng thích thú gì với thời khóa biểu của vợ nhưng Trung cũng phải chấp nhận vì nếu có cố thuyết phục mà vợ miễn cưỡng chiều theo anh cũng chẳng thích thú gì. Nhưng càng sau anh càng dị ứng với cái lịch cố định ấy. "Khi mình muốn thì không phải ngày mà lúc 'đến hẹn' thì có khi lại mệt hoặc chẳng có cảm hứng gì. Mà vợ thì như cái máy, lâu dần giờ mình cũng chẳng còn muốn gần", anh tâm sự với nhà tư vấn.
Dần dần, những ngày phải "trả bài", Trung lấy cớ làm thêm việc của công ty rồi ngồi lỳ bên laptop hoặc dán mắt vào trận bóng đá trên TV dù anh chẳng phải là fan của môn thể thao vua này. Anh cố nấn ná đến khi biết chắc vợ đã ngủ hoặc chán vì chờ đợi rồi mới đi nằm.
Bà Quách Thị Quế, chuyên viên tâm lý đường dây 1900585865 của Trung tâm tư vấn truyền thông sức khỏe sinh sản và sức khỏe cộng đồng của Hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, cho biết, có khá nhiều nam giới gọi đến xin tư vấn khi phải "trốn" vợ. Mỗi người một lý do nhưng đa số cánh mày râu chọn giải pháp "né nhiệm vụ" khi gặp trục trặc về sinh lý vì ngại làm vợ thất vọng hoặc thấy tự ái, lo lắng khi bạn đời tỏ thái độ dè bỉu, chê trách hoặc buồn chán. Với cánh mày râu, đây là điều rất nhạy cảm, thể hiện năng lực đàn ông của mình nên nếu bị "bẽ mặt" một lần, họ sẽ e ngại và chính sự ức chế tâm lý khiến nhiều người mất hứng thú với vợ hoặc khó hoàn thành "nhiệm vụ" hơn.
Ngoài ra, không ít anh em viện cớ "đồ nhà" quá cũ kỹ, nhàm chán nên phải tránh để đi tìm "của lạ". Cũng có ông chồng sợ gần vợ vì những lý do không thể lý giải nổi. Như trường hợp anh Thái ở Hà Tây là một ví dụ.
Thái mới cưới vợ được 5 tháng. Vợ Thái là người ngoan hiền lại rất xinh đẹp nhưng không hiểu sao mỗi lần "yêu" vợ, anh lại thấy khó chịu vì một mùi gì đó tỏa ra từ cơ thể chị. Và chính cái mùi đó dần dần khiến anh mất hứng thú khi ở cạnh vợ. Tất nhiên, anh chẳng thể nói với vợ điều ấy nên nhiều khi thấy chồng cố gắng mà không làm được gì, chị lại tưởng anh "yếu" nên ra sức động viên và giúp đỡ. Đã vậy anh càng cảm thấy có lỗi với vợ và chọn giải pháp né tránh.
Bà Quế cho rằng, trục trặc về mặt tình dục là một trong những lý do chính gây đổ vỡ trong mối quan hệ vợ chồng. Ngược lại, cũng khá nhiều đôi không thỏa mãn chuyện chăn gối vì những vướng mắc trong tình cảm hay đời sống thường ngày.
Theo bà, điều cốt yếu khi có vấn đề trong đời sống gối chăn, cả hai vợ chồng đều cùng phải có thiện chí và cố gắng tìm cách giải quyết. Các bạn nên tìm hiểu những kiến thức lành mạnh về chuyện ấy để có thể hiểu bạn đời hơn và biết cách cư xử tế nhị hay làm cho nhau cảm thấy được yêu thương, hạnh phúc. Hơn nữa, khi có chuyện, hai người hãy tâm sự và chia sẻ với nhau những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân thể cùng tìm cách cải thiện. Cả hai thái độ, giả vờ hoặc tỏ ra chán nản, chỉ trích đều làm tổn thương đến "nửa kia" và khiến mọi việc rắc rối hơn.
(Theo VnExpress)