Xuất thân từ một gia đình lao động, tuổi thơ của Dũng Taylor, ông bầu nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tại nước ngoài, chồng của ca sĩ Thu Phương, không chỉ có mỗi việc ăn và học như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Anh từng chia sẻ rằng, từ bé đã phải tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ bố mẹ các công việc như thợ mộc, thợ máy sửa xe... sau khi đi học về. Vì vậy, khi trở thành một ông bố, anh luôn giáo dục con có ý thức tự lập, biết quý trọng đồng tiền và học cách sắp xếp cuộc sống khoa học. Bí quyết dạy con của Dũng Taylor không giáo điều mà bắt đầu ngay từ những hoạt động thường ngày.
1. Dạy con tự lập ngay từ khi còn bé
Dũng Taylor nói rằng, thương con có nhiều cách nhưng anh thích và đồng cảm với cách giáo dục con từ tấm bé bởi không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể ở bên cạnh để chăm sóc, bảo vệ các con. Cung cấp cho con hành trang cần thiết để tự đối phó vói cuộc sống khi vấp ngã mới là điều thực sự quan trọng.
Ông bố 4 con liên hệ cách dạy con tự lập với câu chuyện tập cho con gái Shirley thói quen ngủ một mình và tự chăm sóc bản thân khi cô bé sang Mỹ lúc 8 tuổi. Từ một cô bé không biết tự tắm và không chịu ngủ riêng, Shirley giờ đã có thể làm bảo mẫu cho em trai Barry khi bố mẹ vắng nhà. Để giúp con khôn lớn, Dũng Taylor đã phải thuyết phục ông bà và vợ là ca sĩ Thu Phương thay đổi cách dạy con vì theo anh, ngoài việc đạo đức, học hành, ứng xử thì con còn phải có khả năng tự lập, không phụ thuộc và tự làm chủ quyết định của mình.
Theo anh, nhiều ông bà, bố mẹ thương con đến mức làm mọi thứ cho con vì nghĩ rằng con còn nhỏ, không biết gì nhưng thực tế thì 3 tuổi trở lên, con đã biết quan sát, có thể tự làm một số việc và nhờ tới sự hỗ trợ của người lớn khi cần. Nếu không dạy dỗ con khi còn bé khi chúng đủ thông minh và quen với lối dống được người khác phục vụ thì các biện pháp giáo dục sẽ trở thành muộn màng, thậm chí chúng còn biết phản kháng nếu phải tự làm việc gì đó.
Trẻ con trong độ tuổi 8-11 là cái tuổi lý luận, phản kháng cho dù đúng hay sai. Và khi con 11-15 tuổi thì lại ham chơi, lười biếng. Từ 15 tuổi đến 18 tuổi, con sẽ quan tâm nhiều đến các mối quan hệ bạn bè, bạn trai - bạn gái là chính và không còn muốn sinh hoạt chung cùng bố mẹ, gia đình nữa; nếu bố mẹ gây áp lực thì sẽ này sinh ý nghĩ thoát ly khỏi gia đình. Bởi vậy, việc giáo dục tính tự lập cho con cần bắt đầu từ sớm.
2. Cho con đi chợ cùng để bé tự tin và học cách sắp xếp công việc
Thay vì để con ngồi nhà dùng máy tính, điện thoại, ipad... Dũng Taylor thường dẫn các bé đi chợ cùng mình. Anh luôn cố gắng tạo ra càng nhiều hoạt động bên ngoài với con càng tốt để từ đó, giúp bé tự tin hơn, linh hoạt hơn và bổ sung thêm kỹ năng giao tiếp.
Khi đi chợ về, anh lại dạy con cách sắp xếp đồ dùng vào tủ lạnh và đặt ra quy tắc để tổ chức cuộc sống khoa học. Trên tủ lạnh của gia đình mình, Dũng Taylor luôn để một chiếc bảng nhỏ mà anh gọi là "sớ táo quân", trong đó ghi những danh sách những vật dụng hàng ngày. Người nào dùng món đồ cuối cùng trong tủ lạnh sẽ phải viết lên "sớ" cho bố, mẹ biết để bổ sung khi đi chợ. Mỗi khi đi chợ, anh thường đưa các con đi cùng với ba mục đích sau:
- Tự tay mình mua những món hàng mình yêu thích.
- Biết và cảm nhận được giá trị đồng tiền để tránh tình trạng hoang phí.
- Chia sẻ công việc trong gia đình với mọi người.
3. Dạy cho con biết sự cực khổ để kiếm được đồng tiền
Ông xã của ca sĩ Thu Phương chia sẻ rằng, nhiều bố mẹ quan niệm "hy sinh đời bố để củng cố đời con" nên không quản đổ mồ hôi, nước mắt tạo dựng tương lai cho con. Nhưng giàu có mà không giáo dục con biết đồng tiền đến từ đâu và sự cực khổ để có được nó thì đồng tiền sẽ phản tác dụng khi các con trưởng thành.
Dũng Taylor dạy con quản lý và có trách nhiệm với tài chính bằng cách cho bé biết về các chi phí của một gia đình ở Mỹ chi dùng mỗi tháng và sự khác biệt giữa những điều mình muốn với điều mình cần. "Các con cần thực phẩm, nước, không khí, mái ấm gia đình nhưng các con không cần Ipad, Iphone, Xbox, quần áo hiệu... Đó là những thứ có thì tốt, không có chúng ta vẫn sống tốt. Khi các con biết phân biệt điều này từ bé sẽ giúp các con có những quyết định đúng khi chúng trưởng thành và khi chính tay chúng tạo ra đồng tiền", ông bố 4 con chia sẻ.
Ở nhà của Dũng Taylor và Thu Phương luôn có một chiếc hộp đựng tiền lẻ để thay vì vứt tiền lung tung trong phòng, các con sẽ bỏ vào đây. Đến ngày sinh nhật, con mang đến ngân hàng đổi lấy tiền giấy và số tiền đó coi như là món quà con tự mua cho mình. Đó sẽ là món quà ý nghĩa, giá trị và được trân trọng nhất.
4. Không để các con 'rảnh rỗi sinh nông nổi'
Khi theo dõi các vụ phạm tội mà thủ phạm là những thanh niên trẻ tuổi, Dũng Taylor cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc cha mẹ thiếu thời gian giáo dục cho con về giá trị đời sống và đạo đức làm người. Nhất là khi con ở vào độ tuổi 12-21, cái tuổi tò mò, cái tuổi tự nói với bản thân "Cái gì mình cũng biết", không cần đến bố mẹ, gia đình và thích chứng minh, thể hiện bản thân thì có thể dẫn đến những việc làm "ngoài sức tưởng tượng".
Anh khuyên các bố mẹ "hãy dành thời gian tìm hiểu về 'thế giới ảo' của các con vì ngày nay, con tiếp xúc với mạng internet mỗi ngày. Nếu chúng ta không biết gì về thế giới và sinh hoạt của các con thì chúng ta lấy gì để giáo dục chúng? Trẻ con sẽ không hiểu và không muốn hiểu những công việc thường ngày của bố mẹ. Nếu muốn nói chuyện và hiểu chúng thì chúng ta cần đầu tư thời gian xâm nhập và am hiểu thế giới của chúng".
Dũng Taylor cũng cho rằng, trẻ bị ảnh hưởng từ bạn bè, các trang mạng xã hội bởi chúng tìm thấy sự chia sẻ, cảm thông ở đây nhiều hơn từ bố mẹ, gia đình. Nhiều bố mẹ có quan điểm nuôi con như mặt trăng, đến rằm sẽ tròn. Nhưng cũng có những con trăng cả đời không tròn, mà cứ khuyết và méo mó cả đời làm khổ luôn cả bố mẹ.
Song Giang