Nữ ca sĩ Võ Hạ Trâm từng trải qua vài cuộc tình trước khi chọn dừng chân bên người đàn ông Ấn Độ hơn cô 12 tuổi. Trâm tâm sự, những mối tình trước mang cho cô đau khổ, không chỉ tổn thương mà lấy đi hết niềm tin cuối cùng về tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc. Đã có lúc Trâm sống khép kín, đề phòng bên ngoài và nhìn những người đàn ông vây quanh bằng ánh mắt nghi ngại. Chính lúc ấy, Vikas, doanh nhân kinh doanh đá hoa cương tại TP HCM, xuất hiện và xoa dịu những ngờ vực trong cô bằng sự chân thành.
- Một tuần trước đám cưới, điều gì khiến chị nhớ nhất về hành trình yêu với vị hôn phu Vikas?
- Tôi gặp Vikas trong bữa tiệc và chẳng ấn tượng nhiều nhưng anh ấy lại chú ý tới tôi. Hôm ấy tôi ăn mặc giản dị, hòa đồng và thoải mái trò chuyện với mọi người. Có lẽ nét tính cách này đã thu hút anh, khiến anh chủ động tới làm quen và xin số điện thoại để liên lạc. Ban đầu tôi giao tiếp với anh trong giới hạn bạn bè chứ chưa mở lòng. Nhưng khoảng ba tháng sau, bằng sự kiên trì và dịu dàng, anh khiến tôi thay đổi. Tôi cảm thấy người đàn ông này rất tốt, đáng tin nên thử cho bản thân cơ hội đón nhận mối quan hệ.
- Trước khi gặp và yêu Vikas, chị có từng nghĩ sẽ kết hôn với người đàn ông ngoại quốc?
- Tôi thuộc tuýp phụ nữ truyền thống và đôi lúc hơi khuôn mẫu. Tôi luôn nghĩ đàn ông ngoại quốc phóng khoáng trong tình cảm và tình dục nên không thể phù hợp. Tôi chưa từng nghĩ sẽ có mối quan hệ tình cảm với họ cho đến khi gặp Vikas và phát hiện đất nước anh cũng rất truyền thống. Ở một số khía cạnh, sự truyền thống của Ấn Độ còn khắt khe hơn Việt Nam. Họ đề cao sự thủy chung, lòng trung thành và khi dành tình cảm cho ai sẽ trọn vẹn với người đó. Một số bạn trai trước đây của tôi quan niệm giống thời phong kiến rằng đàn ông được quyền có nhiều thê, thiếp nên cách họ đến với tôi cũng vậy. Nhưng với Vikas thì không, anh coi tôi là gia đình và chỉ yêu thương mình tôi nên khiến tôi tuyệt đối yên tâm.
- Để có được sự tin tưởng, yên tâm đó, chị mất bao lâu để thử thách và tìm hiểu?
- Một năm rưỡi là khoảng thời gian đủ dài để chúng tôi hiểu rõ về con người nhau và biết cách dung hòa những điểm chưa phù hợp. Chúng tôi đều là những người trưởng thành, trước mỗi quyết định phải suy nghĩ và cân nhắc rất kỹ. Ngay những lần gặp đầu, anh đã nói với tôi rằng "anh muốn cưới em làm vợ". Bản thân tôi khi ấy còn nghi ngờ, cảm thấy mọi thứ quá mới và mông lung nên cố gắng làm chậm lại.
Tôi nói với anh rằng: lúc yêu đương, mỗi người đều cố gắng phô diễn phần đẹp đẽ còn khi cưới mới sống thật. Anh trả lời: "Nếu chúng ta đã tìm thấy nhau và cảm thấy phù hợp, tại sao phải mất thời gian tìm ra những điểm tiêu cực và vịn vào đó để chia tay?". Thời điểm đó tôi rất bi quan. Nhìn xung quanh thấy bao cặp hợp - tan. Chính bản thân tôi không cũng không tin mình sẽ hạnh phúc. Nhưng chính anh cho tôi lần nữa có niềm tin vào tình yêu.
- Trong 1,5 năm yêu đương, chị và bạn trai đã dung hòa những điểm chưa phù hợp nào?
- Thời gian đầu anh thỉnh thoảng chụp ảnh màn hình rồi gửi cho tôi và hỏi "em ơi, người này là ai vậy?" hay "sao em mặc hở quá" khi thấy tôi giao tiếp với mọi người hoặc diện trang phục gợi cảm trên sân khấu. Tôi giải thích cho anh rằng cuộc sống của một người nghệ sĩ, đặc biệt là khi biểu diễn rất khác với những người bình thường. Tôi gặp gỡ, giao tiếp nhiều nhưng các mối quan hệ đều trong sáng và chừng mực. Những trang phục phóng khoáng chỉ giúp tôi thăng hoa khi thể hiện ca khúc chứ không phản ánh điều gì cụ thể về nhân phẩm. Tất nhiên ai cũng cần thời gian để hiểu ra và tranh cãi để giải quyết khúc mắc. Đến giờ, anh không còn khó chịu mà biết cách thông cảm với cuộc sống và công việc của tôi.
- Lấy chồng Ấn Độ, quốc gia có nhiều tôn giáo lớn, chị phải "nhập gia tùy tục" những quy tắc gì?
- Chồng tôi là người theo Ấn Độ giáo (hay còn gọi là Ấn giáo hay Hindu giáo) có nhiều nét tương đồng với đạo Phật mà tôi lại là một Phật tử. Người ta thường nghĩ đàn ông Ấn Độ gia trưởng, không chung thủy, năm thê bảy thiếp và ít tôn trọng phụ nữ nhưng chồng tôi hoàn toàn khác, anh coi trọng gia đình, yêu thương vợ, thích chăm sóc con cái.
Người Ấn Độ giáo không ăn thịt bò bởi với họ, đó là con vật thiêng. Họ thường ăn chay, tu tập, hướng tới những giá trị chân thiện mỹ và yêu chuộng hòa bình. Hầu hết những người chưa tìm hiểu kỹ về Ấn Độ đều đánh giá chưa đúng hoặc "vơ đũa" khi nói về đàn ông Ấn Độ. Tôi đọc được nhiều bình luận tiêu cực của một số khán giả trên Facebook rằng đây là đất nước chỉ toàn khủng bố, hiếp dâm nhưng sự thật đâu phải vậy. Lấy chồng Ấn Độ lại theo Ấn Độ giáo, tôi không phải thay đổi hay điều chỉnh gì cả bởi hai đứa dễ dàng kết nối thông qua những quan điểm chung trong cuộc sống.
- Những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực có làm khó chị?
- Chồng tôi rời khỏi quê hương đã 20 năm, đi qua 75 quốc gia, dường như anh trở thành một công dân quốc tế chứ không thuần Ấn Độ nữa. Mọi sinh hoạt của anh đều dễ dàng thay đổi để thích nghi với cuộc sống mới, văn hóa và ẩm thực cũng vậy.
Tôi ăn chay trường. Mỗi lần đưa anh đi ăn bún đậu, anh ăn mắm tôm, tôi ăn nước chấm. Khi chúng tôi đi ăn chay, anh rất thích các món chay Việt Nam và liên tục khen ngon. Trong gia đình, anh không quan niệm phụ nữ phải làm việc nhà mà cho rằng hai người về ở cùng nhau, miễn vui là được. Còn những chuyện nấu cơm, rửa bát, giặt giũ có thể thuê người làm chứ không áp đặt rằng người vợ phải thực hiện các việc đó.
- Gia đình chị phản ứng thế nào khi con gái quyết định lấy chồng ngoại quốc?
- Bố mẹ tôi rất lo vì nhà anh quá xa, không biết gia cảnh ra sao, xuất thân thế nào, bản thân tôi cũng chưa sang tới nơi tìm hiểu. Chứng kiến những chuyện lừa tình, lừa tiền diễn ra hàng ngày, bố mẹ tôi sợ thay cho con gái.
Nhưng tôi là người nhạy bén. Khi ở bên anh, nếu có bất cứ điều gì không ổn tôi sẽ nhận ra ngay. Nhưng tôi không cố gắng giải thích cho bố mẹ rằng "anh ấy tốt", "anh ấy sẽ chăm sóc con", "anh ấy sẽ mang đến con những điều tốt đẹp" mà chỉ âm thầm xây dựng mối quan hệ. Nếu tôi thực sự hạnh phúc, đó là câu trả lời tuyệt vời nhất cho gia đình, bạn bè và cả những người còn đang hoài nghi về cuộc tình này.
- Vậy còn gia đình anh ấy thì sao?
- Rất phấn khích. Chồng tôi là con út lại lớn tuổi nên gia đình luôn mong ngóng anh lấy vợ, sinh con. Ngay khi anh thông báo có bạn gái, mọi người đều mừng rỡ bởi hiểu được đây là mối quan nghiêm túc, được lựa chọn kỹ lưỡng và chắc chắn. Sau khi biết ngày diễn ra hôn lễ, không khí gia đình trở nên rộn ràng hơn. Các thành viên háo hức chuẩn bị quần áo đẹp, trang sức lộng lẫy để bay sang Việt Nam dự đám cưới.
Tôi chưa gặp trực tiếp mẹ chồng nhưng may mắn có được thiện cảm của bà. Bà rất thương tôi, mỗi lần gọi điện thoại đều hỏi tôi thích gì để mua tặng. Bà căn dặn con trai phải đối xử thật tốt với tôi, phải khiến tôi mỗi ngày đều cảm thấy hạnh phúc. Vì điều kiện địa lý xa cách, chỉ có thể trò chuyện qua điện thoại nhưng tôi cảm nhận được mẹ chồng là người ấm áp, tình cảm.
Lam Trà thực hiện