Bình dân nhất có lẽ là những kiểu trang sức gắn hạt đá (lẫn hạt nhựa giả đá) bày bán la liệt ở chợ đêm Kỳ Hòa, chợ Phạm Văn Hai, Trần Hữu Trang TP HCM.
"Dù được quảng cáo là hàng Thái Lan hay hàng làm tay thì các kiểu trang sức đá ở đây luôn giữ giá từ khoảng hơn 10 nghìn cho đến dưới 100 nghìn đồng. Vì vậy, cuối tuần bước chân ra đây là đụng toàn học sinh, sinh viên", Hương, sinh viên Đại học Kiến trúc, vừa ướm thử sợi dây chuyền có mặt là viên đá cuội vẽ gương mặt cười vừa truyền lại bí quyết mua sắm tại chợ đêm Kỳ Hòa.
Không đều đặn lùng hàng mới mỗi tuần như Hương nhưng lại có thâm niên sưu tầm trang sức đá từ cách đây 4 năm nên Tâm, cựu sinh viên Báo chí, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, cũng kịp sở hữu bộ sưu tập trang sức đá khá phong phú. Tâm cho biết: "Hạt đá thiên nhiên ít bị xuống màu nên một sợi dây chuyền có thể giữ đeo rất lâu. Ngoài ra, yếu tố tự nhiên khiến trang sức đá trở nên hấp dẫn hơn hẳn các kiểu trang sức nhựa giả đá, tuy rất tinh xảo và sặc sỡ sắc màu nhưng thiếu cái hồn riêng".
Nếu trước đây, trang sức đá thường chỉ tập trung ở các loại đá quý được chế tác như: cẩm thạch, kim cương, hồng ngọc... và dành cho những người trung lưu vừa đeo vừa giữ của thì nay, chủng loại đá gia nhập vào cuộc chơi thời trang lên đến hàng trăm loại: thạch anh có vân màu mờ ảo, nham thạch phát sáng lấp lánh, turquoise với sắc xanh độc đáo, opal màu trắng đục...
Giới sinh viên thường chọn trang sức đá thô, màu sắc trẻ trung vì đảm bảo được yếu tố cá tính, thời trang và giá cả vừa túi tiền. Trong khi đó, các nữ doanh nhân thành đạt lại sẵn sàng bỏ từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng để chọn một viên đá có hoa văn độc đáo như cách thể hiện "cái tôi" riêng của bản thân.
Sức hút lớn nhất của trang sức đá chính là kiểu dáng đa dạng, màu sắc tự nhiên và các kiểu hoa văn không bao giờ giống nhau của chúng. Và để giữ được điều này, người bán cũng phải thật dụng công. Chị Thái Hằng, chủ cửa hàng Thái Hà ở Trung tâm thương mại ITC, cũng là người rất mê đá, cho biết tháng nào cũng rong ruổi đi tìm đá để vừa thỏa ý thích của riêng mình vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và khắt khe hơn của khách hàng. Ở đất nước nhiều đồi núi và khoáng sản như Việt Nam, đá là nguồn tài nguyên dồi dào và phong phú về chủng loại. Đến Lâm Đồng, Hằng tìm được đá thạch anh, hổ phách, ngược lên Gia Lai, Buôn Mê Thuột lại tìm được các loại đá vàng, đá đen lạ mắt... Khi có điều kiện, Hằng du lịch sang Thái Lan, Myanmar... cũng chăm chăm mục đích tìm đá lạ.
Chị Hằng nhận xét, giới trẻ thường chọn những loại đá có màu trẻ trung và nổi bật như xanh biển, đỏ, trắng, xanh lá... để kết hợp cùng trang phục. Người có tuổi lại mê đá vì những đường vân độc đáo của chúng. Và để có được những đường vân này, ngoài việc tìm được đá đẹp thì công đoạn mài đá, tạo kiểu cũng rất công phu. Nếu không phải là người khéo tay và có con mắt tinh đời để nhìn ra các hoa văn đẹp trên đá thì nhiều khi cả tảng đá to cũng chỉ mày mò cho ra được một hai sản phẩm nho nhỏ, lúc ấy giá thành sẽ bị đội lên rất cao.
Mỗi người đến với cuộc chơi cùng trang sức đá với một tâm thế khác nhau. Có người chọn vì chúng đẹp, có người đến với đá vì chúng đang là mốt, cũng có người say cuộc chơi này vì tìm thấy tiếng nói diệu kỳ của thiên nhiên qua từng viên đá nhỏ. Nói như chị Thảo Vi, người đang sở hữu bộ sưu tập trang sức đá lên đến gần 60 loại, thì: "Đá đẹp không phụ thuộc vào yếu tố đắt hay rẻ mà ở chỗ liệu người mua có nhìn thấy vẻ đẹp của đá hay không".
(Theo Thanh Niên)