Những chiếc xe không số lưu thông bạt mạng trên những con đường rừng núi Trà My là kết quả của đền bù đất rừng có trồng cây quế. |
Đất Trà My nổi tiếng với đặc sản cây quế từ nhiều trăm năm. Khi có những công trình thuỷ điện trên sông Tranh, đồng bào dân tộc sống trong vùng giải toả làm lòng hồ thuỷ điện nhận tiền đền bù bỗng chốc trở thành tỷ phú.
Từ đó "ra đời" một lớp tay chơi mới nổi, xài tiền vung vít mà dân chơi miền xuôi nghe qua ai cũng lắc đầu chào thua.
Chơi xe kiểu... rừng
Sẵn trong tay tiền triệu chẳng để làm gì, dân xã Trà Bui, Trà Đốc (Bắc Trà My), Trà Leng, Trà Dơn (Nam Trà My) ào ào xô nhau đi sắm xe, ăn nhậu, mua di động đời mới.
Đi từ Bắc Trà My đến Nam Trà My, đâu cũng thấy xe máy không biển số chạy đầy đường, chở ba, chở bốn phóng bạt mạng.
Anh xe ôm than thở: “Công an ở đây cũng làm gắt, giam xe không bằng lái, không giấy đăng ký, nhưng họ nói đại để như, vô tư. Hôm nay bắt chiếc này, hôm sau về nhà mua ngay chiếc khác chạy tiếp. Giờ đoàn xe không số chờ thanh lý ở công an Bắc Trà My nằm xếp lớp".
Ở Bắc Trà My từ đầu tháng 3 đến nay đã phạt tại chỗ 112 trường hợp vi phạm luật giao thông. Nhưng tình hình xe không biển số, phóng nhanh vượt ẩu vẫn không kiểm soát nổi. Dân còn tiền là còn mua xe chạy.
Trên đoạn đường dốc mới mở cuối Thuỷ điện Sông Tranh 2, Hồ Ngọc Quang ngụ thôn 6, Trà Bui chạy chiếc Win không biển số, chở 3, giới thiệu: “Đây là xe thứ hai, xe đầu công an gọi, phạt, cho hắn 500 (hối lộ công an 500) mà hắn không cho đi, lấy xe luôn. Chừ mua xe ni...”.
Chuyện mua xe của những triệu phú đất Trà My một người mua 2-3 chiếc là thường. Nhưng đỉnh nhất là câu chuyện nghe được một vụ chuyển nhượng kỷ lục về giá cả. Con xe Jupiter của một anh miền xuôi đã qua sử dụng, bán cho người ở Trà Bui với giá 23 triệu, anh này chạy thời gian sang lại cho một anh khác trong thôn với giá 29 triệu và 5 mẫu đất. Giá trị mỗi mẫu đất 20 triệu. Hỏi sao bán xe mắc quá vậy, lời giải thích đơn giản: “Cái xe ni hắn đang cần mừ, mình cần đất, không cần xe nữa mô”.
Chóng giàu - nhanh nghèo
Có tiền đền bù trong tay, các “triệu phú” xài tiền vung vít, trước tiên là ăn nhậu. Dân nhận tiền đền bù đất, rừng quế, không ưa uống bia chai bởi mất công trả vỏ, tốn thời gian đi lại thồ lên thồ xuống. Chuộng nhất ở thôn nóc (làng) là uống bia lon. Và không phải uống một hai ngày ăn mừng trúng mánh rồi nghỉ, mà uống liền tù tì hết thùng này mua thùng khác về nhậu. Bia lon uống hết lại xếp vào thùng, dựng dựa phên nhà làm thành những bức tường thùng bia xếp từ đất chạm đến nóc nhà.
Vào thôn 2 xã Trà Bui, không thể tưởng tượng nổi ở rừng mà cũng tivi 24 inch màn hình phẳng để lăn lóc trong nhà. Nhà nào cũng tivi xịn, đầu kỹ thuật số, dàn CD mở tân nhạc hát ầm ĩ.
Anh bạn thổ địa giới thiệu: “Dân ni họ sang lắm, cái gì mới nhất, xịn nhất được bày bán ở thị trấn là mua về. Một người trong nóc có thì cả nóc chạy đua theo, người mua sau ráng sao phải xịn hơn hoặc ít nhất là bằng người mua trước chứ không chịu thua, dù phải mua mắc cũng chịu. Ưu tiên một là xe máy, kế đến là tivi, đầu đĩa, thứ 3 là điện thoại di động...”.
Ở thị trấn Tắk Pỏ huyện Nam Trà My, chỉ có mạng Vina, Viettel phủ sóng mạnh, thôn nóc các xã chẳng nơi nào có sóng. Nhưng thấy những người thi công công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 xài di động, các triệu phú núi rừng cũng sắm cái alô, không có sóng thì nghe nhạc.
Do mù tịt về công nghệ, nên các loại điện thoại giá đắt hơn tôm tươi. Điện thoại dưới xuôi 3 triệu, đến miền núi giá 10 triệu hoặc hơn, chỉ cần mẫu mã đẹp đẹp, nhạc nghe to, chụp ảnh ngon, chuông reo sướng tai là được. Giá không là vấn đề quan tâm, bàn cãi. Mua điện thoại, cầm đi rẫy xem giờ, nghỉ trưa mở nhạc nghe. Tối buồn buồn lao xe xuống thị trấn uống cà phê, hai người hai đầu góc quán, gọi điện cho nhau để xem điện thoại nghe có rõ không. Ngồi cà phê ở Tắk Pỏ cạnh bàn 4 mái đầu tóc cháy vàng hoe, thấy đang lui cui hí hửng chuyền nhau điện thoại xem các phim ảnh tươi mát mới cài vào máy từ một anh làm công trình dưới Đà Nẵng lên.
Người đã nhận tiền đền bù ăn chơi bạt mạng, người đang đợi tiền đền bù nôn nóng, biết rồi sẽ nhận tiền đợt kế tiếp nên chấp nhận đi vay để ăn chơi. Vay 10 triệu, viết giấy nợ 13 triệu. Những đại lý xe máy cũng căn cứ vào đó cầm sổ hộ khẩu, cho mượn tiền mua xe, cho mượn tiền đổ xăng.
Béo mồi cho những tay cò trong thôn nóc. Do quen tiếp xúc với người dưới xuôi, nắm giá cả, quy trình mua bán, dân tin tưởng nhờ mua xe, mua tivi, điện thoại. Các cò ra giá cao hơn mức bán ở cửa hàng, ăn cả hai đầu. Một chiếc Win 100 Trung Quốc giá trung bình 8,5 triệu, cò ăn đại lý xe 2 triệu, ăn người cần mua 500.000. Đại lý đẩy giá lên 13 triệu mà người mua vẫn nườm nượp.
Lấy xe máy vi vu, ăn chơi không lo làm, xài đến khi hết tiền, không tiền đổ xăng, đành đem xe đi bán với giá rẻ bèo. Anh Hồ Văn Đăng ở Trà Dơn mua chiếc Win 100 chạy chưa đầy nửa năm, mới bán đi với giá 2 triệu lấy tiền mua cơm gạo.
Sắp tới, việc giải toả đền bù tiếp tục tại khu Nước Xa, sẽ thêm một lớp mới những người ăn chơi, sắm xe cộ, chạy bạt mạng, không gặp tai nạn thì hết tiền, rồi lại bán xe.
Nghèo vẫn hoàn nghèo!
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)