Các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Armani, Dior, Gucci, Dunhill, Givenchy, Emenegildo, Zegna… đang dần trở nên “thân thuộc”.
Thương hiệu, bản thân có chứa đựng một thông điệp mà mỗi nhà sáng tạo thể hiện giá trị các nhân của họ. Nó là đặc tính của người sáng tạo và mong muốn của người đó thể hiện giá trị của chính mình - điều tạo nên nền móng tự nhiên cho đặc tính của sản phẩm, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Những thương hiệu được xếp vào hàng luxury thường chỉ nhắm vào một số đối tượng khách hàng có đẳng cấp cao nhất trong xã hội như các vận động viên quốc tế, giới hoàng tộc, thượng lưu, các ngôi sao trong lĩnh vực nghệ thuật nổi tiếng thế giới có thu nhập cao gấp 1.000 lần người bình thường và chú tâm phục vụ riêng đối tượng đó.
Ví dụ khi sáng lập hãng thời trang Dunhill vào năm 1893, ông Alfred Dunhill chỉ cung cấp trang phục cho các kỵ sĩ, giới quý tộc Anh quốc với những thiết kế thanh lịch nhất, sưu tầm các loại nguyên liệu cao cấp nhất và sử dụng các kỹ thuật tỉ mỉ nhất để chế tác được những trang phục và đồ dùng cho giới khách hàng cực kỳ khó tính này.
Từ đôi găng tay da đến chiếc áo choàng, từ chiếc đồng hồ đến đôi khuy măng xét, từ chiếc ví da đến bộ vali du lịch, tất cả đều được thiết kế dành riêng cho giới khách hàng đặc biệt có vị trí bậc nhất của xã hội.
Hãng Cartier thì được chọn là nhà cung cấp nữ trang cho hoàng tộc Pháp thời kỳ Napoleon đệ tam. Hãng thời trang Daks, London chuyên cung cấp quần áo thời trang cho giới hoàng gia trong đó có Thái tử Philip, công tước của Edenburgh vào năm 1956, nữ hoàng vào năm 1092 và hoàng tử xứ Wales vào năm 1982…
Và đến thế kỷ 20 thì xuất hiện nhiều hãng thời trang cao cấp khác như thời trang thanh lịch của Pháp: Christian Dior, Jean Paul...
Thời trang sành điệu ở Italy: Versace, Prada, Valentino, Cerruti, Armani, Gucci… Tiêu chí kinh doanh chung của nhưng hàng thời trang nổi tiếng thế giới là: “tạo ra sự độc đáo độc quyền”. Số lượng hàng hóa họ sản xuất ra không nhiều, ví dụ hãng Diesel đến nay chỉ sản xuất ra 350 chiếc quần (200 cho châu Âu, 100 cho châu Mỹ và 50 cho châu Á). Nhiều sản phẩm chỉ dừng ở số lượng 1.000 chiếc.
Renzo Rossi luôn tạo ra một cơn sốt hàng hóa của mình ở các đại lý đặt tại 80 nước trên thế giới. Đương nhiên, những chiếc quần đó không thể rẻ hơn 350 USD một chiếc.
Hiện Dunhill có hơn 200 cửa hàng trên toàn thế giới, ngoài Dunhill, Richemont còn có các nhãn hiệu nổi tiếng khác như: Montblanc, Cartier, Piaget, Chloe, IWC, Hackett, B&M, Vacheron Constantin. Mặc dù cho đến này, nhóm khách hàng mục tiêu của Dunhill đã được mở rộng rất nhiều nhưng Dunhill vẫn cố gắng duy trì những yêu cầu cần nghiêm nhặt về kỹ thuật, công nghệ để giữ vững tiêu chuẩn chất lượng, khẳng định đẳng cấp của tất cả các dòng sản phẩm truyền thống. Và dĩ nhiên đồ chính hãng của các nhãn hiệu này không bao giờ có giá rẻ, thấp nhất cũng từ 100 USD trở lên.
Nhưng thật kỳ lạ, chúng gợi lên sức mạnh về kinh tế của quốc gia sản xuất và người sở hữu nó.
Các hãng thời trang nổi tiếng thế giới: D&G, Cavalli, Versace, Moschino, Diesel… có khả năng áp đặt hình ảnh của chúng về thời giới lên nhưng quan điểm mang tính quốc gia.
Giới tiêu dùng hàng luxury ở Việt Nam không nhiều, chỉ có một số doanh nhân thành đạt, những người giàu thật sự biết giá trị của những hàng hóa mà họ bỏ tiền ra mua. Một giám đốc Marketing luxury goods ở Việt Nam khẳng định, sử dụng bộ quần áo, đồ dùng hàng hiệu không phải là chuyện xa xỉ mà đó chính là một cách đầu tư vì nó sẽ đưa ra nhiều kết luận: về tính cách, khẳng năng tài chính và mức độ nhập cuộc.
Có thể nói, xài hàng hiệu giống như một phương thức đánh bóng giá trị của bản thân. Không kể đến nhóm các bạn trẻ đua đòi để khoe khoang với bạn bè, những người sành đồ hiệu biết rõ giá trị món hàng mà họ sử dụng sẽ đem lại điều gì cho họ.
Tất nhiên, những người đã bỏ tiền ra mua những món đồ cá nhân trị giá từ vài trăm đến cả nghìn đô la là những người có thu nhập cao, sành điệu và họ muốn người khác biết điều đó. Đó là lý do tại sao trên thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều sản phẩm nhái của Trung Quốc nhưng các nhà phân phối hàng đồ đẳng cấp vẫn không tỏ ra lo lắng, họ luôn biết khách hàng của mình là ai và giá trị của sản phẩm mình như thế nào.
Theo tìm hiểu của PV Tư Vấn Tiêu Dùng, hiện nay có rất nhiều các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới đến Việt Nam thông qua các nhà phân phối chính thức. Ngoài các đại lý độc quyền hoặc các cửa hàng đại diện trên đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ TP HCM, các nhãn hiệu nổi tiếng tập trung ở Zen Plaza, Diamond Plaza, trung tâm thương mại Saigon Tourist và các cửa hàng trong những khách sạn 5 sao.