Đĩa nhạc của Madonna. |
Cũng giống như trong vi tính, một dàn máy hi-end (phần cứng) chỉ phát huy hết khả năng khi sử dụng những đĩa nhạc CD (phần mềm) chất lượng cao. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng tín hiệu digital chép từ đĩa gốc qua đĩa trắng sẽ không thay đổi chất lượng, tuy nhiên khi đưa vào dàn máy hi-end thì mức độ chênh lệch hoàn toàn rõ rệt: độ "tròn tiếng", "sạch sẽ”, sự ấm áp, tinh tế và "hùng tráng" của âm thanh đều bị “hao hụt” đi nhiều.
Do đó nhiều hãng sản xuất đầu đọc CD cao cấp như C.E.C, Accuphase, Goldmun… chỉ thiết kế cho người sử dụng nghe đĩa gốc, không đọc được đĩa chép, nhằm đảm bảo chất lượng âm thanh cao nhất, phát huy hiệu quả tối đa của dàn máy.
Có thể khi nghe so sánh đĩa chép với đĩa gốc, nhiều người sẽ cho rằng mức giá gấp nhiều chục lần không phù hợp với sự chênh lệch âm thanh đem lại, tuy nhiên ở đẳng cấp hi-end, sự cải thiện âm thanh khoảng 10%, người chơi đã không còn chấp nhận thưởng thức âm thanh cũ nữa, và họ sẵn sàng trả thêm tiền cho sự thay đổi đó.
Chất liệu đĩa, hãng sản xuất, quy trình ghi âm và công nghệ ứng dụng là những yếu tố quyết định chất lượng một đĩa CD gốc.
Về nguyên tắc, khi lựa chọn, người mua khó phân biệt chất liệu làm đĩa CD, tuy nhiên qua cảm quan có thể phần nào đánh giá được điều đó. Một số CD được quảng cáo là đĩa vàng (gold disc) do có tráng một lớp kim loại đặc biệt ánh vàng trên bề mặt để tạo hiệu quả âm thanh và tăng độ bền sản phẩm. Những gold disc như thế thường phát hành với số lượng hạn chế và giá bán rất cao, nhưng bù lại chất lượng âm thanh ở mức độ hoàn toàn tin tưởng.
Đối với các CD thông thường khác, chỉ tiêu lựa chọn hợp lý hơn là căn cứ vào thương hiệu của hãng sản xuất. Một hãng có tên tuổi thường đồng nghĩa với quy trình công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến và đội ngũ chuyên môn lành nghề, vì vậy người chơi có kinh nghiệm thường xuất phát từ yếu tố này khi lựa chọn.
Muốn thưởng thức nhạc classic phải tìm đến Sony Music Entertainment, EMI, BMG, Grammophon… , nhạc jazz, country, blue thì có Real Music, Chesky Record, Prestige, TelarcDigital… Đó là những tên tuổi tiên phong trong từng thể loại âm nhạc mà người nghe có thể tra cứu dễ dàng trên các website chuyên ngành.
Những CD cao cấp thường cung cấp đầy đủ thông tin về quy trình ghi âm cho người nghe tham khảo. Những quy trình này được thể hiện dưới dạng ký tự A (analogue) và D (digital). Thí dụ đĩa CD sản xuất theo quy trình ADD nghĩa là người ta sử dụng một máy ghi âm analogue trong quá trình thu tiếng và máy kỹ thuật số (digital) để hoà âm và ghi đĩa.
Những CD có dùng kỹ thuật analogue thường sử dụng bản gốc từ những thập niên trước 80, khi kỹ thuật số chưa phát triển, âm thanh "mộc" và "tự nhiên" nhưng bộc lộ nhiều "âm tạp" , còn CD toàn số hóa (DDD) thì sắc sảo, chi tiết nhưng "khôâ" và "lạnh" hơn. Do đó, căn cứ vào những ký hiệu này người mua có thể biết phần nào chất luợng âm thanh của CD và quyết định lựa chọn theo sở thích của mình.
Bên cạnh các chi tiết kể trên, những thông tin về công nghệ chế tạo cũng là một chỉ tiêu tham khảo có giá trị. Các CD ký hiệu HDCD (High Definition Compatible Digital), XrCD (Extended Resolution CD) hay SACD (Super Audio CD)… thể hiện những công nghệ ghi âm tiến bộ nhất trong lĩnh vực số hoá (digital) mà các hãng ứng dụng để sản xuất ra dòng sản phẩm chất lượng cao của họ. Dĩ nhiên những đĩa CD theo tiêu chuẩn đó đòi hỏi phải có bộ phận giải mã tương ứng mới phát huy hết tác dụng.
Với sự phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật, theo SGTT rõ ràng mức độ cải thiện chất lượng âm thanh của “phần mềm” hi-end chưa có điểm dừng, và còn nhiều bất ngờ thú vị.