Những cửa hàng khắc dấu gỗ tại Hà Nội không nhiều, chỉ có một vài cửa hàng nho nhỏ ở phố Hàng Quạt, lác đác trên phố Hàng Bông và một cửa hàng rất bé tại 2B Tạ Hiện. Dấu hiệu dầu tiên để nhận biết một cửa hàng khắc dấu gỗ đó là một vài tấm bảng phía bên ngoài cửa hàng, trên đó móc đầy những chiếc dấu đủ hình dạng, kích cỡ. Có loại nhỏ như một đốt ngón tay, có cái hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn, trên đó có đủ các loại hình, loại chữ. Nhiều nhất là những hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam như hình thiếu nữ đội nón lá, mặc áo dài, chiếc xích lô, chú bé cưỡi trâu, những hình ảnh thu nhỏ của tranh Đông Hồ như đôi vật, chú bé ôm gà... Kế đến là những con vật rất đáng yêu như mèo, thỏ, ếch, gấu, chim, cá, những nhân vật trong truyện tranh, phim hoạt hình...
Anh Phạm Đức Trí, thợ khắc dấu gỗ tại số 6 phố Hàng Quạt, cho biết: "Tôi học nghề khắc dấu gỗ từ ông nội và cha tôi, đến bây giờ cũng đã được chục năm. Tôi cũng không rõ nghề này bắt đầu có từ khi nào, nhưng chắc cũng phải khá lâu rồi, vì khi tôi bắt đầu lớn lên, đã thấy ông nội ngồi khắc dấu. Trước đây, mẫu vẽ để khắc dấu không nhiều, khách cũng ít, nhưng vài năm trở lại đây, khách tìm đến với cửa hàng nhiều hơn, mẫu mã cũng đa dạng và phong phú hơn. Đặc biệt, nhiều người muốn có một mẫu cho riêng mình nên đã tự vẽ hoặc mang mẫu đến cho chúng tôi. Bởi vậy số mẫu để khắc ngày một nhiều hơn".
Theo Hà Nội Mới, trong tập mẫu in sẵn cho khách lựa chọn, có thể nhận thấy rất nhiều những mẫu riêng của khách như một con chim nhỏ với một chữ cái ở bên dưới, hình một ngôi nhà với tên của hai người, hình một người dùng máy vi tính hay hình của ba nhân vật dài như ba củ khoai, tượng trưng cho một gia đình có bố, mẹ và con... Và không thể thiếu, đó là tên của người muốn khắc dấu, từ tên của người Việt Nam đến những cái tên Nhật Bản, Pháp, Anh, Đức, Thuỵ Điển..., có cái khắc bằng chữ latinh, có cái khắc bằng chữ Hán, chữ Nhật. Có người chỉ khắc một cái tên, nhưng cũng có người khắc cả địa chỉ gia đình, địa chỉ thư điện tử, thậm chí cả những câu nói yêu thương như "Em yêu anh", "Kỷ niệm ngày cưới"... Trong số những mẫu còn giữ lại, có cả những chiếc dấu của nhiều tổ chức như dự án ảnh về cuộc chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam, biểu tượng của một tổ chức quốc tế dành cho trẻ em...
Có khách hàng đã dùng chiếc dấu gỗ này thay cho chữ ký, thậm chí đăng kỷ cả với ngân hàng để thay chữ ký khi giao dịch. Lợi thế của dấu khắc gỗ là có thể làm theo bất cứ yêu cầu nào của khách chứ không bị gò bó, đóng khuôn như dấu bằng cao su. Bởi vậy, dù không có nhiều người làm nhưng dấu khắc bằng gỗ đang thu hút một lượng khá đông khách hàng.
Anh Trí cho biết, khuôn dấu được làm từ loại gỗ mực hay còn gọi là gỗ lồng mực, thừng mực ở trên rừng. Đây là loại gỗ mềm, mịn thớ, giúp cho người thợ có thể dễ dàng tỉ mẩn khắc những đường nét thật thanh, thật nhỏ. Có nhiều người đến khắc dấu cho riêng mình nhưng cũng có không ít người đến để muốn tìm một món quà nho nhỏ nhưng vô cùng độc đáo cho người thân, bạn bè. Khoảng ba năm trở lại đây, có khá nhiều người từ Sài Gòn đã ra đây để lấy hàng về bán cho khách miền Nam. Đặc biệt, du khách nước ngoài rất thích thú với món đồ thủ công này của đất Hà thành.
Cửa hàng khắc dấu gỗ tại 2B Tạ Hiện không còn chỗ nào để chen chân vào vì có khoảng gần chục cô gái Nhật đang ngồi thích thú xem mẫu, lựa chọn. Ashumito, cô gái có đôi mắt rất nghịch ngợm cười rất tươi, liến thoắng nói: "Tôi biết ở Hà Nội có nơi khắc dấu gỗ nên tìm đến đây và thấy thích quá. Có bao nhiêu mẫu đẹp, tôi không biết nên chọn mẫu nào. Có lẽ tôi sẽ chọn hình một cô bé với cái miệng cười ngoác ra và hai bím tóc nghịch ngợm này. Nó khá giống tôi đấy. Ở nước tôi cũng có nghề làm dấu nhưng được làm bằng ngà voi và chỉ khắc chữ thôi, chứ không khắc cả hình như ở Việt Nam".
Anh Trí cho tôi xem một số tờ được cắt ra từ các quyển hướng dẫn du lịch của Nhật Bản, Hong Kong, trong đó giới thiệu khá kỹ về cửa hàng và nghề khắc dấu gỗ của Hà Nội. Anh kể, phải có đến hơn 10 cuốn sách hướng dẫn du lịch có lưu tên cửa hàng, thậm chí đã có một nữ hoạ sĩ người Nhật, vì quá ấn tượng về dấu khắc gỗ của Việt Nam đã thể hiện về nó dưới dạng truyện tranh và giới thiệu trên nhiều tờ báo của Nhật. Bởi vậy không có gì là ngạc nhiên khi trong số khách nước ngoài đến khắc dấu, số lượng khách Nhật Bản chiếm nhiều nhất.
Anh Trí cười nói: "Hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, rất nhiều người nước ngoài. Họ đến rồi đi, mang theo mình những chiếc dấu gỗ xinh xắn, cũng như họ đã mang một phần của hình ảnh Việt Nam đi mọi nơi. Biết đâu sau này, nghề khắc gỗ của gia đình chúng tôi lại được xem như một nghề thủ công truyền thống của Hà Nội, sẽ được lưu giữ và bảo tồn thì sao!".