Có mặt tại cửa khẩu Lao Bảo lúc 8h sáng. Vừa bước xuống xe, các cô gái "buôn tiền" đã nhào đến: "Anh đi Viên hay Tà Khẹt? Đổi tiền sang Lào mua sắm anh ơi!"... Do có đoàn Caravan chuẩn bị vào Việt Nam qua cửa khẩu nên số lượng xe phải dừng lại khá nhiều. Đó là những đoàn xe tải hạng nặng nối đuôi nhau với đầy hàng hóa hai chiều chờ làm thủ tục quá cảnh. -
Từ Lào, các mặt hàng cao lanh, gỗ, phụ tùng ô tô, xe máy, chăn màn... được nhập về. Ngược lại, hàng Việt Nam chất lượng cao cũng được chuyển qua Lào ngày một nhiều. Hiệu quả của khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo mở ra đã làm cho thị trấn vùng biên này ngày một thêm sôi động. Số lượt người quá cảnh hai chiều vì thế cũng tăng cao. Đặc biệt, từ sau khi có chủ trương thông thoáng các thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa khẩu hai nước Lào-Việt, số lượng khách du lịch từ Lào đến Việt Nam trong mùa hè tham quan, tắm biển cũng tăng lên... Chính những yếu tố này đã tạo cơ hội cho chợ "tiền tươi" của các cô gái vùng biên thêm "ăn nên làm ra".
Một cô gái tên Lan nói: "Các anh không đi qua Lào mà chỉ đổi tiền làm kỷ niệm thì em đổi tiền "cạo râu" cho, 2.000 đồng đổi được 1.000 tiền kíp". Túi xách được mở ra, bên trong là cả một bó tiền được xếp theo các loại mệnh giá của từng nước. Tiền kíp Lào, tiền baht Thái, USD và tiền Việt... đủ cả. “Cứ 1.450 đồng tiền Việt là đổi được 1.000 kíp (tiền Lào), theo tỷ giá thị trường”, Lan nói.
Một chiếc xe khách biển số Lào chạy hướng Quảng Trị - Viên Chăn đỗ lại. Hành khách tranh thủ xuống xe "xả xú páp", Lan tức tốc lao đi.
![]() |
“Buôn tiền” nơi cửa khẩu. |
Với dạng khách hàng quen thuộc này, Lan không cần phải mời mọc gì cả. Một người đàn ông nói giọng Nghệ An chìa ra một xấp tiền Việt và hô: "Chục triệu". Lan lập tức lôi trong xách ra một bó tiền đã được cột sẵn dây cao su trao cho khách.
Người đàn ông quay lại: "Đủ không?", rồi bỏ tiền vô túi. Lan nói với theo: "Không đủ mai mốt về em bù...". Họ chia tay. Lan lại tiếp tục công việc của mình với khách hàng khác.
Chuyến xe khách sau khi đã làm xong thủ tục quá cảnh lại lăn bánh. Lan cùng hàng chục cô gái khác quay lại ngồi xúm xít nơi dãy quán nước bên vệ đường. Cô phân trần: "Ngó thì cả đống bạc ri chớ bọn em có giàu có chi mô anh ơi! Mỗi ngày đổi qua bù lại cũng chỉ kiếm được khoảng 50.000 đồng. Thu nhập chẳng hơn chi mấy người bán nước mía, nước chanh...".
Gia đình Lan, trước năm 1975 sống ở một vùng cát nghèo thuộc xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Linh). Sau giải phóng, cả nhà kéo lên Lao Bảo làm kinh tế mới. “Thời ấy, trên ni còn hoang vu lắm, có mô sầm uất như chừ", Lan nói.
Thật ra cô chỉ mới 20 tuổi, tức gần 10 năm sau khi gia đình lên Lao Bảo, cô mới được sinh ra. Có lẽ thời ấy, chính những người đi kinh tế mới cũng không ngờ họ có được cuộc sống sung túc như hôm nay. Học xong tiểu học, Lan phải nghỉ ở nhà vì “không thể xuống nổi huyện Hướng Hóa để học tiếp cấp 2". Phụ giúp gia đình được ít năm thì cửa khẩu bắt đầu sôi động, cô theo bạn bè kéo lên biên giới kiếm tiền bằng đủ kiểu: bán hàng rong, nước uống, thức ăn dạo...
Theo Thanh Niên, khi nhu cầu đi lại mua sắm giữa hai nước ngày một tăng, nghề đổi tiền đã ra đời. Lan tới nay cũng đã kịp tích cóp kinh nghiệm trong nghề được 8 năm! Cô có thể nói được cả tiếng Lào lẫn tiếng Thái.
![]() |
Đổi tiền cho khách hàng quen. |
Cùng với Lan, hàng trăm cô gái khác của Lao Bảo cũng lần lượt rủ nhau "đi đổi tiền". Họ có mặt tại cửa khẩu và có khi còn rong ruổi qua tận chợ Ka-Rôn của Lào. Từ khi có khu thương mại, có trạm vi ba phủ sóng điện thoại, Lan cùng nhiều người khác còn "năng động" kinh doanh thêm dịch vụ bán card điện thoại di động.
Trạm vi ba của Lao Bảo sóng phủ tới Ka-Rôn. Chính vì vậy rất nhiều thương nhân cả Lào lẫn Việt đều xài... MobiPhone, VinaPhone. Chuyện Lan kể ra nghe vừa khôi hài vừa thú vị, một người ở Lào muốn gọi cho một người Lào, từ di động sang máy cố định, họ phải chấp nhận số tiền tính cước quốc tế. Nhưng ở Ka-Rôn gọi cho số máy ở Quảng Trị, hay bất cứ đâu của Việt Nam đều được tính cước trong nước. Có người mua cái card 100.000 đồng, nạp vào chỉ gọi một cuộc là hết. Thế là cất máy, tháo sim, khi nào cần gọi họ lại ra chợ... cào tiếp!
Nghề của những cô gái như Lan xem ra không thể thiếu ở cửa khẩu này. Khách hàng thích đổi tiền ở họ vì sự tiện lợi, nhanh chóng mà chẳng phải qua bất kỳ một thủ tục rườm rà nào cả...