Bốn năm trước đây, đó là tên gọi chung của những khách du lịch nhiều tiền và thích xài hàng độc. Còn bây giờ, khái niệm “Những kẻ nghiện mốt” đã thay đổi.
Tình yêu hàng hiệu đã khiến chi phí mua sắm hàng xa xỉ ở Mỹ tăng gấp đôi: từ mức trung bình 11.632 USD/người năm 2004 lên 22.746 USD/người năm 2005. Khi cung lớn hơn cầu, lập tức các mặt hàng thời thượng được sản suất hàng loạt. Mà cái gì đại trà thì ngay lập tức trở thành hàng lỗi thời. Các tín đồ của chủ nghĩa nghiện mốt không bao giờ cho phép mình được lạc hậu, được giống người khác.
Với các transumer, mua sắm là một thú giải trí, một trò khám phá để xóa đi sự nhàm chán trong cuộc sống. Sở hữu một món đồ hiệu trong thời gian dài khiến họ mệt mỏi với việc sửa chữa, bảo dưỡng, đến chăm chút giữ gìn, bảo vệ khỏi trộm cắp, rồi lo lắng cho sự lỗi mốt của nó. Họ cần sự thay đổi liên tục, cần trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Các transumer này xem quá khứ đã qua và tương lai không chắc chắn, tất cả thuộc về hiện tại và họ muốn sống hết mình “ ngay bây giờ”.
Bởi thế, những món hàng độc cần luôn được thay đổi, mới nhất. Tại sao phải mua, sở hữu một món đồ đắt tiền rồi chuốc thêm lo lắng trong khi bạn có thể bỏ tiền thuê, vui vẻ với nó một thời gian và khi chán thì đem trả rồi thuê cái khác ? Và tất nhiên đồ càng đắt thì giá thuê càng cao. Nhưng tiền bạc không có nghĩa lý gì đối với các transumer, bởi cái họ cần là sự thể hiện đẳng cấp và phong cách bản thân.
Thói quen thay đổi của các transumer luôn gắn liền với các mặt hàng thời trang, vì có lẽ chỉ thời trang mới sống với thói “đỏng đảnh” của họ. Một bộ quần áo, một chiếc váy, một chiếc túi sách, rồi trang sức và đầy đủ phụ kiện đi kèm, tất cả đều có thể… đi thuê, hoặc đi đổi tạm. Miễn sao nó phải là hàng hiệu, không đụng hàng.
Trước đây, muốn có một chiếc xe mới bạn phải đổi xe cũ, các thêm tiền. Còn bây giờ, chẳng việc gì phải làm thế. Chỉ cần tham gia một câu lạc bộ những người chia sẻ xe hơi. Và bạn có thể xài Ferrari, Lamborghini hay Maybach. Và nếu bạn giàu hơn nữa thì máy bay cũng có thể được “dùng chung” theo cách này.
Khi những món đồ trên người bạn toàn đi thuê hay mượn thì việc nhớ được tên cửa hàng cho thuê cũng oải lắm rồi. Thế là bắt đầu sự xuất hiện của những câu lạc bộ trao đổi theo kiểu “tất cả trong một” từ xe hơi, thuyền buồm cho đến nhà ở. Đấy mới chỉ là vài ví dụ nhỏ thôi.
“Cũ người mới ta.” Ý tưởng thuê hàng hiệu của các transumer đang biến rất nhiều món hàng thành đồ second hand. Trên những trang web mua bán như eBay, giờ nhan nhản yêu cầu mua và bán đồ đã qua sử dụng. Ám ảnh vì sự hợp mốt khiến những kẻ luôn muốn mình sành điệu rơi vào cái vòng luổn quẩn : bán những cái đã mua và mua những gì được bán lại. Sự hợp mốt giả tạo của họ đang tạo đà cho họ hàng nhà eBay ngày một phát triển.
Khi mua chỉ muốn mình sở hữu một món đồ trong phút chốc thì các nhà cung cấp cũng tiến tới kiểu bán nhanh thời thượng. VBOX ở Singapore là một cửa hàng di động nằm trong một container hàng hải. VBOX có thể dựng ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Mỗi công ty muốn bán hàng hoặc tổ chức sự kiện ở bất kỳ nơi đâu đều có thể thuê VBOX làm địa điểm.
Chỉ cần lấp kín VBOX với một dãy hàng “của độc”, bạn sẽ chìm trong một đống đơn đặt hàng cho những món đồ “ chỉ có một mà thôi.” Mới đây, nhà bán lẻ quần ao Uniqlo của Nhật cũng đã biến hai container thành cửa hàng và đem chúng tới New York. Còn Comme des Garcons thì mở một Play Box shop ngoài cửa hàng chính ở Aoyama – chỉ bán những món đồ đặc biệt và cũng chỉ mở cửa trong một tháng.
Nhanh hơn nữa, cửa hàng “siêu tốc” của Nike ở Soho, New York, với bộ sưu tập đặc biệt Mike Air Zoom LeBron IV chỉ mở cửa đúng một tuần. Nhưng không lâu sau thì Nokia đã lấy đi kỷ lục bán nhanh đó bằng một cửa hàng chỉ mở cửa trong vỏn vẹn 72 giờ ở Berlin - Đức. Cứ thế, từ nhà ăn, phòng hòa nhạc cho đến bar cũng bị biến thành shop bán hàng “tốc độ.” Không cần phải trang trí cầu kỳ, hấp dẫn, miễn sao quảng cáo được cho món hàng độc và thỏa mãn thú chơi của những người nghiện mốt thì thôi.
Mọi chuyện sẽ diễn ra theo chiều hướng tích cực nếu người ta thích dùng đồ cũ như thế. Nghĩa là chi phí sản xuất cho những món đồ “sớm muộn cũng thừa” sẽ rẻ đi, hàng phế thải đương nhiên cũng bớt hẳn. Người ta mua và bán đồ second hand, chia sẻ và trao đổi hàng hóa chứ không ném tiền vào những món đồ xa xỉ rồi lại vứt đi lãng phí. Nhiều cộng đồng Freecycly (chia sẻ đồ cũ) ra đời.
Số thành viên của 3200 cộng đồng này trên thế giới giờ đã lên tới 2,7 triệu. Họ lấy và cho các món đồ miễn phí ở khu vực mình sống. Nhưng chừng đó chưa thấm vào đâu so với các trang web trao đổi, chia sẻ và những kho đồ cũ ngập tràn trên mạng. Dĩ nhiên, những món đồ được sản xuất theo kiểu “ăn liền” nhanh chóng thì độ bền và chất lượng đương nhiên cũng “nhanh” theo.
Nhưng không phải ai cũng sẽ là người nghiện mốt, và không phải tất cả những người sính hàng hiệu đều muốn bán ngắn hạn như thế. Người tiêu dùng vẫn cần các sản phẩm có giá trị, cần được sở hữu một món hàng hiệu thật sự, với chất lượng đảm bảo chứ không phải là hàng hóa đã qua sử dụng. Cũng như những mặt hàng mua bán theo kiểu transumerism, độ bền của trào lưu thời thượng này cũng có thể chỉ được tính theo ngày.
(Theo Sành Điệu)