Phiên tòa phúc thẩm của tòa án Tối cao tại TP HCM chiều 27/11 kết thúc rất nhanh, bởi bị cáo chẳng có ý kiến gì trong phần buộc tội của Viện kiểm sát và bản án cấp sơ thẩm đã dành cho mình, Dương Ngọc Cường vẫn đứng đó, vẻ mặt cam chịu, không kể lể, không tránh né...
Dương Ngọc Cường im lặng không trình bày lý do xin giảm án. |
Nhưng nguyên nhân để cho Dương Ngọc Cường nhờ người viết bản kháng cáo (Dương Ngọc Cường không biết chữ) gửi lên TAND Tối cao chỉ vì thấy một vài tình tiết không chính xác trong bản án sơ thẩm: "việc xảy ra xô xát đã được can ngăn nhưng với bản chất côn đồ, hung hãn bị cáo vẫn tiếp tục có những hành động, lời nói kích động nạn nhân để rồi sau đó cầm dao đâm chết chính anh ruột của mình. Hành vi phạm tội của bị cáo là hết sức côn đồ..."
Và trong phiên phúc thẩm, Cường vẫn nhẹ nhàng "bị cáo không cố giết chết anh ấy, đừng cho bị cáo là kẻ côn đồ, cha mẹ bị cáo khổ quá rồi, xin Hội đồng xét xử giảm án... cho bị cáo có ngày trở về với cha mẹ..."
Phía dưới khán phòng, hai ông bà già gầy guộc, nhem nhuốc cùng đưa tay quyệt vội những giọt nước mắt trên khuôn mặt nhăn nheo. Họ là bố mẹ của nạn nhân Dương Ngọc Thanh, đồng thời cũng là người đã sinh thành ra bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa, Dương Ngọc Cường.
Đối với họ, cái ngày oan nghiệt ấy sẽ luôn là nỗi ám ảnh trong suốt quãng đời còn lại.
Nén tiếng thở dài, bà cho biết: "Tôi có 5 người con nhưng lại nghèo rớt mồng tơi, cho tới tận bây giờ tôi vẫn thường trách bản thân ngày xưa sao chẳng biết nghĩ, sinh con nhiều thế làm gì rồi chẳng nuôi dạy đứa nào cho tử tế. Đứa con gái lớn theo chồng nhưng vẫn về vòi tiền cha mẹ, đã vậy còn luôn hỗn láo chửi mắng nếu tôi không cho. Đứa kế cận "đẻ lang" cho tôi một đứa cháu ngoại rồi bỏ đi đâu không rõ.
Nghẹn giọng chốc lát, bà tiếp lời: "Thanh là đứa thứ 3 nhưng nghiện ma túy từ năm 15 tuổi, ăn cắp bán hết đồ đạc trong nhà mình rồi nó đi ăn cắp của người. Suốt ngày phải trốn chui, trốn nhủi. Thỉnh thoảng nó lén về nhà xem có "kiếm chác" được gì không rồi sinh sự chửi cha mắng mẹ".
Chỉ có thằng út Cường là nguồn vui, hạnh phúc duy nhất của hai ông bà. Nó rất ngoan hiền, từ nhỏ đã phải nghỉ học để đi làm thuê phụ giúp gia đình. Đã vài năm nay, từ sáng sớm đến mịt tối, Cường đi làm sơn nước thuê cho người ta, được bao nhiêu tiền đều đưa hết về cho cha mẹ.
Đêm 29/3/2007, trên đường về nhà, Cường bị ngã xe đau điếng do cái phuộc trước xe máy bị gãy lìa từ hôm nọ anh Thanh làm hỏng mà chưa sửa. Cố lết về đến nhà lại nghe mẹ kể "hồi chiều thằng Thanh xin tiền nhưng mẹ không cho, nó cầm dao đòi cắt cổ mẹ làm mẹ phải qua nhà hàng xóm lánh", nên ngọn lửa giận bốc ngùn ngụt trong đầu, Cường không còn giữ được bình tĩnh nữa lao đi tìm anh trai.
Cả hai xông vào nhau vừa chửi vừa đánh, bà mẹ cố kéo hai đứa ra... Cường bỏ ra ngoài nhờ người khiêng xe vào nhà, thấy Thanh thờ ơ bỏ đi liền buông lời mắng mỏ. Thanh quay lại đuổi đánh em trai nhưng liền gục xuống bởi lưỡi dao trên tay Cường đã đâm thẳng vào ngực. Thấy xác anh nằm trên vũng máu, Cường quay ngược dao tự đâm vào ngực mình hai nhát.
Do vết thương quá nặng nên Thanh không qua khỏi, còn Cường được cứu sống. Nhưng từ sâu trong tâm khảm, Cường hiểu cuộc đời mình cũng đã chấm hết...Tòa sơ thẩm tuyên Cường phải chịu hình phạt 17 năm tù vì hành vi "giết người có tính chất côn đồ".
"Bị cáo hãy trình bày thêm lý do, chứng cứ mới xin giảm án của mình đi?". Hội đồng xét xử của phiên tòa phúc thẩm im lặng chú ý lắng nghe, mắt không rời khuôn mặt sáng, đượm buồn của bị cáo... Thế nhưng Cường vẫn cúi đầu lặp lại "bị cáo không cố tình giết anh Thanh..." Rồi tất cả lại rơi vào im lặng...
Chỉ có vị luật sư trẻ tuổi là không giấu được nôn nóng trước sự im lặng ấy: "Bị cáo không thể là người có bản chất côn đồ, chỉ vì vài ngày trước anh trai đã quậy rất nhiều vì không xin được tiền. Thanh chửi mẹ, đánh cha gần chết khiến ông phải bỏ về nhà nội ở, nay lại đòi cắt cổ mẹ... Là một đứa con hiếu thảo, Cường rất bức xúc và giận anh trai nên trong lòng đầy ắp nỗi giận..."
Dừng lại một chút, luật sư này tiếp lời "có một điều thầm kín mà chỉ có bị cáo biết nhưng vẫn chôn chặt trong lòng vì không muốn cha mẹ buồn khổ, Thanh đã bị nhiễm AIDS giai đoạn cuối. Khi thấy anh trai gục ngã dưới mũi dao của mình, bị cáo ân hận cùng cực nên đã tự đâm mình. Chuyện không chết là ngoài ý muốn, vì bị cáo biết chắc chắn một điều mình sẽ chết vì nhiễm bệnh từ anh trai..."
Mọi ánh mắt đổ dồn về phía bị cáo, vẻ ngạc nhiên hiện rõ trên khuôn mặt tất cả mọi người. Cường mệt mỏi gục đầu vào tay, hai vai run nhẹ theo từng tiếng nấc...
Cả hội đồng xét xử đưa ánh mắt ngỡ ngàng nhìn nhau, nơi hàng ghế cuối cùng, hai thân phận già nua đứng bật dậy rồi từ từ gục xuống bật khóc nức nở khi chứng kiến vị luật sư kéo áo Cường lên để lộ từng cục hạch đã nổi khắp người...
Tòa xét thấy, Thanh nghiện ma túy lại làm quá nhiều việc sai trái khiến Cường bị dồn nén lâu ngày, chuyện xảy ra một phần do lỗi của Thanh. Trên cơ sở đó tòa quyết định chuyển khung hình phạt, chấp nhận kháng cáo và sửa bản án sơ thẩm. Do vậy Cường chỉ phải chịu mức hình phạt 15 năm tù.
Phiên tòa kết thúc, Cường nhanh chóng bị dẫn giải vào trong nhưng vẫn còn kịp nhìn thấy bóng dáng cha mẹ đang cố dìu nhau bước vội ra ngoài. Hai ông bà già đứng ngóng cổ chờ con trai mình được công an dắt xuống, họ muốn nhìn thấy nó thêm một lần nữa.
Nắm chặt tay vị luật sư đã nhiệt tình bào chữa miễn phí cho con trai như thầm nói lời cảm ơn, bà mẹ nghẹn ngào "một đứa chết, một đứa được giảm án nhưng lại như nhận thêm án tử hình. Vay được ít tiền mua quà vào thăm con trong trại giam thì nó nhất định không chịu ăn còn bảo "mẹ đừng mua gì cho tốn tiền, con không ăn được đâu... tôi cứ nghĩ là nó buồn... Ai ngờ lại ra nông nỗi này, phải chi mẹ có thể được chết thay con, Cường ơi..."
Hai thân già lọm khọm, thất thểu dìu nhau từng bước mệt mỏi ra về.
"Tôi rất buồn vì được phân công bào chữa vụ này muộn quá, nếu có thể gặp Cường trong thời gian đầu có lẽ tôi đã giúp được nhiều hơn. Với kiến thức của mình, chắc chắn Cường sẽ được điều trị phơi nhiễm HIV, còn bây giờ...", vị luật sư buồn bã.
Vũ Đăng