Trời vừa sập tối, những đống quần áo chất như núi với đủ loại kiểu dáng, màu sắc bắt mắt đã được đổ ra đường. "Hai lăm - ba mươi, ba lăm - bốn mươi một áo, quẹo lựa ... quẹo lựa đi!" tiếng rao lanh lảnh cùng với không khí nhộn nhịp diễn ra trước chợ Bà Chiểu (TP HCM) vào những buổi chiều tối thu hút nhiều người dững chân ghé lại. Hàng hoá đa số là thời trang dành cho các bạn gái trẻ. Áo sơmi, áo thun, quần jeans, đồ bộ, thắt lưng, giỏ xách, trang sức, kẹp tóc... dường như không thiếu món gì. Người mua kẻ bán tấp nập. Chợ đêm Bà Chiểu nổi tiếng là bán đắt hàng nhất, vì chợ nằm ở trung tâm quận Bình Thạnh và có rất nhiều mặt hàng tương đối đẹp. Chợ thường họp khoảng 6h chiều đến 10h đêm.
Ở chợ Kỳ Hoà, không khí thoáng đãng hơn. Chợ được quy hoạch có trật tự, từng gian hàng nối tiếp nhau thành 1 dãy dài. Hàng tuy nhiều nhưng ít đặc sắc. Chợ đêm Bến Thành lại rất vắng khách, bởi lẽ giá ở đây đắt hơn vì đối tượng phục vụ không chỉ người Việt mà còn có cả khách du lịch nước ngoài. Áo thun Việt Nam giá 70-80.000 đồng, áo thun nhập ngoại 150-200.000 đồng.
Có lẽ chợ bình dân nhất, chủ yếu dành cho công nhân lao động là chợ Hạnh Thông Tây (Quang Trung - Gò Vấp), chợ mới khánh thành cách đây không lâu và hoạt động tấp nập về đêm. Mặt hàng guốc dép ở đây rất hấp dẫn, đẹp và đa dạng, đang được giới trẻ ưa chuộng và chất liệu nhẹ, dễ đi phù hợp với tiết trời mùa mưa Sài Gòn. Guốc được làm bằng gỗ tạp và có 3 loại: loại suông, không cầu kỳ có chạy điện trang trí hoa văn (23.000 đồng/đôi); guốc sơn (15.000 đồng/đôi) và guốc xuất khẩu bị lỗi vẽ hoa rất đẹp và nhẹ (25.000 đồng/đôi). Khách hàng chọn kiểu và được đóng quai tại chỗ.
Ngoài ra còn phải kể đến những phố đêm thời trang cũng rộn ràng không kém như phố Sida ở Hồ Xuân Hương, phố Nguyễn Trãi, dọc đường Hai Bà Trưng (trước chợ Tân Định).
Theo Thời Trang Trẻ, đi chợ đêm có nhiều cái thú: không khí mát mẻ, thời gian thư thả, đặc biệt dưới ánh đèn những chiếc quần jeans hoa, áo thun đỏ, đôi giầy dây, chiế túi xách màu boọc đô, cặp kiếng màu trà, màu khói trở nên hấp dẫn dưới vẻ đẹp lung linh huyền ảo. Tuy nhiên, điều thu hút người mua chính là giá cả hợp lý của túi tiền người có thu nhập thấp. Một chiếc áo thun hay áo sơ-mi nữ thời trang có giá 20-35.000 đồng, quần jeans trung bình 60-90.000 đồng, túi xách đẹp chỉ 15-30.000 đồng, vòng đeo tay xinh xắn 20.000 đồng, kẹp và cột tóc hết sức phong phú với giá 5.000-6.000 đồng... Cùng với mặt hàng như vậy, nếu mua ở các shop bình thường sẽ là gấp đôi giá. Thỉnh thoảng có vài tấm biển chào mời bằng giá cực "bèo": Áo thun 10.000 đồng (hàng lỗi xí nghiệp), dép xốp Thái 15.000 đồng/2 đôi, 8.000 đồng một con thú nhồi bông bự... Khách hàng được tự do lựa chọn thoải mái và có thể tự nhiên thử tại chỗ bằng cách mặc... chồng lên người.
Hàng bán ở các chợ đêm thời trang thường lấy từ các chợ đầu mối như An Đông, Chợ Lớn, Tân Bình, đường Nguyễn Đình Chiểu... Hàng công ty có nhiều kiểu dáng đẹp. Cao cấp hơn còn có cả hàng Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... như mắt kính, túi xách, giầy dép. Ngoài ra còn có nhiều loại bán cực rẻ do các xí nghiệp loại ra, thậm chí có cả hàng "vô danh tính". Nhưng dù có xuất xứ từ đâu đi nữa người ta vẫn thường gọi hàng đổ xô là hàng "chợ". Hàng chợ chất lượng không được đảm bảo, đường may không được chắc chắn, có khi rất cẩu thả. Bù lại đồ bán rẻ vì vải nhập sỉ cộng thêm nhiều cửa hàng nuôi hẳn thợ may gia công trong nhà, còn mẫu chỉ cần nhái theo hàng hiệu hay hàng ngoại nhập là được.
Những người bán hàng ở các chợ đêm thường là những người lao động nhỏ. Bà Thanh ở chợ Hạnh Thông Tây tâm sự: "Lời mỗi thứ vài nghìn, gặp hôm ế, lời có 500 đồng cũng phải bán, lấy công làm lời vậy!". Khách hàng của bà là các nữ công nhân may, sinh viên, học sinh... Đầu tháng, khi công nhân lĩnh lương là thời điểm bà bán được nhiều hàng nhất, còn thường ngày họ chỉ đi ngắm thôi. Buồn nhất là có khi đi cả tốp rất đông đến lựa, xáo tung cả hàng rồi bỏ đi chẳng mau cái nào. Chưa kể lời ít mà mất vặt thì nhiều.
Bán chợ đêm sợ nhất là trời mưa, thời tiết Sài Gòn thất thường đã khiến bao người bán hàng đêm phải khóc ròng. Hàng bán ngoài trời, chiếc dù bố không che đủ hết hàng, quần áo ướt tung toé, chủ hàng đứng co ro, đành phải xếp vó về. Những lúc thế, bà con thường than với nhau "Rõ trời hại nhà nghèo".
Bên cạnh đó là những nỗi lo riêng của mỗi người về việc bán hợp pháp hay là bán trốn thuế, lấn chiếm vỉa hè lòng đường. Bán không thuế thì giá thành thấp, nhiều người mua. Nhưng lòng luôn phấp phỏng sợ công an bắt là mất cả chì lẫn chài. Bán hàng mà mắt và tai phải để xa trăm dặm, chỉ cần ai hú một tiếng là lập tức chồng một đầu, vợ một đầu kéo hàng chạy thục mạng. Có khi khách đang cầm lỡ cái quần thấy vậy cũng phải chạy theo, đến được chỗ an toàn lại bày ra bán, cả người bán lẫn người mua cùng thở dốc.
Còn những chỗ ngồi ổn định, nộp thuế đầy đủ thì lại lo không bán được hàng. Muốn bán được phải mua đồ đẹp, giá sỉ đã cao còn trừ thê chi phí nữa tất nhiên giá bán phải nhỉnh hơn một chút.