Trong điều kiện đó, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước làn sóng đổ xô mua cổ phiếu với bất cứ giá nào người dân đua nhau mua cổ phiếu đẩy giá cổ phiếu cao ngất ngưởng. Cầu luôn lớn hơn cung. Đây là cơ hội vàng để các công ty lên sàn niêm yết, đồng thời phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Hơn lúc nào hết, nhà đầu tư cần tỉnh táo, bởi sẽ có thêm cơ hội sở hữu cổ phiếu khi các doanh nghiệp tiến hành tăng vốn và phát hành thêm cổ phiếu. Thêm hàng Theo những nguồn thạo tin, trong năm nay, sẽ có hàng trăm doanh nghiệp cổ phần hóa, trong số này có không ít cổ phần được đấu giá lần đầu. Đó là một cơ sở để giá hạ nhiệt trong tương lai. Tại thị trường OTC, các cổ phiếu của Công ty Nhiệt điện miền Nam, Công ty Nhiệt điện miền Trung được giới cò chứng khoán chào bán giá còn thấp so với cổ phiếu VSH. Ngoài số nguồn hàng kể trên, những đơn vị đã niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán cũng đang âm thầm lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn. Chẳng hạn, năm 2006, Sacombank tăng vốn điều lệ đạt 2.089 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2005, nhưng thị trường vẫn khát cổ phiếu của Sacombank. Năm 2007 này, Sacombank có kế hoạch sẽ tăng từ 2.089 tỷ đồng lên 3.540 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa, chỉ với riêng một đơn vị này, sẽ có thêm hàng ngàn tỉ đồng cổ phiếu được rót vào thị trường. Năm 2006, các nhà đầu tư đã chứng kiến hàng loạt ngân hàng tăng vốn trong cuộc đua để đạt vốn điều lệ 1.000 tỷ trước 2010. Năm nay, xu hướng này sẽ tiếp tục. Đồng thời những ngân hàng đã vượt số 1.000 tỷ tiếp tục tăng vốn để mở rộng quy mô hoạt động. Không chỉ lĩnh vực ngân hàng, nhiều lĩnh vực khác, các doanh nghiệp cũng nỗ lực tăng vốn, phát hành thêm cổ phiếu để mở rộng khả năng hoạt động. Công ty cổ phần Cơ khí xăng dầu đang tổ chức phát hành thêm 2 triệu cổ phiếu. Công ty Thiên Nam cũng phát hành thêm 2 triệu cổ phiếu. Ngày giao dịch dự kiến trong tháng 3... Tuy nhiên, thông tin về kế hoạch tăng vốn, phát hành thêm cổ phiếu là loại "thông tin nhạy cảm" của thị trường, nên các doanh nghiệp vẫn giữ bí mật, để chờ công bố vào thời điểm thích hợp. Sẽ qua cơn lốc giá? Theo quan sát, dù VN Index liên tục tăng giá trong thời gian qua, và số đặt mua thường lớn hơn số đặt bán, nhưng lượng giao dịch mỗi phiên đang trong xu hướng ngày càng tăng cao đã cho thấy lượng cung đang tăng lên. Cũng có cổ phiếu giảm giá liên tục với lượng giao dịch khá lớn. Người bán ra cổ phiếu là những nhà đầu tư đã sở hữu cổ phiếu đó lâu ngày nhằm mục đích kiếm lời, nay thấy chênh lệch thoả đáng nên bán. Người mua có thể nhiều phiên họ đặt mua giá cao nhưng không mua được nay bỗng dưng giá giảm liền “hốt vào” với số lượng lớn. Lượng hàng hoá ít đã là một phần nguyên nhân khiến có những cổ phiếu liên tục tăng giá như SJS của Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị và KCN Sông Đà, giá lên sàn 100.000 đồng/CP tăng một lèo lên 728.000 đồng/CP. Sau đó lại tách thưởng thành 4 cổ phiếu nên giá được điều chỉnh lại 182.000đ/CP và lại tiếp tục tăng giá trần. Đến ngày 1/2 đã 348.000 đồng/CP. Mới đây ngày 30/1, phiên đấu giá cổ phiếu của Cadivi đã làm cho các nhà chuyên môn sửng sốt, với hơn 67 triệu cổ phiếu được đặt mua, trong khi chỉ có hơn 3,4 triệu cổ phiếu chào bán. Do vậy, giá bình quân đấu được là 185.000 đồng/CP, cao hơn giá khởi điểm là 12,7 lần. Những người trúng thầu đều là nhà đầu tư cá nhân, không có nhà đầu tư tổ chức nào kêu giá cao vì họ dư biết giá trị của cổ phiếu đó đáng giá ở “độ nào”. Các cổ phiếu OTC mới nổi trên thị trường đa số là có giá gấp 4 lần mệnh giá trở lên. Có nhiều cổ phiếu mới đấu giá như CP của Công ty XNK lâm thuỷ sản Bến Tre chào bán với giá 10.100 đồng/CP, thế mà có người đặt mua với giá 120.000 đồng/CP. Đây là hiện tượng bỏ giá đấu cao nhằm nâng giá bình quân lên cao để làm giá ngoài thị trường OTC trong tương lai. Còn giá thực tế mua được thấp nhất của cổ phiếu này là 45.300 đồng/CP. Theo một số nhà chuyên môn, năm nay, khi hàng hóa rót vào thị trường ngày một tăng lên, có thể giá sẽ không thể tăng "thần kỳ" như kể trên. Và việc "làm giá" cũng sẽ khó khăn hơn. (Theo Sài Gòn Tiếp Thị) |