![]() |
Một cô gái người Roma mặc đẹp, trang điểm bắt mắt đứng tạo dáng giữa khu chợ cô dâu truyền thống ở làng Mogila hôm 12/3. Ảnh: AFP. |
Những người độc thân từ cộng đồng Roma sẽ đến chợ cô dâu truyền thống để tìm cho mình một người vợ. Vào những tuần đầu tiên của năm mới, hơn 2.000 người Roma cùng kéo về làng Mogila để tham dự buổi chợ độc đáo. Không khí trở nên náo nhiệt và ồn ào bởi những lời bình phẩm, nhận xét của những người đàn ông đi chọn vợ. Phụ nữ và trẻ nhỏ ai cũng mặc bộ quần áo mới, đẹp nhất để có mặt tại một trong những sự kiện quan trọng của năm.
"Chợ cô dâu" được tổ chức bốn lần một năm vào những ngày lễ tôn giáo, thường rơi vào mùa xuân và hè. Đây là cơ hội cho những người vẫn còn "chăn đơn gối chiếc" gặp gỡ, chuyện trò, tìm hiểu cho mình hoặc tiện thể làm mai mối cho con trai, con gái. Những người tới đây đều thuộc dòng Cơ đốc chính thống và sống trong một xã hội nơi người trẻ chỉ được phép kết hôn với người trong bộ tộc.
![]() |
'Cửa hàng' bán váy cưới của một gia đình người Roma ở khu chợ cô dâu. Ảnh: AFP. |
Các cô gái tuổi teen bị tách khỏi những cậu bé mới lớn bỏ học năm lên 11-12 tuổi. Cách làm này nhằm tránh những "rắc rối" có thể xảy ra cho gia đình chúng. Sự cấm đoán trên giúp "chợ cô dâu" trở thành một cơ hội hiếm hoi giúp các cô bé, cậu bé đang tuổi trăng tròn tỏ tình với nhau. Ở phiên chợ này, việc tìm hiểu khách hàng không phải là mối quan tâm của các cô gái.
Alexey Pamporov, chuyên gia ngành nhân khẩu học và xã hội học tại Học viện xã hội mở ở Sofia, là một trong những người nghiên cứu về các khu chợ cô dâu trong nhiều năm. "Chúng ta không thể nói đây là hôn nhân sắp đặt bởi các cô gái không bị lạm dụng dưới bất kỳ hình thức nào. Giữa hai bên có sự đồng thuận 100%", Pamporov nói.
Chuyên gia này cũng cho biết thêm, hôn nhân của các cô gái chưa thành niên từng rất phổ biến trước đây nhưng giờ thì việc này rất hiếm. Món tiền chú rể bỏ ra để có một cô dâu chỉ đóng vai trò tượng trưng nhằm chứng mình rằng người đàn ông ấy có thể đảm bảo cuộc sống cho gia đình tương lai của mình.
"Bạn cũng vậy thôi. Trước khi kết hôn, bạn cũng muốn biết người chồng tương lai của mình có nhà, ôtô hay một công việc ổn định hay không", Pamporov giải thích. Nhà nghiên cứu trên cho rằng việc duy trì những khu chợ cô dâu đang có xu hướng bị tô vẽ và không còn như trước đây.
![]() |
Các cô gái đến chợ đều chọn cho mình bộ váy mới và đẹp nhất. Ảnh: AFP. |
Tháng 3, tiết trời vẫn lạnh giá nhưng điều ấy không khiến chị em Kalinka và Galina đến từ làng Krivo Pole diện áo váy sặc sỡ, đi đôi dép xăng đan màu vàng. "Cái đẹp cần sự hy sinh. Nhiệm vụ của chúng tôi hôm nay là tỏa sáng", chị em Kalinka và Galina thỏ thẻ nói khi bên cạnh là ông bố Lazar đang canh chừng. Cả hai đang gửi đi ánh nhìn tinh nghịch về phía những người đàn ông trẻ đang ngượng ngùng do dự gần đó.
Chia sẻ với AFP, ông Lazar hy vọng có thể kiếm được khoảng 35.000 USD sau khi gả hai cô con gái. Không chút hài hước, ông bố ấy vẫn giữ vẻ mặt khó đăm đăm: "Đó là cái giá của tôi. Tôi sẽ không gả hai đứa nếu không có tiền".
Những phiên chợ cô dâu trên bị dư luận chỉ trích, thậm chí của cả những người trong cộng đồng Roma. "Tôi kịch liệt phản đối những phiên chợ như này bởi phụ nữ bị xem như một loại hàng hóa", Hristo Nikolov, nhà hoạt động xã hội cho biết.
Tuy nhiên, đối với các cô gái, mọi chuyện chỉ như một trò vui vô hại. Donka, 22 tuổi có vẻ ngoài hiện đại trong chiếc quần jean, áo phông, chia sẻ, cô không cảm thấy có bất kỳ sức ép nào từ phía bố mẹ mình.
"Bố mẹ tôi không đuổi con đi bằng mọi giá. Tôi không thích món tiền đó chút nào nhưng đó là cách mà thế hệ bố tôi làm", Donka cho biết.
Bình Minh