![]() |
Cảnh "đìu hiu" ở nhiều sàn giao dịch không còn hiếm tại TP HCM. |
Nhưng sự sụt giảm kéo dài của thị trường niêm yết khiến lượng giao dịch giảm mạnh. Tháng 7 vừa qua, con số này chỉ còn khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Giao dịch giảm nhưng các công ty chứng khoán mới vẫn đều đều mở ra khiến không ít sàn giao dịch luôn nằm trong tình trạng "chợ chiều".
Cùng nằm trên "đường chứng khoán" Nguyễn Công Trứ, quận 1 (TP HCM) nhưng không khí ảm đạm tại sàn giao dịch chứng khoán của công ty chứng khoán T. khác hẳn với không khí có phần náo nhiệt hơn của các đàn anh như SSI, Bảo Việt cách đó không xa. 8h20 ngày 11/9, ở đây không hề có một khách hàng hay nhà đầu tư nào. Đã vậy, ở đây vừa bị mất điện nên 2 bảng điện tử hiển thị giá trống trơn.
"May quá, chưa có khách hàng nào nên cũng đỡ", một nhân viên thật thà nói. Đang là giờ vàng mà "chưa có khách nào tới" thì cũng có thể dự báo trước một ngày kinh doanh ảm đạm của sàn giao dịch này. Trong hơn 10 phút ngồi chờ có điện lại, sàn vẫn không hề có nhà đầu tư nào "không biết mất điện" ghé qua.
Tình trạng sàn giao dịch không một bóng người cũng xảy ra tại sàn của công ty chứng khoán S.. Có mặt tại sàn giao dịch này vào khoảng 9h sáng cùng ngày, giờ cao điểm nhất đối với các nhà đầu tư nhưng tại đây cũng không hề có bóng dáng nhà đầu tư nào. Bốn màn hình điện tử lớn vẫn nhẫn nại "nhảy nhót" lúc xanh, lúc đỏ hiển thị mức giá của các cổ phiếu trước các dãy ghế trống trơn. Nhân viên ở đây cho biết, trụ sở chính của S. ở bên quận 7, đây chỉ là chi nhánh công ty và đã đi vào hoạt động từ đầu tháng 9.
"Lên sàn thư giãn", điều này nghe có vẻ lạ nhưng hoàn toàn là sự thật với rất nhiều nhà đầu tư hiện nay. Khác với cảnh chen lấn, ồn ào, xô đẩy nhau để đặt lệnh như trước đây, các nhà đầu tư hiện nay bình tĩnh hơn trước việc giá lên, giá xuống. Hỏi chuyện "hôm nay mua gì" với một nhà đầu tư đang thờ ơ ngồi đọc bản tin chứng khoán tại sàn giao dịch Ngân hàng Đông Á, chị cho biết, dạo này chị ra sàn chỉ để "giết thời gian" chứ không mua bán gì cả. "Gần 2 năm qua, ngày nào cũng lên sàn nên thành thói quen. Giờ không mua bán gì nhưng ra đây tán dóc cũng đỡ buồn. Đợi khi nào có cơ hội thì "chớp" liền", chị cho biết.
Lấy sàn giao dịch là điểm thư giãn nhiều nhất có lẽ là các nhà đầu tư tại sàn giao dịch Âu Việt. Tọa lạc trong khuôn viên rất đẹp của ngôi biệt thự cũ với không khí thoáng đãng, trong lành... nên dù nằm "một mình một chợ" trên đường Tú Xương, khách hàng ở đây vẫn khá đông.
Mặc dù đã được trang bị đầy đủ màn hình điện tử nhưng khá nhiều nhà đầu tư tại đây vẫn mang theo máy tính xách tay để vừa theo dõi bảng giá, vừa truy cập Internet. Nếu nhìn ở ngoài, không khí tại sàn giao dịch này không khác gì một quán cà phê wifi với các "thượng đế" vừa uống cà phê, vừa tán dóc, vừa truy cập mạng. Anh H., một nhà đầu tư tại Âu Lạc, cho biết, thay vì uống cà phê ở chỗ khác thì ra đây vừa có bạn bè, vừa theo dõi chứng khoán. "Thư giãn như vậy còn gì bằng nữa", anh hài hước.
Tình trạng ảm đạm không chỉ diễn ra ở các công ty chứng khoán mới mà tại các công ty chứng khoán cũ cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng. Tại sàn giao dịch Phương Đông, chỉ khoảng chục nhà đầu tư ngồi theo dõi bảng điện tử. Trong hơn 10 phút đứng quan sát tại đây, quầy nhập lệnh chỉ tiếp có 2 khách hàng lúi húi ghi chép. Trên thực tế, hơn 80% lượng khách hàng hiện nay là nằm trong tay các “đại gia” đi trước như SSI, VCBS, ACBS, BCVS... thị phần khiêm tốn còn lại là của vài chục công ty chứng khoán khác.
Tuy nhiên, do thị trường niêm yết lình xình kéo dài, lượng giao dịch chung trên thị trường giảm đáng kể nên các công ty lớn, có thâm niên đều phải ra "chiêu" để giữ khách trước sự cạnh tranh ngày càng nhiều của các công ty mới. Theo giám đốc một công ty chứng khoán, chi phí tối thiểu để duy trì hoạt động một công ty chứng khoán trong một tháng khoảng vài trăm triệu đồng. Nhưng với tình cảnh "chợ chiều" trên, tiền thu phí của không ít công ty "không đủ để trả tiền điện". Phí giao dịch trung bình trước đây khoảng 0,5% thì nay chỉ còn khoảng 0,2%- 0,3%, thậm chí nhiều công ty chứng khoán mới đã tung chiêu giao dịch "không phí" trong những tháng đầu mới mở để thu hút khách hàng.
Không còn "đẻ trứng vàng" như trước đây nên không ít công ty đã gác lại ý định thành lập công ty chứng khoán và đây được coi là một quyết định kịp thời trong tình trạng hiện nay.
(Theo Thanh Niên)