Mỗi năm, hàng nghìn người đàn ông lại tập trung dưới tán cây Pipal ở một khu chợ địa phương thuộc quận Madhubani, bang Bihar của Ấn Độ và chờ đợi để được các cô dâu tương lai lựa chọn. Được gọi là Saurath Mela hay Sabhgachhi, phiên chợ kéo dài 9 ngày này được cho là do Raja Hari Singh của triều đại Karnat khởi xướng từ cách đây hơn bảy thế kỷ, nhằm giúp phụ nữ dễ dàng tìm được người chồng phù hợp. Mỗi chú rể đều được định giá dựa trên năng lực, bao gồm trình độ học vấn và nền tảng gia đình.
Thời đại ngày nay, đi chợ chọn chú rể được coi là một chuyện "không tưởng" nhưng đó chính xác lại là cách một số phụ nữ ở Maithili, Bihar chọn chồng. Những phụ nữ này đi cùng gia đình để duyệt "hàng". Họ sẽ xem xét giấy khai sinh, giấy tốt nghiệp của những người đàn ông tại chợ. Nếu tìm thấy ai đó họ thích (và có đủ khả năng chi trả), đôi bên sẽ bắt đầu thảo luận chi tiết.
Theo tờ Al Jazeera, thị trường chú rể truyền thống của Bihar gần đây ghi nhận các kỹ sư, bác sĩ và nhân viên chính phủ là những người được săn đón nhiều nhất. Dù của hồi môn là bất hợp pháp ở Ấn Độ, các cử nhân trẻ tuổi, điều kiện tốt vẫn yêu cầu gia đình cô dâu những món hồi môn giá trị cao.
Tuy nhiên, bản thân cô dâu lại hầu như không có tiếng nói trong việc chọn lựa chú rể cho mình. Chính gia đình của họ mới là những người chốt cuối cùng. Họ sẽ cân bằng giữa chọn một chàng rể có lý lịch ấn tượng với khả năng chi trả của gia đình.
Vài thập kỷ trở lại, chợ chú rể ở Bihar không còn tấp nập như trước, chủ yếu do giới trẻ có nhiều lựa chọn tiện lợi hơn như tham gia ứng dụng hẹn hò trực tuyến. Song nó vẫn thu hút hàng nghìn cử nhân, một số người thậm chí đi hàng trăm km, với hy vọng được chọn làm chồng của ai đó.
Không chỉ có chợ chú rể, Ấn Độ còn có cả chợ cô dâu. Ở Haudati, cô dâu cũng có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào trình độ và kỹ năng nội trợ của họ.
Tùng Anh (Theo ODD)