![]() |
Giá vàng tăng chóng mặt. |
Hơn 3h chiều, gần chục người khách vẫn đi đi lại lại trong tiền sảnh bên ngoài phòng kinh doanh ngoại hối của một ngân hàng. Trong số ấy phần lớn là đàn ông với đủ mọi lứa tuổi, bên hông luôn đeo túi xách. Một người thở phào: "May mà tôi chỉ đánh ngoại tệ, nếu chẳng may mà dính vào vàng thì... Ông kia mới là dân vàng chính gốc”.
Vừa nói, ông vừa đưa mắt nhìn về phía người đàn ông mảnh khảnh, áo sơ mi kẻ sọc nhạt, dáng vẻ giống cán bộ hưu trí. Sau này nhân viên ngân hàng cho biết, ông “cán bộ hưu trí” ấy chỉ chuyên “đánh” vàng và lăn lộn với mặt hàng này nhiều năm, vậy mà khi giá biến động, ông cũng chịu khoản lỗ tương đối.
Theo các chuyên gia tài chính, chưa bao giờ giá vàng biến động dữ dội như trong năm 2005 và đầu năm 2006. Tổng kết của Eximbank cho thấy, đầu năm ngoái giá vàng trung bình 8,4 triệu đồng/lượng, đến cuối năm giá ở mức 9,8 triệu đồng/lượng, tăng gần 17%. Chưa hết quý I, giá vàng có thời điểm đứng rất gần mức 10,1 triệu đồng/lượng. Đa số những người kinh doanh vàng trên tài khoản đã không dự đoán giá vàng cứ lên mãi trong một thời gian dài như thế.
Ông Đỗ Công Chính, Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Việt Á, cho biết, mọi dự đoán giá vàng lên xuống xem ra trật lất. Gần 80% số người “đánh” vàng năm ngoái thua. Có một số người, vào những lúc vàng lên “cơn sốt”, nhận định như các năm trước rằng, vàng chỉ “tăng nhiệt” 2-3 ngày rồi giảm, nên đã vay vàng của ngân hàng để bán, đợi giá xuống mua vào trả nợ. Tuy nhiên, cường độ các cơn sốt vàng liên tục kéo dài: một tuần rồi 10 ngày, thậm chí 2-3 tuần và đứng luôn sau đó ở mức giá cao chứ không giảm.
Kết quả là, những người vay vàng để bán lỗ nặng. Đến khi đáo hạn, họ chỉ còn biết cắn răng mua lại vàng giá cao hơn trả nợ. Ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Eximbank, nhận xét: “Những thói quen, kinh nghiệm cũ của giới kinh doanh vàng trong nước hầu như không còn phục vụ họ nữa. Vàng đang trở thành thứ hàng hóa được giới tài phiệt quốc tế đầu cơ mạnh. Và các cá nhân kinh doanh vàng ở Việt Nam chưa thể chạy theo giới đầu cơ quốc tế”.
Những cá nhân kinh doanh vàng trên tài khoản cũng không thoát khỏi cơn lũ vàng, trong số đó, không ít người đã bị cuốn trôi, đến nỗi phải bỏ nghề. Hiện giới kinh doanh vàng chỉ cần có 10 lượng vàng là có thể thế chấp vay 100 lượng để bán. Nhưng trên thực tế, họ bán những cái mình không có (đi vay), chờ giá thấp hơn, mua lại. Cứ thế, lỗ dồn lỗ, từng ngày, từng tuần, từng tháng. Có khi thắng một lần do trúng đợt giá xuống, lại thua hai lần đợt giá lên, cộng dồn lỗ lên tới bạc tỷ là chuyện không hiếm.
Nhân viên phòng kinh doanh vàng của một ngân hàng “bật mí”, không ít người mua bán vàng trên tài khoản đã không kiểm soát được lỗ do chưa có thói quen chặn lỗ (stoplost). Đáng lẽ họ phải đặt cho mình một hạn mức lỗ đến đâu thì dừng lại. Nhưng một số người lỗ, ôm lỗ, càng lỗ. Rút kinh nghiệm, hiện một số ngân hàng đã ban hành quy chế hạn mức giao dịch, tức là cho phép một cá nhân đầu tư tối đa bao nhiêu, lỗ đến mức nào thì phải dừng.
Thực ra sự rủi ro của kinh doanh vàng trên tài khoản sẽ được hạn chế đáng kể nếu khách hàng sử dụng dịch vụ quyền lựa chọn vàng (Option). Tuy nhiên, trong trường hợp giá vàng biến động quá mạnh, trái ngược mong muốn của khách hàng, họ cũng có thể bỏ giao dịch và chỉ mất một khoản phí cho ngân hàng. Dù vậy, hầu hết khách hàng đều không ưa khoản phí 2% vì kinh doanh chưa biết giao dịch lỗ, lãi thế nào, đã phải đóng 2% phí. Mức phí trên, xét cho cùng, không phải cao vì các ngân hàng trong nước chỉ làm môi giới, họ tái bảo hiểm phí đó cho ngân hàng nước ngoài. So với những lúc giá vàng “chạy” hay rớt 3-4%/đêm, 7%-8%/tuần, thì mức phí 2% chưa phải quá đắt.
Ngân hàng Eximbank có 30-40 khách hàng thường xuyên giao dịch vàng, ngoại tệ. Ở một số ngân hàng khác, con số cũng tương đương. Khách hàng giao dịch vàng chủ yếu là các tiệm vàng, doanh nghiệp tư nhân, cá nhân. Những khi giá nhảy lên hạ xuống thì giao dịch vàng sôi động, khách hàng bám “sàn” riết. Còn giá cứ tà tà một mức, khách vắng hoe. Mới đây có ông Y. ở ngân hàng nọ được giới kinh doanh vàng tôn làm đại ca vì ông “nhát”, giao dịch ít một, thấy lỗ là ngừng và vì vậy chỉ hòa vốn, không thua.
Theo tiết lộ của một số nhân viên ngân hàng, doanh số kinh doanh lớn nhất của một khách hàng thường ở mức vài nghìn lượng. Có lần, một khách hàng đã vay tới 5.000 lượng để bán. Quan trọng nhất là tính toán sức chịu đựng lỗ lãi thế nào. Nhưng vàng có sức hút riêng của nó và khi đã vào cuộc chơi, sự tỉnh táo, thận trọng đôi khi được một số người "gửi" ở bên ngoài.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)