![]() |
Chim trời bị nhốt trong các lồng sắt chuẩn bị lên thớt. |
“Đây là chim ngói, sâm cầm, gà đồng, diệc, đa đa; còn đây là cu gáy, giẽ đất, tu huýt..., nếu anh thích còn có cò khoăm, cò bợ, sẻ đồng… đảm bảo chim trời vừa gỡ lưới xong, khỏi lo ăn cám con cò. Giá mềm bất ngờ, chỉ 35.000 đồng/cu gáy, 15.000-25.000 đồng/chim ngói, 50.000-70.000 đồng/xâu giẽ nâu, sâm cầm, tu huýt, le le…”, một “lái chim” ca một bài tiếp thị ngay bên lề đường.
Theo lời một thợ bẫy, nguồn chim ở vùng này nhiều vô kể. Nhờ có dải bán sơn địa kéo dài từ Lương Sơn (Hòa Bình) đến Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Tây) nên các loài chim về trú ngụ và tránh rét rất nhiều. Nhiều nhất là vào thời gian từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 3 âm lịch, nếu vào mùa gặt chim đổ về nhiều vô kể.
Đặc biệt khu này nổi tiếng với vườn cò Ngọc Nhị (Ba Vì), ngày mùa cò kéo về đến hàng nghìn con, đậu trắng cả ngọn cây.
Thấy lộc trời cho, người ta thi nhau bắn, bắt, bẫy. Ban đầu chỉ là dân quanh vùng dùng bẫy thủ công, một thời gian sau xuất hiện những đội quân bẫy chim chuyên nghiệp từ các nơi khác đến, chúng dùng băng cassete giả tiếng chim để rủ chim tới rồi dùng lưới hốt gọn cả đàn.
Đội quân này không chỉ hoạt động ở các vùng Hà Tây mà còn lùng sục đến tận những vườn chim ở các tỉnh lân cận như vườn chim Hải Lựu (Vĩnh Phúc), vườn cò Đông Xuyên (Yên Phong, Bắc Ninh), vườn cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện, Hải Dương)…
Chim sập bẫy được lái buôn thu gom rồi mang ra đường cao tốc bán - hình thành những chợ chim di động qui mô nhỏ, một thời gian sau nhiều chợ chim lớn xuất hiện, bày bán công khai như chợ Hoàng Ngô (Quốc Oai), chợ Hòa Lạc…
Trước đây thị trấn Xuân Mai - Lương Sơn (phía nam) và Đồng Mô (phía bắc) là thiên đường của chim thú rừng, nhưng bây giờ bị kiểm soát chặt, vô hình tạo thành hai cánh cung siết chặt lại dồn hết về Láng - Hòa Lạc, khiến nơi đây trợ thành “thị trường” chim tấp nập.
Có cung ắt có cầu, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc vừa thông xe, hàng trăm nhà hàng, quán nhậu mọc lên, nguồn chim cung cấp bao nhiêu cũng không đủ. Theo một “lão làng” buôn chim ở Hoàng Ngô, bây giờ chủ hàng không chỉ lấy mối chim quanh vùng lân cận mà còn nhập về từ các tỉnh xa như Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa… nhờ những “chân rết” liên tỉnh.
Chiếc xe con bốn chỗ rẽ bụi lách vào đỗ xịch bên vệ đường, chủ xe chưa kịp mở cửa cả chục nhân viên đã bủa lấy, chen nhau mời mọc, kéo khách về phía nhà hàng mình…
Dọc đường Láng - Hòa Lạc kéo dài chừng 4 km, hàng trăm nhà hàng ăn uống mọc lên chi chít với những tên gọi hấp dẫn: nào là “Đặc sản xứ Mường”, “Chim trời, cá nước”, “Hương vị rừng xanh”, “Đặc sản núi rừng”…
Theo chủ nhà hàng H.H., nhờ nằm ở ngoại thành Hà Nội nên những nhà hàng ăn nhậu ở đây thu hút rất nhiều các đại gia, quan chức, giới thương gia từ các vùng lân cận đến ăn chơi.
Đông nhất vẫn là Hà Nội, thứ đến Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình…, chưa kể cạnh đấy là Khu công nghệ cao Hòa Lạc - nơi được ví là “tư dinh” của nhiều đại gia lắm tiền, nhiều của.
Giờ cao điểm hàng chục chiếc xe biển xanh, biển trắng 31…, 33…, 28…, 88… nằm la liệt bên lề đường, dưới tán cây, kín đáo hơn thì đậu sâu trong vườn của nhà hàng.
Bình “còm”, chủ nhà hàng “Đặc sản núi rừng” giới thiệu những món ăn chế biến từ chim: “Thịt chim ở nhà hàng anh 36 món không thiếu món nào. Ăn ngay thì có chim xào sả ớt, nướng, quay, gỏi…còn chờ lâu một tí thì có lẩu, chim hầm thuốc bắc, chả chim, cháo chim…”, Bình quảng cáo.
Bình đưa bàn tay hộ pháp nắm lấy mỏ chim kéo hếch lên và phán: “Đây là cu đồng, loại này mà hấp cách thủy hoặc tần thuốc bắc thì “sung” phải biết, các đại gia bụng phệ hiếm khi bỏ qua món này. Còn đây là cò khoăm chuyên xáo măng hoặc nướng, thịt giòn như củi thông, dùng nhâm nhi với rượu bầu đá”.Phía sau vườn, vợ Bình nằm vắt chân ngả ngớn trên chiếc võng xếp, cạnh đấy ba bốn thiếu niên chia làm hai tốp đang hì hục vặt lông chim, một tốp vặt khô, tốp kia nhúng nước. Mùi ngai ngái từ thịt chim, lông chim bốc lên xốc vào mũi tôi.
Chim vặt lông, mổ bụng xong được xâu thành chuỗi bằng một que sắt, sau đó đặt lên máng than, chỉ phút chốc, từng thớ thịt tách ra mùi thơm phức bốc lên.
Bình giảng giải kinh nghiệm: “Phải nướng bằng than củi thịt chim mới giòn và không bị lạc mùi. Nếu không dùng củi than có thể nướng bằng đèn khò, loại này lợi thế ở chỗ gia vị ngấm trực tiếp vào thịt chim, thịt sẽ đậm đà hơn. Anh sẽ biểu diễn ngón nghề cho chú mày xem”.
Như để chứng minh cho lời nói, ngay tức tốc, Bình thò tay kéo một con cò trong lồng ra, tay cầm thanh kim loại sắc lẹm, Bình phạt ngang một nhát rất điệu nghệ, con chim ré lên một tiếng, nghẹo cổ dần.
Nhà hàng - nhà sàn Tây Bắc nằm trên đường vào khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Sau cú điện thoại chớp nhoáng, một người đàn ông với mái tóc dài đậm chất cao nguyên phóng đến trên chiếc xe phân khối lớn, đó là Luân - chủ nhà hàng.
Qua một tuần rượu với những chuyện trên trời dưới biển, lân la hỏi: “Thịt chim, thú thế này không sợ cơ quan chức năng hỏi thăm sao?”. Luân cười hề hề rồi khoát tay lia lịa: “Kiểm tra thì không thấy mà chỉ thấy các vị đến đánh chén thôi. Mà nếu bắt thì bắt sao xuể, hàng trăm nhà hàng ở đây có chỗ nào mà không thịt chim đâu”.
Tuy nhiên, sở dĩ Luân đắc chí như vậy vì biết rõ vùng Láng - Hòa Lạc này là vùng giáp ranh giữa Lương Sơn (Hòa Bình) và Quốc Oai, Thạch Thất (Hà Tây) nên các cơ quan chức năng lúng túng, đùn đẩy nhau trong việc kiểm tra, việc bị “sờ gáy” hiếm khi có thể xảy ra.
Thử làm một phép tính đơn giản: một nhà hàng trung bình một ngày vặt lông hơn trăm con chim, ở đây có cả trăm nhà hàng, như vậy số chim bị “hóa kiếp” mỗi ngày phải đến cả nghìn con.
Bao nhiêu sâu bọ phát triển, còn những cánh rừng, khu vườn đang vắng dần tiếng chim… trong lúc những con chim trời tội nghiệp ngày ngày vẫn lên thớt trong các nhà hàng.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà sinh vật học, nhờ khí hậu nhiệt đới Việt Nam là điểm dừng chân của hàng triệu con chim di cư hàng năm từ Bắc bán cầu xuống Nam bán cầu và ngược lại, đồng thời là nơi bảo tồn nguồn gen các loài chim quý hiếm trên thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế, Việt Nam có khoảng 888 loài chim, trong đó có 72 loài chim hiện đang bị đe dọa, gần bị đe dọa tuyệt chủng và cần được quan tâm bảo tồn ở mức độ toàn cầu như: Cò (cò trắng Trung Quốc, cò lạo xám); trĩ (trĩ đầu đỏ, trĩ sao); Gà lôi (Gà lôi lông tía, Gà lôi lam mào trắng); khướu; giẻ…trong đó có 3 loài bị đe doạ ở mức tối nguy cấp, 12 loài ở mức nguy cấp. |
(Theo Tiền Phong)