Đối tượng chủ yếu của các sàn khiêu vũ cổ điển hiện nay là những người độ tuổi trung niên, trong đó quý bà chiếm đa số. Để đáp ứng nhu cầu của các quý bà thiếu tình, thừa tiền, "trai dẫn nhảy" ra đời.
Trai dẫn nhảy có thể là sinh viên, người đang đi làm hoặc thất nghiệp. Tiêu chuẩn để được nhận vào đây không quá khắt khe như tuyển người mẫu nhưng ngoại hình cũng phải ưa nhìn, body chuẩn, to khỏe và phải biết chiều...
"Trai nhảy" tên Hưng là vũ sư quen mặt ở một câu lạc bộ khiêu vũ trên phố Quán Thánh (Hà Nội). Tốt nghiệp ngành du lịch nhưng ra trường công việc của Hưng không ổn định, thu nhập phập phù chưa đến giữa tháng đã "viêm màng túi".
Tiền công dẫn nhảy không được bao nhiêu nên nhiều trai nhảy thường có mánh lới riêng. |
Những ngày đầu Hưng mới ra trường, gia đình ở quê còn chu cấp phần nào chi phí hằng tháng. Một thời gian sau, gia đình "cắt viện trợ", Hưng phải lo toan mọi thứ với khoản thu nhập ít ỏi. Nghe một người bạn nói đi học nhảy "đầu tư ít" mà hằng tháng có thu nhập "khủng", Hưng quyết định bước sang một ngã rẽ mới với nghề "trai dẫn nhảy".
Dáng người dong dỏng, khỏe khoắn trong bộ đồng phục của sàn nhảy, Hưng thu hút người xung quanh bởi vẻ thư sinh ấy.
"Làm nghề này vất vả và mệt lắm. Mỗi ngày em làm 3 ca sáng, chiều và tối, mỗi ca kéo dài hai tiếng. Tùy vào quy định của mỗi câu lạc bộ, có nơi trả 25.000 đồng một ca, có nơi trả theo tháng hơn 1 triệu đồng", Hưng cho hay.
Câu lạc bộ của Hưng không trả lương nên các vũ sư nhận công từ chính quý bà mà họ dẫn nhảy. Mỗi ca cậu chỉ phục vụ một quý bà và họ sẽ trả cho Hưng 200.000 đồng. Hôm nào họ vui vẻ hay cậu dẫn nhảy tốt sẽ được "boa" thêm.
Để có thể lên sàn dẫn nhảy, Hưng phải học mất gần 5 tháng liền. Về cơ bản Hưng đã nắm vững được nhiều điệu. Khi khách có nhu cầu học, cậu sẽ phục vụ tận nhà 24/24h. Khách chỉ cần gọi điện báo trước một ngày để cậu sắp xếp, học phí 200.000 đồng một buổi kéo dài hai tiếng. Thông thường, các quý bà phải học hai tuần liên tiếp mới có thể lên sàn được. Nếu muốn học những động tác khó cũng như nhảy đẹp, họ phải mất nhiều thời gian hơn nữa.
Cũng theo Hưng, để có được "chỗ đứng" cũng như khẳng định đẳng cấp của riêng mình, mỗi trai dẫn nhảy lại tự trang bị cho mình một mác riêng trong con mắt của các quý cô, quý bà. Hưng kể, có người ghi danh vào một lớp đại học tại chức để lấy mác sinh viên, người lại cố trụ ở một công ty nào đó để lấy danh.
Tiền công dẫn nhảy không được bao nhiêu nên nhiều trai nhảy thường có mánh lới riêng. Hôm nào thấy quý cô vui vẻ, họ sẽ tìm cách tâm sự hoàn cảnh, rồi kêu thiếu thốn, bố mẹ ở quê ốm... cần tiền gửi về quê để được "boa" nhiều hơn.
Theo chị Vân, người thường xuyên đến các sàn nhảy ở Hà Nội, đa phần quý bà tìm đến CLB khiêu vũ cổ điển hay vũ trường với mục đích lành mạnh, trong sáng. Một số chị em đến để tìm nguồn vui cho riêng mình khi tuổi xuân ngày một trôi qua. Dưới ánh đèn tối sáng lấp lánh, tiếng nhạc du dương và êm ái tay trong tay, những vị trí động chạm tế nhị rất dễ nảy sinh tình cảm. Giữa ranh giới của một bên "khát tình" nhưng thừa tiền còn một bên là "thừa tình nhưng khát tiền" họ dễ tìm đến nhau để thỏa mãn "đam mê" của mình.
Một quản lý câu lạc bộ khiêu vũ ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) thừa nhận, khiêu vũ cổ điển mọc lên "như nấm" thu hút nhiều người đến. Chi phí sinh hoạt ở câu lạc bộ khiêu vũ cũng thấp, chỉ dao động từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng (chủ yếu là tiền nước uống).
Tại các câu lạc bộ luôn có các "trai nhảy trẻ", tuổi chỉ xấp xỉ đôi mươi nhưng rất chuyên nghiệp, biết chiều và biết lắng nghe, chia sẻ. Có sức trẻ, họ biểu diễn những điệu nhảy có động tác mạnh như nằm ra sàn nhà, hai chân tung trên không khiến các bà các cô mê tít. Tùy vào thái độ phục vụ "nhiệt tình" của "trai nhảy", quý bà sẽ "boa" trung bình là 100.000 đồng, nhiều thì vài trăm cho đến tiền triệu. Thực tế, phía câu lạc bộ chỉ quản lý nhân viên khi ở trên sàn, còn bên ngoài cũng không thể kiểm soát được nên có cung ắt có cầu.
Người Đưa Tin