![]() |
Một hướng dẫn viên tự do đưa khách Nhật thăm địa đạo Củ Chi, TP HCM. |
Trên đường đưa khách về, Tuấn bắt đầu ra chiêu. Anh ta chỉ Sinh, giở giọng “nam ai”: “Thưa quý khách, tài xế này hoàn cảnh rất đáng thương. Một mình làm nuôi cha mẹ già yếu, lại luôn đau bệnh. Anh ta lái xe chỉ đủ nuôi mình. Có ít hàng lưu niệm, mong quý khách mua ủng hộ tài xế”.
Rồi Tuấn mang “hàng rong” đi đến từng vị khách, lôi ra nào bánh, nào kẹo, chả lụa, chả giò, móc khóa, tranh ảnh. Hầu hết khách đều vui vẻ nhận hàng, giao tiền. Một móc khóa bán đầy trên đường chỉ 5.000 đồng, Tuấn lấy của khách 2 USD. Một bịch kẹo dừa nhỏ chưa tới 10.000 đồng, Tuấn hét 6-7 USD. Chỉ một nhoáng, 1 bao và 2 giỏ xách của Tuấn đem theo đã xẹp teo.
Có một ông khách chần chừ ngó cây chả lụa Tuấn đặt trên đùi ông, rồi đưa trả lại. Tuấn phớt lờ không lấy, cứ lặp đi, lặp lại: “Xin ông mua giúp đỡ tài xế, anh ta còn nuôi cha mẹ già yếu".
Để ý, đến khi về đến khách sạn, vị khách này vẫn không chịu mua, Tuấn cũng vẫn không chịu lấy lại cây chả giò. Mãi đến lúc bước xuống xe, vị khách phàn nàn một hồi mới chịu lấy tiền trả...
Tài xế Quang hôm rồi chở đoàn khách Đài Loan đi Đà Lạt, do HDV Tùng dẫn, bực bội kể: “Tôi kỵ nhất là vu oan giá họa đụng đến vợ con tôi. Vậy mà tay HDV này cứ ra rả, nào là vợ tôi bệnh ung thư nằm liệt giường, con tôi ốm nặng để cho khách mềm lòng mua hàng của nó. HDV không biết tôi cũng nghe được tiếng Hoa. Khách mua hàng ào ào, có vài người còn gom phong bì nhờ HDV đưa cho tôi. Vậy mà khi đi xong chuyến, nó ẵm hết”.
Quang còn cho biết, trước đây tourguide thường chai mặt kể khổ hoàn cảnh của mình. “Dần dần có lẽ thấy du khách không tin tưởng, HDV không bán được hàng mới chuyển qua than khóc cho nhà xe", Quang nói.
Trên đường dẫn khách đi tour, thấy nhiều HDV có vốn kiến thức rất mỏng. Mới đây, HDV Tính dẫn khách qua Khu Du lịch Suối Tiên, anh ta oang oang: “Đây là khu du lịch lâu đời nhất, lớn nhất VN”. Có vị khách hỏi lai lịch những bức tượng khổng lồ ở khu du lịch, Tính thản nhiên: “Đây là những vị có công khai phá vùng đất này”.
Khi dẫn khách đến nơi, lân la bắt chuyện với Tính, thắc mắc trước những hướng dẫn “trớt quớt” của anh ta. Tính lom lom nhìn tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi cười hềnh hệch: “Nhằm nhò gì, nói hươu nói vượn giết thời gian ấy mà! Đám khách Tây biết quái gì về nước mình mà sợ bắt bẻ”.
Cũng để “giết thời gian” nhưng không đủ kiến thức hướng dẫn, nhiều tourguide chuyển qua “tấu hài”. Thôi thì đủ các chuyện tiếu lâm, đa phần là thô tục: kiểu như “hai ngọn núi Lang Biang trong truyền thuyết là bộ ngực của nàng Biang, nhưng một ngọn to, một ngọn nhỏ là bởi chàng Lang thuận một tay”, được đem ra chọc cười du khách. Mới đây, theo xe do HDV Dũng dẫn khách đi Củ Chi. Sau khi thuyết một hồi về lịch sử địa danh (không ít chỗ sai), Dũng huyên thuyên về cách người Việt nói lái địa danh này có ý nghĩa ra sao, từ đó dẫn đến chuyện những từ tiếng Việt đồng nghĩa chỉ “chỗ ấy”. Chỉ có vài vị khách cười gượng gạo.
Anh Lành, một tài xế đứng tuổi rành tiếng Anh, kể có một dạo không biết sao xe anh ế dài cổ. Chủ xe lo lắng bỏ công tìm hiểu, mới hay đám HDV tự do hướng dẫn bậy bạ hay bị anh Lành chỉnh nên để bụng thù ghét. Họ về nói với công ty, xe của anh cũ kỹ, không an toàn, tài xế hay ngủ gật, nên công ty không dám gọi chở khách nữa. Lành cười buồn: “Từ đó tôi “khôn” ra. Đám HDV choai choai bây giờ đã kém kiến thức lại ăn nói bạt mạng, nhưng tôi thây kệ”.
Vũ, HDV tự do cho công ty L.B, H.N. trong một lần nhậu ngà ngà, bộc bạch: “Tôi biết các ông xem dân tourguide không ra gì. Nhưng biết làm sao được, công ty giảm giá tour để cạnh tranh thu hút khách, rồi giao chỉ tiêu cho HDV thu lại. Buộc lòng tụi tôi phải giở trò để thu đủ “sở hụi” cho công ty, sau đó mới tính chuyện kiếm chác”.
Vũ cho biết, có công ty còn giao chỉ tiêu tính theo đầu khách: “Chẳng hạn, khách Hong Kong 10 USD/người, HDV nhận đưa đoàn 50 người phải nộp cho công ty đủ 500 USD”.
Tìm hiểu thêm thì biết, khách sau khi đi xong tour thường gom một khoản tiền gọi là "công tác phí" cho HDV và nhà xe. Cũng vì chỉ tiêu nên nhiều HDV đối xử với nhà xe cạn tàu ráo máng, ôm gọn khoản này, không chia hoặc chia rất ít cho nhà xe. Mới tuần trước, Vũ còn giữ cả hộ chiếu của khách đến tận lúc ra sân bay, bởi trong đoàn có vài người không chịu trả khoản này. Sát đến giờ bay, những vị khách nọ đành chào thua, phải gom đưa đủ cho Vũ để lấy lại hộ chiếu.
Nhiều HDV còn ăn chặn trắng trợn tiền của nhà xe. Tài xế Thuận kể, anh nhiều lần bị HDV Bảo (công ty Q.T.) nẫng phong bì của khách cho riêng nhà xe. Tháng trước, đi xe của tài xế Thuận đưa khách ra sân bay về nước. Một chiếc Honda va quẹt vào xe Thuận. Honda bị hư khiến Thuận phải đền 700.000 đồng. Du khách thương tình, bảo nhau gom tiền nhờ Thạnh (HDV công ty Q.T.) đưa cho Thuận. Thế nhưng khi đưa khách về, hỏi mãi Thạnh mới đưa lại Thuận 100.000 đồng...
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, hiện cả nước có hơn 400 công ty lữ hành quốc tế, hơn 10.000 công ty lữ hành nội địa, hơn 5.500 HDV quốc tế được cấp thẻ. Số HDV “lậu” (HDV tự do chưa có thẻ) tuy chưa thống kê cụ thể, song không ít hơn số HDV có thẻ. Những trò bát nháo hầu hết đều từ những HDV tự do này.
Thời gian qua, ngành du lịch lại đau đầu với lực lượng HDV “chui” (HDV ngoại) hoạt động trái phép, đông nhất là người Hàn Quốc. Hầu hết các tour khách Hàn Quốc đều do HDV “chui” dẫn, đi kèm là HDV người VN có thẻ- chỉ làm mỗi nhiệm vụ xuất trình thẻ để hợp pháp hóa khi bị kiểm tra. Nhiều tài xế cho biết, HDV “chui” rất côn đồ, chỉ cần không hài lòng một chút về tài xế là quát nạt, thậm chí nắm cổ đòi đánh.
(Theo Người Lao Động)