Ngay sau cái gật đầu của chủ nhà hàng, khoản tài trợ trị giá 200- 300 triệu đồng của một nhãn hiệu lập tức được rót xuống bằng tiền mặt hoặc qua các hiện vật như tivi cỡ lớn, máy phóng, máy bắn pháo hoa, đèn laser hoặc trang trí lại toàn bộ tiền sảnh cho nhà hàng… Đi cùng với nó là giá bán sỉ cho nhà hàng ở mức thấp hơn giá thị trường bên ngoài. Và đây chính là lý do các nhà hàng có thể nhận cung cấp bia cho tiệc cưới bằng giá mua ở đại lý mà không tính thêm phí phục vụ. Thậm chí khách uống loại bia nào, trong tiệc cưới hãng bia còn tổ chức trò chơi, tặng quà lưu niệm.
Theo một số đại diện thương mại của các hãng bia, 3 nhãn hiệu là bia Sài Gòn, Tiger, Heineken đang chiếm hơn 70% thị trường cung cấp bia cho mùa cưới, kế tiếp là các nhãn Foster's, San Miguel, Laser…
Dịch vụ quay phim, chụp ảnh, nhà hàng, thuê xe, công ty mỹ phẩm, công ty vàng bạc đá quý… đồng loạt tung ra những chiêu tiếp thị, khuyến mãi mạnh để thu hút người tiêu dùng. Năm nay các đơn vị dịch vụ có sự bắt tay với nhau. Chẳng hạn chụp ảnh làm album ở studio được tặng vé bơi, vé ăn miễn phí ở nhà hàng hoặc vé chăm sóc da ở thẩm mỹ viện; đặt tiệc nhà hàng tặng dịch vụ thuê áo cưới, tặng thiệp, tặng chụp ảnh… Tính bình quân mỗi dịch vụ mà khách hàng sử dụng cho đám cưới có từ 3 đến 23 dịch vụ kèm theo.
Theo Cục Thống kê TP HCM, năm 2002 có 80.824 và năm 2003 có 89.958 cặp kết hôn. Với mức chi phí cho một đám cưới hiện nay trung bình là 40 triệu đồng thì thị trường cưới TP HCM có doanh thu 3.600 tỷ đồng. Thực tế, chi phí còn cao hơn... |
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, mùa cưới 2004 tiếp tục xu hướng "công nghệ" và được nâng cấp lên bằng sự ra đời của các kiểu "cẩm nang mùa cưới" như một kiểu tiếp thị. Hàng loạt ấn phẩm, catalogue được các công ty tung ra thị trường: PNJ có cẩm nang "hạnh phúc vàng" giới thiệu mẫu trang sức cưới, bia Tiger có "cẩm nang tổ chức lễ cưới", Ánh Linh cũng có "tư vấn chuẩn bị lễ cưới"…
Bán chạy nhất trên thị trường cưới phải kể đến dịch vụ nhà hàng. Mới giữa tháng 9 nhưng hầu hết các nhà hàng có thể tổ chức tiệc cưới từ 20 bàn trở lên tại TP HCM đã kín chỗ đến hết tháng 2/2005.
Số lượt đám cưới tăng dần sau mỗi năm, nhu cầu ngày càng đòi hỏi cao hơn nên các nhà kinh doanh dịch vụ đang nỗ lực tìm kiếm cái mới. Cạnh hình thức lễ cưới cổ truyền có phong cách lễ cưới theo kiểu châu Âu mở màn bằng nhạc cổ điển, múa ba lê, cảnh tuyết rơi… kết hợp với đèn follow. Tham gia vào lễ cưới, ngoài MC, ban nhạc còn có những chương trình văn nghệ có thời trang, tấu hài, múa, xiếc, ảo thuật… Mới đây nhất, đám cưới của một đôi vợ chồng làm trong ngành PR được nhà tổ chức tư vấn như một chương trình mà bạn bè gọi là "lễ ra mắt thương hiệu mới".
Dịch vụ chụp ảnh với đủ phong cách Âu-Á nay được nâng thêm nữa với kỹ thuật số, tạo nên những kiểu ảnh "bay bổng hơn". Ngay cả những cô dâu, chú rể không quen "diễn" trước ống kính cũng có được các ảnh đẹp không kém người mẫu.
Ở các nhà hàng, từ 1 máy quay phim và truyền hình trực tiếp tiệc cưới lên màn hình, chụp ảnh cập nhật vào trang web… bắt đầu có những đám cưới được ghi hình với 4 máy ở 4 góc, có đạo diễn dàn dựng hình ảnh.
Cạnh những đám cưới đãi cả trăm bàn, rình rang đông đúc đã bắt đầu xuất hiện những tiệc với số khách mời chỉ 50-70 người. Chị Mỹ Hoa đang chuẩn bị đám cưới vào tháng 11 này đã đặt tiệc 5 bàn ở nhà hàng 5 sao với giá 250 USD/bàn. Trong khi đó chị Trương Thảo, ngụ ở quận 3 đã chọn kiểu tổ chức khá lạ: sau khi đăng ký kết hôn mời cha mẹ và người bạn thân cùng đi du lịch nước ngoài. Tại Thái Lan, vợ chồng Thảo đã tổ chức bữa "tiệc cưới" đơn giản nhưng lại rất vui vẻ.