Có người vợ than rằng, đối với chồng chị là một dạng oshin cao cấp. Nghĩa là ngoài chuyện phục vụ nhu cầu ăn, mặc, pha trà, ủi quần áo, đi tiếp khách, lo toan chuyện gia đình chồng, chị còn là một “người phục vụ” đúng nghĩa trong chuyện chăn gối. Vậy mà anh chồng vẫn chưa thoả mãn, anh ta đi cặp bồ và bỏ rơi chị.
Có người vợ hễ gặp ai cũng nhờ tư vấn xem cách chiều chồng như thế nào để anh ấy khỏi chê là “sống khô như ngói”, “không tâm lý”. Chị kể rằng, tính chị vốn trầm, không thể nói những lời nũng nịu, không biết “lấy lòng” anh ấy bằng những cử chỉ lãng mạn. Nhưng mọi việc trong gia đình lớn bé đều một tay chị quán xuyến, chu toàn. Thế mà anh ấy thường xuyên chê chị, thậm chí là chế giễu trước mặt nhiều người.
Người đàn ông luôn có nhu cầu được chiều chuộng. Có người không nhận được sự yêu chiều của vợ đã trách cứ, ghẻ lạnh, so sánh, làm tổn thương vợ. Nhưng nếu được vợ chiều quá, họ dễ nhiễm bệnh gia trưởng, chỉ thích hưởng thụ, không quan tâm đến đời sống tâm lý của vợ mình.
Sự chiều chuộng nhìn ở phạm vi hẹp là những chăm sóc ân cần mà bất kì ai cũng muốn: Một chiếc áo là phẳng phiu gấp gọn gàng trong tủ; một bát canh cua trong bữa cơm chiều do tay vợ nấu; một cái nhìn ân cần, một lời hỏi thăm âu yếm, những cử chỉ dịu dàng. Do đó, các bà vợ đừng nghĩ sự chiều chuộng là sự đáp ứng một cách thái quá, mà hãy hiểu đơn giải đó là sự quan tâm, lo lắng, chăm sóc. Nó phải được người chồng hiểu, trân trọng và đáp lại, bởi quy luật của tạo hoá phụ nữ mới là người cần được nâng niu, yêu chiều hơn.
Chiều chồng vốn là nghệ thuật của phái đẹp để gìn giữ hạnh phúc gia đình, nhưng nếu chiều chồng một cách vô điều kiện, mù quáng sẽ biến người chồng của mình thành kẻ ích kỷ. Khi ấy, người phụ nữ sẽ biến mình thành “nô bộc” không có tiếng nói trong gia đình và đánh mất sự tôn trọng của chồng.
(Theo Gia Đình Xã Hội)