Từ phòng tranh, shop mỹ phẩm, đến các cửa hiệu thời trang... khách hàng cũng đang dần quen với cách mua... miễn trả giá. Nhưng, liệu việc mua hàng mà "không trả giá" như thế, khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm?
Có người khuyên, muốn không bị lầm, phải tham khảo giá cả nhiều nơi trước khi mua. Một khi đã xác định giá trị của sản phẩm thì dù cho người ta bán thế nào thì bạn cũng có thể mua giá đúng của nó.
Nhiều khách hàng đã đặt niềm tin vào các cửa hàng "bán đúng giá". Đến đây, họ chỉ chọn và trả tiền mà không hề mặc cả. Tại một cửa hàng giường, đồ gỗ kinh doanh theo "luật" "bán đúng giá" trên đường Ngô Gia Tự, quận 5, TP HCM, khách hàng sau khi xem tới xem lui một chiếc tủ thì "OK" "tiền trao cháo múc", không hề phân vân đắt rẻ thế nào.
Cậu bán hàng quay sang nói:" Ở đây tôi bán đúng giá, uy tín nên toàn khách quen. Anh chị đừng sợ lầm...". Tuy nhiên, khi đến một cửa hàng khác gần đó thì chiếc tủ đúng y như thế lại được bán với giá rẻ hơn gần 1/3.
Trong các mặt hàng dành cho phụ nữ thì mỹ phẩm được xem là khó xác định giá cả nhất. Hơn nữa, cũng ít ai mặc cả với từng thỏi son, hộp phấn. Nắm được tâm lý này, nhiều nơi ra quy định "bán đúng giá" để khách hàng yên tâm. Tuy nhiên, đây lại là "chiếc bẫy" khá ngọt ngào.
Một chai phấn nền hiệu DeBon có giá chính thức là 135.000 đồng nhưng lại được "bán đúng giá" là 175.000 đồng tại một hàng mỹ phẩm trước chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP HCM. Ngoài quy định "bán đúng giá" nhiều cửa hàng còn "khuyến mãi" thêm một số các chiêu khác để khách hàng mua... đúng giá.
Chẳng hạn, khi khách mặc cả, người bán hàng sẽ nói..."giá này là chủ quy định, tụi em là nhân viên, bớt cho chị một đồng là bọn em phải bù một đồng..." hoặc "Tụi em bán cái nào là phải cắt phiếu cái đó để chủ kiểm tra nên có muốn cũng không bớt đựơc cho chị...".Và như thế, với khách hàng không thường xuyên mua sắm thì việc "tự nguyện sập bẫy" là điều hẳn nhiên.
Không ít những trường hợp như thế tại các cửa hàng thời trang trên đường Lê Văn Sĩ và CMT8. Tâm lý của những phụ nữ suốt một tuần "còng lưng" ở công sở là rất ngại lặn lội đi chợ, hoặc vào các trung tâm mua sắm lớn, đơn giản là vì họ không có thời gian, hơn nữa họ cũng không quen mặc cả tới lui cho thêm "mất lòng". Nên một hai ngày nghỉ cuối tuần đối với họ quý giá vô cùng, đựơc chút thời gian là họ cứ "chui" đại vào một shop nào đó, gặp shop "bán đúng giá" lại càng hay, bởi dù sao họ cũng vững tâm hơn.
Thế là các shop thời trang như quần áo, giày dép... cứ thế ném cái "giá đúng ấy lên thật cao, một chiếc quần jean "Made in VietNam" nếu ở shop này có "giá đúng" là 150.000 đồng thì một chiếc "sinh đôi" của nó ở shop cạnh bên chỉ niêm yết 115.000đồng. Nếu cứ tin vào các cô bán hàng thì chỉ còn biết ngậm ngùi đau.
Khi bước vào một cửa hàng có quy định "bán đúng giá", người mua sẽ yên tâm hơn. Và tất nhiên, quy định này cũng khiến khách hàng ngại mặc cả. Nhưng, ngoài những cửa hàng, thương hiệu có uy tín thì dường như chuyện "bán đúng giá" gần đây chẳng có tác dụng đối với người mua nữa.
Sau cái lắc đầu quầy quậy và câu nói chắc nịch của cô gái bán hàng: "Ở đây chị bán đúng giá em ơi, một đồng cũng không bớt", cô bé cầm chiếc áo thun có giá 170.000 đồng trong tay vẫn "bình thản" trả... từng đồng: "một trăm.... trăm mốt... trăm hai?".
Thôi kệ, bán lỗ cho cưng đó trăm ba. Uy tín của những chiếc bảng "bán đúng giá" giảm dần, và cứ thế người bán đúng giá thì cứ đề giá thật cao, phòng khi mặc cả, còn người mua thì cứ "kỳ kèo, bớt một thêm hai"!
Một cô chủ cửa hàng mắt kính trên đường Cộng Hoà, phường 4, quận Tân Bình thưởng cho khách một cú liếc sắc như... lưỡi lam chỉ vì cái tội "không biết xài đồ xịn" kèm theo câu nói rất chát tai: "Em hổng biết mắt kính này xịn hay dỏm hả? Ở đây bán giá quy định. Chỉ có hàng chợ mới có giá đó...". Nhưng đến khi khách dắt xe đi thì chị gọi giật ngược:"Lấy đi em ơi, bán lỗ cho em đó!"...
Theo Mỹ Thuật, có người khuyên, muốn không bị lầm, phải tham khảo giá cả nhiều nơi trước khi đi mua. Một khi đã xác định được giá trị của sản phẩm thì cho dù người ta bán như thế nào bạn vẫn có thể mua đúng giá của nó.