Cá nục Đài Loan bán lẻ tại quầy cá chợ Bến Thành, TP HCM. |
Khoảng 2 năm nay, người dân TP HCM dễ dàng tìm mua nhiều mặt hàng thực phẩm ngoại, từ rau củ, trái cây đến thịt cá, hải sản. Chúng được tập kết về các chợ đầu mối, rải khắp các chợ lớn, nhỏ và len lỏi đến hang cùng ngõ hẻm.
Từ khi nghêu, sò, ốc “lên đời” đặc sản, hàng ngoại cũng len lỏi chen chân trong bảng thực đơn của các quán nhậu. Hết nghêu, ốc Campuchia nay đến ốc len Thái Lan. Tạt vào một quán ốc trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, gọi món ốc len xào dừa quen thuộc. Mới ăn được 2 con, cô khách hàng nhăn mặt: “Sao đắng thế!”. Bà chủ quán ngồi gần bên quay lại xởi lởi: “Ốc Thái đó! Ai ăn cũng khen ngon, chắc tại lưỡi em nhạy quá đó thôi”. Theo bà, khách nếu không sành ăn thì khó phát hiện, phân biệt ốc len Thái và ta. Thực ra, ốc len Thái chẳng hề ngon, có điều nó rẻ hơn ốc ta đến 5.000 đồng/kg.
Tại chợ Bình Điền, mỗi ngày có khoảng 32 tấn nghêu, sò, ốc... về chợ. Theo các tiểu thương, ốc len Thái chiếm số lượng đáng kể, về bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Ốc len Thái được các tiểu thương kêu hàng rồi mối chở tới tận nơi. Chỉ biết xe biển số miền Tây chở tới...
Giá đường trong nước đứng ở mức cao tạo điều kiện cho đường Thái Lan, Trung Quốc (TQ), Malaysia tràn qua biên giới về TP HCM. Theo một số tiểu thương chợ Trần Chánh Chiếu, đường ngoại hiện chiếm khoảng 10% tổng lượng đường về chợ. Có điều lạ là, nhiều loại rau củ, trái cây ngoại, chủ yếu của TQ, trên thị trường mắc hơn hàng nội đến 1.000-2.000 đồng/kg nhưng vẫn bán chạy ào ào. Chị Miền, tiểu thương bán rau củ ở chợ Nhị Thiên Đường, quận 8, nói: “Rau củ mà, khách đâu cần phân biệt nội hay ngoại, chỉ cần ngon, bắt mắt là bán được”. Mỗi đêm, tại các chợ đầu mối có đến hàng chục tấn rau củ, trái cây TQ đổ về và được phân phối đi khắp các chợ lớn, nhỏ ở nội, ngoại thành. Người bán còn “ca” hàng ngoại để bán được giá. Đủ thứ trái cây, rau củ TQ còn theo những chiếc xe ba bánh chở hàng bán dạo len lỏi vào những khu dân cư, xóm lao động nghèo. Những loại rau củ, trái cây này bóng mẩy, tròn trịa, nhìn bắt mắt hơn hàng nội cùng chủng loại, chẳng trách người tiêu dùng “động lòng”.
Không ồ ạt, công khai tung ra thị trường như ở phía Bắc, trứng gà TQ cũng đã có mặt ở TP HCM. Đầu tháng 4 vừa qua, cơ quan chức năng quận Tân Bình phát hiện tại cửa hàng số 9/5 Nguyễn Phúc Chu trữ 12.000 trứng gà không giấy tờ, nghi ngờ có nguồn gốc từ TQ. Trước đó vài ngày, Chi cục Thú y TP HCM cùng các cơ quan chức năng bắt quả tang tại cửa hàng số 437 Vườn Lài, quận Tân Phú đang trữ, kinh doanh hàng chục nghìn trứng gà TQ còn nguyên đai, nguyên kiện. Mới đây, ngày 11/4, đội Quản lý thị trường quận Bình Tân tịch thu, tiêu hủy 1.794 trứng gà không có nguồn gốc... Theo nhận xét của cơ quan chức năng, không loại trừ khả năng gia cầm nhập lậu từ TQ được giết mổ và trữ đông để tuồn về thị trường phía Nam.
Thịt trâu, bò, heo ngoại, chủ yếu từ Campuchia, cũng đã về tới TP HCM. Mới đây, trong buổi hội thảo về vệ sinh an toàn trong kinh doanh thực phẩm ở các chợ, ông Trương Trung Việt, Phó Giám đốc Sở Thương mại TP HCM, đã báo động việc heo, bò Campuchia qua biên giới Tây Nam về TP.
Hàng ngoại xâm nhập thị trường tiêu thụ nội địa ngày càng nhiều, đa dạng chủng loại hàng hóa. Chúng được người tiêu dùng chấp nhận, chủ yếu do giá rẻ, bao bì đẹp mắt và thêm tâm lý chuộng hàng ngoại. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm và chất lượng cụ thể của từng sản phẩm thì chưa cơ quan nào quản lý. Ngành y tế có chính sách kiểm tra nhưng chỉ áp dụng đối với hàng nhập chính ngạch, còn hàng tiểu ngạch và hàng lậu thì được “cho qua” và tiến thẳng ra thị trường.
Ngay tại TP HCM, “chiếc rốn” cho thực phẩm lậu đổ về, hằng năm Viện Vệ sinh y tế công cộng và Trung tâm Y tế dự phòng cũng tiến hành lấy mẫu kiểm tra định kỳ các loại trái cây, tôm cá, thủy hải sản, thức ăn đường phố... Nhưng giữa “mê hồn trận” hàng hóa nhập lậu, việc này chỉ như muối bỏ bể...
(Theo Người Lao Động)