Mỗi bộ phận trên cơ thể chúng ta đều có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đó là lý do tại sao một bộ phận bị đau hoặc không bình thường, phần còn lại cũng ảnh hưởng khiến bạn thấy khó chịu. Ngay cả khi đó là một bộ phận nhỏ thì cũng có những ảnh hưởng bất lợi đến cả hệ thống, chẳng hạn như răng. Đau răng ngoài việc không thể ăn uống ngon lành, nó còn làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải cả ngày.
Chelle Ebron Trance, một bà mẹ người Philippines, đã chia sẻ một câu chuyện khác liên quan đến sức khỏe răng miệng của con trai cô. Câu chuyện đã nhanh chóng được truyền đi trên mạng xã hội.
Một chiếc răng cửa trên đã bị mọc ngược và đâm vào phần trong của môi, tạo thành một lỗ hổng, nhưng ban đầu Chelle chỉ nghĩ rằng con trai bị đau miệng. Sau khi kiểm tra, cô đã vội vã đưa con đi gặp bác sĩ để nhổ chiếc răng "vô kỷ luật". Chelle quyết định chia sẻ câu chuyện của mình để các bậc cha mẹ có thêm kinh nghiệm giúp con chăm sóc hàm răng.
Tiến sĩ, bác sĩ Deneb Grace Pelaez của Trung tâm Nha khoa D Square nói rằng những gì xảy ra với cậu bé là một tình trạng hiếm gặp. Nhưng việc răng mọc lệch có thể xảy ra với bất kỳ ai. "Có trường hợp răng vĩnh viễn mọc ra khi chân răng sữa không tiêu khiến răng bị mọc sai cách", bác sĩ cho biết.
Nếu trường hợp xảy ra với em bé của bạn, tiến sĩ Pelaez khuyên bạn nên đưa con đến gặp nha sĩ giống như những gì Chelle đã làm. Tiến sĩ cũng nhấn mạnh nhiều lần tầm quan trọng của việc khám răng định kỳ ngay khi còn nhỏ. "Ngay từ lúc trẻ 1 tuổi, bạn đã có thể đưa trẻ đến nha sĩ để được chăm sóc răng và các bộ phận trong khoang miệng", bác sĩ khuyên.
Thời gian mọc răng vĩnh viễn và thay răng sữa:
Đến thời kỳ thay răng, chân răng sữa sẽ tiêu, răng sữa lung lay và rụng để răng vĩnh viễn mọc lên. Răng nào mọc trước sẽ thay trước. Nếu rặng không tự rụng nên đưa trẻ tới bác sĩ nha khoa khám và nhổ.
- 5-7 tuổi các răng cửa giữa vĩnh viễn mọc, thay các răng cửa giữa sữa. Thời gian này trẻ cũng mọc các răng hàm (cối lớn) thứ nhất sau răng hàm sữa thứ hai (lưu ý đây là răng vĩnh viễn, không thay).
- 7-8 tuổi các răng cửa bên vĩnh viễn mọc, thay các răng cửa bên sữa.
- 9-10 tuổi các răng tiền hàm (cối nhỏ) thứ nhất mọc, thay các răng hàm sữa thứ nhất.
- 10-11 tuổi thay các răng nanh sữa.
- 11-12 tuổi các răng tiền hàm (cối nhỏ) thứ hai mọc, thay các răng hàm sữa thứ hai.