Gương mặt vuông cạnh cứ ngơ ngác nhìn chúi xuống dưới vành móng ngựa. Bộ dạng tuyệt vọng, ông ta không có một lời chối bỏ hành vi phạm tội của mình. Nạn nhân, bà S., là một người đàn bà nhỏ con, cả hai cùng thuê phòng trọ cạnh nhau ở khu kênh Hiệp Tân, quận Tân Bình.
“Tháng nào bị cáo đóng tiền hụi cũng đầy đủ hết trọi. Dành dụm cả năm trời cực khổ, đến chừng hốt hụi bả khất lần khất lữa, lấy hết lý do này đến lý do khác để không trả tiền cho bị cáo. Hết thảy tiền hốt hụi được 6 triệu đồng, bả mới đưa 1,5 triệu rồi hứa...
Rồi tới bữa đó bả tới nhà, ngồi bệt xuống ngạch cửa, gắt gỏng nói có mấy triệu bạc chứ nhiêu mà làm gì dữ vậy. Người ta thiếu bả mấy chục triệu bả có nói gì đâu. Bị cáo nói ai thiếu kệ họ, còn bà thiếu tiền tui thì phải trả cho tui. Nói qua nói lại, bả lên giọng thách: tui còn cái mạng không hà, ông muốn đâm chém thì đâm...
Tới đây, bị cáo chịu hết nổi. Sẵn có cây kéo trên tủ (cái kéo mà hằng ngày vợ chồng bị cáo dùng để cắt thịt nấu súp cua bán) bị cáo chụp lấy, ôm quặp bả lại và đâm... Khi thấy bả mềm nhũn người trong tay bị cáo rồi ngã ạch xuống nền nhà bất tỉnh, máu tuôn ra, bị cáo mới chợt tỉnh người. Hàng xóm xung quanh đưa bả đi cấp cứu. Bị cáo sợ quá tới công an trình báo...”.
Chủ tọa: “Trong hồ sơ nạn nhân khai “tui nói với ông Bàng tui chưa bán được đất chưa có tiền trả”. Tại sao phải đợi bán đất mới trả tiền cho người ta trong khi người ta đã đóng đủ tiền hụi cho bà rồi?”. Bà S. tỉnh rụi: “Tui về quê lấy bằng khoán đất để cầm nhưng nhỏ em cầm trước rồi. Có 3 triệu chứ đâu có nhiều”.
Chủ tọa: “Bà nói vậy sao được, người ta thiếu thốn mới chơi hụi để có được một cọc tiền kha khá thì bà xé lẻ đi và còn không chịu trả đủ”. “Có mấy triệu chứ nhiêu!”. Bà S. cứ lặp đi lặp lại như vậy mỗi khi chủ tọa hỏi dồn.
Khi vị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo 12 năm tù, bị cáo chỉ có một lời bào chữa ngắn ngủn: “Bị cáo thấy có phần oan, vì nếu bà S. trả tiền đàng hoàng cho bị cáo thì bị cáo đâu có xử sự như vầy”.
Vị chủ tọa giải thích: “Bị cáo không oan vì chính bị cáo cũng thừa nhận dùng kéo đâm vào đầu nạn nhân. Nhưng có thể bị cáo nói rằng mức án vậy là nặng và xin giảm nhẹ thì được”. Bị cáo im lặng, gật nhẹ, khuôn mặt ngơ ngác buồn...
Giờ nghị án, một người phụ nữ lúi húi nói nhỏ với anh công an áp giải xin gặp bị cáo. Bị từ chối, bà luống cuống đưa mắt nhìn vào túi nilon, rồi năn nỉ anh công an đưa giúp bị cáo một gói thuốc. Lại bị từ chối. Đó là người vợ của bị cáo... Vợ chồng bà sống bằng nghề chăn vịt trong một xóm nhỏ tuốt trong miệt Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.
Hồi đó, họ có bầy vịt hai ba trăm con. Đợt dịch cúm gia cầm đầu tiên, đứt sạch vốn và nợ chất chồng. Hai vợ chồng dắt díu nhau lên thành phố buôn bán kiếm một số tiền trả nợ. Hằng ngày, sáng sớm vợ đi chợ nấu hai nồi súp cua. Đến trưa, hai vợ chồng mỗi người một xe đẩy đi bán đến tối.
Chồng bán tại khu vực chợ Cây Da Sà (ở quận 6), vợ đẩy dọc phường Hiệp Tân (Tân Bình) bán quanh các con hẻm và trường học. Mỗi ngày miệt mài đi rát mặt bụi đường, mỏi lê đôi chân như vậy, đắt thì lời được 30.000-40.000 đồng, ế coi như huề vốn và súp thừa biến thành bữa cơm tối trong ngày.
Chuông reo, người vợ tất tả chạy vào phòng xử án. Quan tòa đứng dậy, bản án được đưa ra: “Chính vì phía bị hại đã có những ứng xử coi thường công sức lao động của bị cáo, trong khi đây là số tiền có được bằng chính sức lao động, mồ hôi nước mắt của gia đình bị cáo. Vậy nên xem xét cùng nhiều tình tiết giảm nhẹ về nhân thân khác, nên cần thiết cho bị cáo hưởng một mức án nhẹ cũng thỏa đáng”.
Kết thúc. Bảy năm tù và 20 triệu tiền bồi thường thiệt hại. Bị cáo không nói câu nào. Người vợ và cô con gái tật nguyền chạy nhóng ra phía trước nhìn theo chồng, cha của mình.
(Theo Tuổi Trẻ)