NSND Chí Trung bắt đầu xây kênh Tiktok vài tháng gần đây. Anh thường xuyên đăng tải những khoảnh khắc đời thường sau khi nghỉ hưu như gặp gỡ bạn bè, ăn uống, du lịch. Một trong những đam mê của nghệ sĩ gốc Hà Nội là thưởng thức các món ngon đặc sản. "Ẩm thực Việt Nam có nhiều món ăn ngon. Vì ngon nên sáng nào cũng vò đầu bứt tai xem nên ăn gì, ở đâu, ăn với ai. Bây giờ nghỉ hưu rồi nên mỗi sáng tôi đều ăn uống thanh đạm", anh nói.
"Táo giao thông" khá rành các địa chỉ ăn ngon trong khu trung tâm. Chí Trung có một hàng phở quen trên phố Hòa Mã chuyên phở gà. Mỗi khi tới quán, anh đều chào hỏi thân thiết với chủ quán. Nhân viên cũng quen khẩu vị của nghệ sĩ nên luôn được phục vụ một bát phở "thửa riêng" theo yêu cầu "ít bánh và có phao câu". Đây là cơ sở hai của quán phở nổi tiếng trên phố Quán Thánh, tọa lạc ở số 64 Hòa Mã. Quán phở bình dân, bán từ sáng tới đêm, khá đông khách, chủ yếu là khách quen.
"Tôi thích quán phở này vì sử dụng gà ta, nước dùng ngon, không có mì chính vì tôi không ăn được gia vị này. Tôi cũng luôn gọi phao câu mỗi khi ăn phở gà", anh nói. Giá bát phở của Chí Trung là 35.000 đồng, theo anh là rất phải chăng, hợp lý, nhất là với khu trung tâm.
Phở 156 được yêu thích bởi nước dùng thơm nóng hổi thanh và trong, vị ngọt đậm đà nhờ ninh từ xương gà, phần gà là nguyên liệu gà ta ngon, dai vừa với lớp da bóng và giòn. Bánh phở mềm mềm nhưng vẫn có độ dai tự nhiên hòa cùng vị thanh ngọt của nước dùng. "Táo giao thông" còn rất mê phần quẩy giòn nóng hổi, đã phải "xí phần" mấy chiếc khi vừa vào quán.
Rời quán phở, Chí Trung ghé mua cốm làng Vòng dọc đường trước khi ghé quán cà phê. Anh mua với giá 50.000 đồng cho hai lạng cốm ở phố Lý Quốc Sư, gần Nhà thờ Lớn. Đây cũng là địa chỉ quy tụ nhiều gánh cốm và xôi cốm bậc nhất ở Hà Nội, thu hút du khách tới mua ăn thử và chụp ảnh check in.
Nhắc tới mùa thu Hà Nội là phải nói tới vị ngọt thơm của cốm non. Ở Hà Nội, làng Vòng được xem là quê hương của món cốm lâu đời. Thức quà dân dã này được làm từ lúa non gặt sớm, trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ. Để có được cốm ngon, quan trọng nhất là khâu rang cốm, hạt lúa mỏng manh nếu rang không khéo sẽ rất dễ cháy, quá lửa thì mất mùi, nếu lửa chưa tới thì cốm bị dính, không ra được chất tinh túy. Cốm rang dẻo dẻo, ngòn ngọt như sữa, gói bên trong là lớp lá dong, bên ngoài là lá sen, quyện hương thơm thoang thoảng, quấn ngoài cùng là cọng rơm nếp.
"Cốm ngon, dẻo thơm, tươi, gói trong trong lá xanh, là sự kết hợp hoàn hảo của tinh hoa đất trời. Hà Nội có nhiều thứ lưu luyến lắm. Tôi rất thích mùa thu Hà Nội", anh nói. Chí Trung chọn một quán cóc vỉa hè Nhà thờ Lớn, gọi một ly đen đá ít đường, ăn kèm với cốm - combo ẩm thực "thần thánh" của du khách khi tới Hà Nội.