Khi bắt đầu có ý tưởng về đám cưới, đa số các đôi bạn trẻ cảm thấy hoang mang, không biết chuẩn bị từ đâu vì cho rằng các việc cần làm cho đám cưới quá nhiều và họ giống như đang lạc vào "mê hồn trận" với đủ công việc lớn nhỏ. Với mỗi cô dâu chú rể tương lai, quá trình chuẩn bị cho đám cưới lại khác nhau, tùy vào thời gian, ngân sách hay cách suy nghĩ của mỗi người.
Trước khi chuẩn bị cho hôn lễ, các đôi uyên ương nên bàn bạc mọi chuyện với gia đình, bởi lẽ đám cưới ở Việt Nam không chỉ dành riêng đôi trẻ mà còn cần sự ủng hộ của gia đình. Điều này khá quan trọng, bởi không ít đôi uyên ương đã không đi tới được con đường hạnh phúc chỉ vì sự phản đối của phụ huynh.
Các đôi uyên ương trẻ nên bày tỏ ý tưởng về đám cưới trong tương lai gần và ngỏ lời nhờ cha mẹ chọn ngày ăn hỏi, ngày cưới. Vì hầu hết các bậc phụ huynh đều coi trọng việc chọn ngày, sao cho hợp với tuổi của con cái và vào thời điểm đẹp nhất trong năm. Khi có ngày giờ cụ thể và được gia đình ủng hộ, lúc này các đôi uyên ương trẻ mới tiếp tục vạch ra kế hoạch chi tiết tùy theo thời gian chuẩn bị.
Theo chị Như Cầm, một wedding planner tại TP HCM, sau khi được cha mẹ ủng hộ, cô dâu chú rể cần có có ngân sách thực tế để dành cho đám cưới. Bạn phải biết rõ và lên kế hoạch thật chi tiết cho việc này. Theo chị Cầm, các đôi uyên ương thường phải dành khoảng 50% ngân sách cho buổi tiệc, 40% tiếp theo cho những hạng mục khác như hoa cưới, chụp ảnh, trang phục, bánh cưới, các chi tiết trang trí trong đám cưới. Và 10% cuối cùng còn lại sẽ là phần của: thiệp mời, sổ lưu niệm ký tên hay quà tặng hoặc các chi phí phát sinh khác.
Chị Như Cầm cũng khuyên các cô dâu chú rể tương lai nên chuẩn bị tâm lý thật tốt và có kế hoạch rõ ràng cho những việc mình cần làm. Vì khi mọi thứ rõ ràng, cụ thể sẽ giúp bạn hoàn thành tốt nhất và không bị rối tung bởi "mê cung" các công việc lớn nhỏ. Việc lập kế hoạch nên thực hiện ra giấy, cô dâu và chú rể nên ngồi lại, bàn bạc về mọi chuyện để ghi ra giấy tất cả những gì mình nghĩ tới cho ngày cưới.
Sau khi đã có định hướng chung, sơ lược nhất về các công việc cần làm cho ngày cưới, cô dâu chú rể mới nên tìm dịch vụ cụ thể. Tiêu chí chuẩn bị sẽ là ưu tiên trước hết cho các công việc lớn không thể thiếu, còn những việc nhỏ hơn sẽ được giải quyết sau.
Theo thứ tự quan trọng, các đôi uyên ương nên tìm nhà hàng, chọn thực đơn, sau đó mới chọn váy cưới, chụp ảnh cưới, mua nhẫn, in thiệp và lên ý tưởng trang trí cho gia đình cũng như nhà hàng nơi đãi tiệc, kịch bản chương trình đám cưới. Tới gần lễ ăn hỏi, hai gia đình nên bàn bạc và tìm nơi đặt mâm tráp. Tùy theo phong tục từng miền, số lượng và các loại lễ vật thường tùy thuộc vào yêu cầu của nhà cô dâu. Với đám cưới truyền thống, hai nhà cần lo đủ ba nghi lễ là dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu.Kế hoạch tiếp theo, cô dâu chú rể nên tìm tới các dịch vụ khác cho ngày cưới như chụp ảnh cưới, in album, đặt thiệp và đặt lễ vật cho lễ ăn hỏi cũng như lễ đón dâu truyền thống.
Cuối cùng, có một việc nhiều người thường quên không lo nghĩ tới, đó là kỳ nghỉ tuần trăng mật. Vì quá bận rộn lo cho ngày cưới cũng như cảm thấy ngân sách không đủ, nhiều bạn trẻ suy nghĩ hủy bỏ tuần trăng mật. Nhưng đó là điều không nên và sau hôn lễ, nhiều cô dâu mới cảm thấy tiếc nuối khi không được hưởng tuần trăng mật.
Thực tế, tuần trăng mật sẽ không quá tốn kém nếu bạn biết cách thu hẹp ngày nghỉ và chọn địa điểm hợp lý. Các cô dâu chú rể có ngân sách dư dả thường đi nghỉ cả tuần, chọn đi nước ngoài nhưng đôi uyên ương muốn tiết kiệm vẫn có thể chọn kỳ nghỉ ngắn ngày, ở những địa điểm du lịch gần nơi sinh sống, không quá đắt đỏ mà vẫn thoải mái.
Sau kỳ nghỉ ngọt ngào, hai người sẽ bước vào cuộc sống chung. Nhưng cô dâu chú rể không nên đợi tới khi đi trăng mật về mới nghĩ đến nơi ở mà cần quyết định sớm trước khi hôn lễ diễn ra.
Trong thực tế, nhà ở luôn là vấn đề gây khó khăn cho nhiều cặp đôi. Vì nhiều bạn trẻ làm việc tại thành phố lớn nhưng chưa có nhà riêng, thì khi cưới sẽ phải thuê nhà để ổn định cuộc sống. Theo khảo sát của báo Ngoisao.net trên 35 cặp đôi đang thuê nhà tại các quận nội thành Hà Nội, giá nhà thuê trung bình từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng mỗi tháng cho một cặp vợ chồng. Nếu muốn thuê nhà giá rẻ, trên dưới 2 triệu đồng, các cô dâu chú rể nên tìm những nơi có nhiều phòng trọ, nhiều căn nhà cho thuê, như vậy giá sẽ giảm so với trên các phố lớn, phố trung tâm thành phố.
Với những đôi bạn trẻ sống cùng cha mẹ thì nơi ở sau đám cưới sẽ gây khó khăn kiểu khác. Cô dâu Thanh Mai (TP HCM) chia sẻ, cô lấy chồng là con trai một trong nhà, nên sau khi cưới gia đình nhà chồng tương lai muốn hai người ở chung với cha mẹ, nhưng Mai lại không hợp tính mẹ chồng nên cô lo lắng cuộc sống sau này sẽ xảy ra nhiều tranh cãi. Nếu cũng ở trường hợp như Mai, các cô dâu trẻ nên bàn bạc cùng người bạn đời và cân nhắc kỹ về nơi ở. Các bạn trẻ có điều kiện và mức lương ổn định có thể mua nhà ngay gần nhà bố mẹ chồng để vừa tiện bề chăm sóc các bậc thân sinh, vừa có đủ sự riêng tư cần thiết.
Thực tế, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đám cưới cũng như thêm hay bớt công việc chuẩn bị sẽ tùy điều kiện từng người cũng như tùy phong cách riêng của từng đám cưới. Sau khi có danh sách những công việc quan trọng không thể thiếu cho hôn lễ, chắc hẳn cô dâu chú rể tương lai đã có thể yên tâm "gỡ" từng nút rối từ lớn tới nhỏ, để chuẩn bị tốt nhất cho ngày trọng đại.
Linh Linh