![]() |
Những sinh viên đang du học tại Pháp. |
Liên hiệp Tư vấn du học Việt Nam (VIECA) gồm 15 công ty tư vấn là nơi đưa được khá nhiều học sinh (HS), sinh viên (SV) đi du học. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% số người đến trung tâm xin tư vấn là có thể đi được. Lý giải nguyên nhân, bà Lù Thị Hồng Nhâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn du học Đức Anh, một thành viên của VIECA cho Thanh Niên biết: "Trước đây khó khăn nhất trong việc đưa HS đi du học là vấn đề tài chính nhưng hiện nay vướng mắc lớn nhất lại là năng lực HS".
Ông Vũ Xuân Thăng - Phó văn phòng Tư vấn du học AIT, Phó tổng thư ký VIECA cho biết: "Có nhiều người đến văn phòng cứ nghĩ rằng chỉ cần bỏ tiền ra học là có thể có được tấm bằng, nhưng chúng tôi đã phải tư vấn để họ ý thức được rằng không phải chỉ mất tiền là có thể thành đạt. Bởi có nhiều HS, sau khi đã sang nước ngoài học tiếng lại phải quay về do không đủ năng lực".
Việc tuyển chọn của các nước ngày một khắt khe hơn. Ví dụ: trước đây Đại sứ quán Pháp chỉ yêu cầu HS, SV có điểm trung bình từ 5,0 trở lên, sau đó là 6,5 và bây giờ phải là 7,0 và một số các điều kiện khác như trình độ tiếng Pháp phải tốt, HS phải cứng cáp, vững vàng...
Đại sứ quán Anh còn nhấn mạnh: HS, SV có thể yếu về mặt tài chính nhưng phải vững vàng và có năng lực thực sự. Bà Nhâm cũng cho biết: "Yếu kém khó vượt qua của HS, SV Việt Nam là khả năng hiểu biết xã hội và sự tự tin. Khi tham gia dự tuyển, HS chỉ hiểu biết rất phiến diện, thường các em chỉ hiểu ở phạm vi rất hẹp là những gì trong trường mà không có khả năng làm được những bài có tầm tổng quát. Do đó khả năng trúng tuyển rất thấp". Thế nhưng có nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con đi du học lại chỉ quan tâm đến khả năng tài chính nên đã mất tiền vô ích.
Một thực tế diễn ra ở rất nhiều trung tâm tư vấn du học là có nhiều HS thi trượt đại học trong nước nhưng vẫn được các trung tâm giới thiệu đi du học. Lý giải điều này, bà Lê Thị Yên Bình, Phó tổng thư ký VIECA, Giám đốc Trung tâm ICED cho biết: "Hệ thống giáo dục của các nước mở rộng đầu vào và thắt chặt đầu ra. Do đó có nhiều HS có kết quả học phổ thông không tốt, thậm chí thi trượt đại học trong nước nhưng vẫn có thể đi du học".
Tuy nhiên, đây là những trường hợp do chưa ý thức được rõ ràng việc học hành ở bậc phổ thông nên chưa đạt kết quả tốt. Nhưng sau khi sang nước bạn, các em biết nỗ lực, chăm chỉ học tập thì lại đạt kết quả rất cao. Ngược lại, có những HS, SV khi ở Việt Nam đạt kết quả trên 7,0 nhưng khi đi học ở nước ngoài lại rất kém. Có thể nói, kết quả học tập phụ thuộc rất lớn vào ý thức của các em.
Đại diện các trung tâm tư vấn du học cũng cho biết, với những trường hợp trượt đại học mà có nhu cầu đi du học phải tìm hiểu kỹ xem nguyên nhân trượt vì sao. Nếu HS đó thông minh, đạo đức tốt thì có thể tư vấn đến một nơi ít HS Việt Nam để em đó tập trung vào việc học tập. Thực tế, có nhiều em đã trưởng thành.
Tuy nhiên, ông Vũ Xuân Thăng cũng thừa nhận: "Có nhiều gia đình khá giả, do không quan tâm đến giáo dục con cái, khi hư hỏng lại đưa đi du học như một giải pháp. Đó là một suy nghĩ sai lầm. Những trường hợp này, nếu đi du học thì chỉ biến thành một chuyến đi du lịch dài ngày và tốn tiền mà thôi".