- Anh sẽ mang những mẫu sưu tập nào để giới thiệu trong chuyến đi này?
- Phần trình diễn của tôi có 2 phần là trang phục truyền thống và áo dài. Trong phần trang phục truyền thống, tôi sẽ giới thiệu 24 bộ trang phục dân tộc tiểu số. Ban đầu dự định sẽ mang đi 54 bộ, nhưng gặp khó khăn về vấn đề người mẫu. Hơn nữa, đồ dân tộc khó mặc và rất phức tạp, không như áo dài, thời gian trình diễn lại có hạn.
Phần trang phục áo dài, tôi sẽ giới thiệu áo dài xưa và nay. Trong áo dài xưa thì tôi giới thiệu áo Hoàng tộc - kiểu áo dài của Huế dành cho quý tộc, hoàng tộc mặc trong ngày thường. Tôi không thể lấy áo dài của vua, hay hoàng hậu ra diễn được, nhưng sẽ thực hiện ở mức độ tốt nhất việc ăn mặc của các vị vua chúa trong ngày thường. Trong phần giới thiệu áo dài nay, tôi sẽ chọn 16 mẫu sưu tập đẹp nhất.
Đặt biệt ngày 7/10 tới, một nhà thiết kế Thụy Điển qua đây làm việc với tôi một tuần để thực hiện bộ sưu tập mang phong cách Á - Âu.
![]() |
Sỹ Hoàng (giữa) và các mẫu thiết kế của mình. |
- Chất liệu anh sử dụng cho những bộ sưu tập này là gì?
- Tôi ưu tiên cho chất liệu lụa của Việt Nam. Tháng 2 vừa qua, trong chuyến thăm Việt Nam của Hoàng hậu Thụy Điển mà tôi có vinh dự đón tiếp, hoàng hậu có chọn 2 mẫu áo dài của tôi và tỏ ra rất thích lụa Việt Nam. Tôi nghĩ, đây cũng là dịp để giới thiệu tinh hoa nghề dệt Việt Nam mà chủ yếu là lụa tơ tằm. Mấy ngày tới, tôi sẽ đi Huế để chọn ra những loại lụa đẹp ở Huế, Đà Nẵng và cả lụa Hà Đông, lụa Bảo Lộc để cho bộ sưu tập này.
- Thông thường thì mẫu thiết kế nào làm cho anh đau đầu và mất nhiều thời gian nhất?
- Khi tôi làm ra một mẫu sưu tập mới được mọi người đón nhận thì lập tức tôi có hai cảm giác. Một là hạnh phúc vì sản phẩm của mình được đón nhận, nhưng liền có một áp lực khác đến là kế tiếp mình sẽ làm gì. Cái mình sắp làm có bằng hoặc sẽ vượt qua được cái mình vừa làm hay không. Tôi rất buồn khi những mẫu mới không bằng sự sáng tạo cũ, sợ rằng như thế nghĩa là thời của mình đã qua rồi.
Chính vì ý thức được điều đó, tôi không cho phép mình nghỉ ngơi. Nghĩa là vừa làm xong thì mình phải xóa nó đi, vừa khẳng định thì phải phủ định liền. Cứ mãn nguyện thì sự nghiệp sẽ giậm chân tại chỗ.
- Tại sao anh ít thiết kế cho các ca sĩ?
- Tôi chủ yếu thiết kế cho những nhà ngoại giao, giới nghệ sĩ thì chỉ giới hạn ở những người đứng tuổi, như ca sĩ Cẩm Vân. Tôi cũng tự nhận thấy mình không thể thiết kế những bộ trang phục mang tính ấn tượng hoặc quậy cho boy band, mà chỉ thiết kế những trang phục lịch lãm, sang trọng. Mỹ Tâm khi ra nước ngoài biểu diễn hoặc đi nhận một giải thưởng nào đó thì mới đến nhờ tôi tạo mẫu.
- Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương vừa bị phạt vì chuyện ăn mặc khi biểu diễn, anh nghĩ sao?
- Cái áo không có lỗi gì hết, vấn đề là do người mặc, mặc không đúng chỗ. Cũng cái áo đó nếu hát một bài về biển, sân khấu biển thì mọi người chấp nhận. Nhưng nếu hát trong một không gian nào đó, cho một đối tượng nào đó, mà nội dung bài hát không phù hợp thì sẽ bị lên án. Hát một bài năng động, trẻ trung, trong không gian khoáng đãng mà mặc một bộ đồ Việt Nam rất cổ kính hát thì cũng không hợp. Vấn đề là ở chỗ cái mặc nó thể hiện suy nghĩ bên trong là bài hát gì, đối tượng là ai, diễn ở đâu, nếu họ không ý thức được thì bị phản đối.
- Anh nghĩ sao khi hiện nay một số nhà thiết kế tạo ra những trang phục cầu kỳ chỉ mặc 1-2 lần thôi?
- Những mẫu thiết kế đó đúng ra chỉ phù hợp cho biểu diễn của ca sĩ, người mẫu. Ở đây có 2 vấn đề: nhà thiết kế không được áp đặt ý chí chủ quan của mình vào các mẫu, nhưng người tiêu dùng cũng phải sáng suốt lựa chọn quần áo cho phù hợp với mục tiêu sử dụng, đối tượng mình tiếp xúc và môi trường mình đến. Như vậy, cần có sự cộng hưởng giữa cung và cầu.
Ông bà ta có câu "người đẹp vì lụa" là nói về hình thức bên ngoài, nhưng ngược lại cũng có câu thể hiện cái đẹp bên trong là "chiếc áo không làm lên thầy tu", chiếc áo đẹp không hẳn là trở thành người đẹp trong mắt người khác. Điều này cho thấy các cụ ngày xưa bao giờ cũng dung hòa 2 yếu tố bên trong và bên ngoài, tránh sự cực đoan.
- Cuộc thi siêu mẫu vừa qua anh có nhận xét gì?
- Theo tôi, ngoài việc chọn ra cái đẹp về hình thể thì ban tổ chức cũng phải đánh giá trình độ nhận thức, quan điểm của từng thí sinh về thời trang. Thí sinh nên tự chọn trang phục thi. Đằng này kèm theo mỗi thí sinh là giới thiệu bộ trang phục mới của nhà thiết kế nào đó. Như vậy thí sinh bị áp đặt, không thể hiện được cái đẹp nhất của mình.
- Kế hoạch của anh sau chuyến đi này là gì?
- Sau chuyến đi này, nếu không có gì thay đổi tôi sẽ sang Ấn Độ để tìm hiểu thị trường vải ở đó, nói chung là đi tìm cảm xúc sáng tạo về văn hóa Phương Đông. Sau đó tôi sẽ làm chương trình cho 3.000 khách Nhật qua Việt Nam trong tuần lễ giao lưu văn hóa Việt - Nhật vào tháng 11. Còn tháng 12 thì tôi làm chương trình cho cuộc thi hoa hậu của báo Thế giới phụ nữ.
- Theo anh xu hướng thời trang của giới trẻ Việt Nam sẽ như thế nào?
- Khuynh hướng ăn mặc của người Việt Nam nói chung và đặc biệt là giới trẻ càng ngày càng hướng đến sự thoải mái, nhưng sự thoải mái không có nghĩa là hở hang. Thoải mái về kiểu dáng làm cho họ dễ mặc và dễ cởi. Chất liệu vải làm cho họ không bị nóng, thích hợp với khí hậu nước ta. Nó phải thoải mái trong thời đại mẫu mã thay đổi liên tục. Bên cạnh đó, giá thành phải phù hợp với túi tiền người mua. Họ không nghĩ là sẽ mua bộ đồ để sử dụng 3-4 năm mà chỉ sử dụng vài tháng thôi, cho nên phải đạt yếu tố vừa rẻ, vừa đẹp. Phải dung hòa những yếu tố đó là rất khó, song đó là yêu cầu của giới trẻ.