Chống nắng là một trong những bước quan trọng nhất trong chu trình chăm sóc da. Việc tìm ra một sản phẩm chất lượng, phù hợp với nền da của mỗi người là khá khó khăn. Các chuyên gia cho biết các sản phẩm có hệ số chống nắng cao chưa chắc đã bảo vệ da hiệu quả. Để chọn được sản phẩm phù hợp, chống nắng hiệu quả, trước tiên cần hiểu rõ các chỉ số, ký hiệu trên bao bì các sản phẩm này.
SPF là gì?
Chỉ số đầu tiên và luôn được hiển thị to nhất trên bao bì tất cả dòng kem chống nắng là SPF. Đây là cụm viết tắt của "Sun protection factor", nghĩa là khả năng bảo vệ da khỏi tác hại từ ánh nắng. Tuy nhiên chỉ số SPF cao lại chưa đủ đảm bảo khả năng bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
Năng lượng tự nhiên của mặt trời bao gồm bức xạ tia cực tím hoặc tia cực tím. Tia UV có bước sóng ngắn hơn giới hạn có thể nhìn thấy được bằng mắt, đồng nghĩa với việc mắt có thể không thấy nhưng da bạn vẫn chịu tác động từ chúng.
Hai dạng tia UV đã được chứng minh làm tăng nguy cơ ung thư da là UVA và UVB. Trong đó, bước sóng của UVA dài hơn và có nguy cơ gây lão hóa da. UVB có bước sóng ngắn hơn và sẽ gây bỏng rát, cháy nắng nếu để da tiếp xúc lâu dưới nắng.
Vì bước sóng ngắn hơn, UVB không thâm nhập sâu và tác động tiêu cực đến da nhiều bằng UVA. Song tia cực tím này lại có thể gây đột biến DNA ở các lớp trên cùng của da, là nguyên nhân dẫn đến khối u ác tính và các bệnh ung thư da khác. Tia UVA chủ yếu gây ra những tổn thương lâu dài cho da. Chẳng hạn như các đốm đồi mồi và nếp nhăn, đồng thời cũng được cho là nguyên nhân gây ra một số bệnh ung thư da.
SPF thật ra chỉ thể hiện khả năng chống tia UVB của một sản phẩm chống nắng. Các con số đi kèm phía sau SPF là hệ số nhân cho biết thời gian cần thiết để phát triển một vết cháy nắng trên da. Ví dụ như SPF 15 cho biết da bạn sẽ mất thời gian lâu hơn gấp 15 lần để bị bỏng. Những sản phẩm có chỉ số này có khả năng chặn 93% tia UVB. Tương tự, SPF 30 có thể lọc 97% và SPF 50 chặn đến 98% tia UVB.
Tác dụng của PA
Khả năng chống cháy nắng sẽ tăng theo chỉ số SPF. Tuy nhiên trong một số trường hợp, kem chống nắng có chỉ số SPF cực cao như 75 hoặc 100, lại có thể không bảo vệ tốt hơn SPF 30. Lúc này, bạn cần xem xét đến các chỉ số khác, đơn cử như PA+.
PA là ký hiệu thể hiện mức độ bảo vệ da khỏi tác hại từ UVA. Đây là tia cực tím có bước sóng dài, có nguy cơ làm lão hóa da, hình thành các vết đồi mồi, thâm nám sau thời gian dài. Trên bao bì kem chống nắng, chỉ số PA thường đi kèm dấu cộng "+". Càng nhiều dấu cộng, chứng tỏ khả năng bảo vệ da chống lại các tác hại từ UVA càng cao.
Hiện tại trên thị trường có không ít sản phẩm chống nắng "phổ rộng" với các màng lọc chống nắng hóa học lẫn vật lý. "Phổ rộng" là từ dùng chỉ các loại kem chống nắng có thể bảo vệ da khỏi tác động của cả tia UVA và UVB. Tuy nhiên mức độ bảo vệ cao hay thấp còn tùy thuộc bảng thành phần.
Khi chọn mua chống nắng, bạn cần xác định da mình thuộc loại nào và có đang sử dụng các sản phẩm treatment (chăm sóc da chuyên sâu) hay không. Một số sản phẩm nằm trong nhóm treatment như BHA, retinol, tretinoin... có thể khiến da dễ tăng sắc tố và bắt nắng hơn bình thường. Đó là lý do các chuyên gia da liễu khuyên nên tìm những dòng chống nắng phổ rộng.
Ngoại dạng kem bôi cơ bản, kem chống nắng còn nhiều dòng khác như dạng xịt, thỏi, fluid - kết cấu lỏng hơn kem và thấm nhanh hơn. Dù chọn dòng chống nắng nào với chỉ số PA và SPF bao nhiêu, bạn cũng nên bôi đủ lượng và nhớ bôi lại sau mỗi 2-3 tiếng tùy tình trạng da và môi trường làm việc, sinh hoạt. Khả năng chống nắng sẽ suy giảm theo thời gian nên việc bôi lại là rất cần thiết để duy trì màng lọc trên da.
Thy An (Theo The Print)