>> Vì chồng, tôi sẵn sàng bỏ công việc
>> Chồng gây áp lực buộc tôi nghỉ làm
Ra trường xin việc khó khăn, bận ở nhà chăm con sau khi sinh hay nghỉ việc theo lời khuyên của chồng... là những nguyên nhân khiến nhiều chị em quyết định từ bỏ sự nghiệp, ở nhà làm nội trợ. Công việc nội trợ và chăm sóc con cái luôn nhiều áp lực, nhưng cái mà chị em nhận được chỉ là ánh mắt xem thường của gia đình, họ hàng và chính người chồng vì bị xem là "ăn bám".
Chị Loan (Thành Công, Hà Nội) đang gặp bế tắc, cuộc sống vợ chồng không ngày nào ngừng tiếng cãi vã chỉ vì chị không đi làm. Trước đây, chị Loan làm kế toán cho một công ty tư nhân. Sau khi có bầu, công ty tìm cách cho chị nghỉ sớm trước khi đẻ nên chị quyết định nghỉ hẳn và về quê chồng. Nhưng ở được một thời gian, mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu khiến chị không chịu nổi nên hai mẹ con lại "khăn gói" lên thành phố với chồng.
Vì con sinh ra khó nuôi, kén ăn nên chị quyết định không xin việc mà ở nhà chăm con. Hàng ngày, chị vẫn tìm cách buôn bán nhỏ lẽ nhằm kiếm thêm đồng ra, đồng vào cho gia đình. Tuy nhiên, chứng trầm cảm sau sinh khiến chị Loan luôn cảm thấy dằn vặt, cho rằng mình đang ăn bám chồng. Chị đánh giá từng câu nói của chồng, anh nói một câu là chị lập tức suy diễn rằng chồng đang xem thường vì mình không đi làm. Đến khi anh đề nghị cho con đi lớp để chị xin việc, chị Loan lại chối đây đẩy, sợ mình không làm được việc.
Từ chỗ cảm thông với vợ, chồng chị Loan cảm thấy áp lực khi ngày ngày cứ phải lựa lời, sợ vợ chỉ trích vì "dám" có ý coi thường. Tiếng cười dần mất đi, cuộc sống của hai người chỉ toàn những lời cãi vã.
Gia đình chị Hạnh (Q.7, TP HCM) cũng đang ở bên bờ vực ly hôn vì chị quyết định ở nhà chăm con sau khi sinh. Đang có công việc ổn định ở Hà Nội, nhưng vì kết hôn nên chị Hạnh buộc phải nghỉ việc để theo chồng vào Sài Gòn. Làm đám cưới khi đã có bầu ba tháng, chị Hạnh không thể xin được việc ở nơi mới nên ở nhà suốt thời gian mang bầu và sinh con. Mọi gánh nặng kinh tế đều đặt lên vai chồng.
Chồng chị Hạnh vừa lo cuộc sống hai vợ chồng, tiền nuôi con cộng thêm hàng tháng trả tiền ngân hàng cho căn nhà mua trả góp. Anh cảm thấy áp lực, lại không nhận được sự chia sẻ của vợ. Anh nói: "Nhiều lúc về nhà, muốn nói với vợ về những khó khăn trong công việc nhưng cô ấy không ra ngoài, không hiểu môi trường văn phòng phức tạp thế nào, lại không có kiến thức xã hội nên rất khó đồng cảm". Chồng chị Hạnh tìm sự chia sẻ ở cô bạn thân và kết quả, anh ngoại tình. Khi chị Hạnh phát hiện ra, đau khổ, dằn vặt và chị muốn ly hôn để giải thoát cho cả hai nhưng sợ mình không đủ khả năng chăm con khi chưa tìm được việc làm.
Bà Thương, một chuyên viên tư vấn về tâm lý, tình yêu và hôn nhân cho rằng, nhiều gia đình sai lầm khi cho rằng chỉ cần người chồng đi làm cũng đủ nuôi vợ, con. Hạnh phúc không chỉ là sự đủ đầy về vật chất, mà còn đòi hỏi đời sống tinh thần tương ứng. Phụ nữ không đi làm có thể nhàn hạ hơn nhưng không có nghĩa là hạnh phúc hơn. Công việc nhà nhiều cộng với thái độ thiếu tôn trọng của những người xung quanh gây ra áp lực rất lớn.
Khi chồng yêu cầu nghỉ việc (vì nhiều lý do khác nhau), bạn cần giải thích được rằng, công việc hiện tại có nhiều lợi ích về kinh tế, cơ hội thăng tiến... và quan trọng là bạn vẫn cân bằng được công việc ở nhà và xã hội. Chứng minh bằng hành động cụ thể và hoàn thành đúng nghĩa vụ của người vợ trong gia đình sau giờ làm.
Nếu bắt buộc phải nghỉ làm, bạn cũng không nên để bản thân bị tụt hậu. Lợi thế của phụ nữ ở nhà chính là có thời gian nhiều hơn để gần gũi, chăm sóc con cái. Tuy nhiên, bạn nên thường xuyên duy trì các mối quan hệ xã hội, cập nhật tin tức trên mạng Iđể có thể chia sẻ cùng chồng. Khi con đi học, bạn có thể tranh thủ đi học các lớp kỹ năng như nấu ăn, học nhảy hay cắm hoa, may vá... vừa giao lưu, vừa tạo niềm vui cho bản thân.
Thái An
Ảnh: Inmagine