- Tên ca khúc của ông giống như một câu nói: "Anh muốn sống bên em trọn đời", "Còn thương nhau thì về Buôn Mê Thuột", "Và ta lại thấy mặt trời trên môi em"... Vì sao ông thường đặt tên ca khúc như vậy?
- Tôi “đạo” nó trong thực tế cuộc sống. Chế Lan Viên từng nói, đại ý, vạt áo nhà thơ không thể chứa hết những ngọc ngà kim cương trong cuộc đời. Chính đời sống thực tế mới là nơi bắt nguồn cho xúc cảm của nhạc sĩ.
Tôi nghe một cô gái nói “ở nơi này mặt trời đỏ như trái cam” về tôi viết bài Trái cam mặt trời; một đôi trai gái nói chuyện với nhau qua điện thoại ở thành phố Buôn Mê Thuột “Nếu còn thương em sao không về với em”… sau đó tôi có bài Còn thương nhau thì về Buôn Mê Thuột. Như vậy, tôi đi nhặt những câu, những chữ từ cuộc đời.
- Giả sử bây giờ có một đêm rock Nguyễn Cường, bài hát nào trong số những ca khúc ông đã sáng tác nhất thiết phải có trong show diễn đó?
- Ba yếu tố: chất kinh viện, bác học; nhịp điệu, hơi thở cuộc sống và màu sắc dân gian cùng hội tụ trong một bài hát, theo tôi đó mới là bài thành công. Suốt nhiều năm sáng tác, tôi chỉ theo đuổi lý tưởng thẩm mỹ đó.
Có bài như Tôi về đây nghe sóng rất nổi tiếng, nhiều người khen hay nhưng không hội đủ ba yếu tố ấy, tôi không cho nó là thành công. Sáng tác mới Sao không phone cho anh, tôi cho là hội tụ đủ các yếu tố và sẽ được thể hiện theo cách đặc biệt trong “Con đường âm nhạc” tới đây.
Nếu phải chọn ra một bài tiêu biểu nhất thì hơi khó bởi tôi muốn người nghe nhìn vào nhạc sĩ với nhiều bài chứ không phải một bài duy nhất nào đó. Mỗi bài hát có một số mệnh, nó cũng bị chi phối bởi thời điểm. Ví dụ, bài Em muốn sống bên anh trọn đời từng bị vất đi, bỏ xó, người ta nói đã có Ơi, Ma Drak còn viết bài này làm gì. Một hôm tình cờ Y Moan đem ra hát, rồi đến Siu Black hát trong Liên hoan giọng ca vàng ASEAN, bất ngờ Em muốn sống bên anh trọn đời trở nên nổi tiếng.
- “Con đường âm nhạc” số 3 có phải là thời điểm thích hợp nhất để bộc lộ gương mặt âm nhạc Nguyễn Cường?
- 21 bài hát, bất kể những bài cũ hay mới, đều được “làm mới”, trình bày theo hình thức mới, kể cả những bài trước đây đã phối khí thành công nay đều làm lại. Chương trình của Dương Thụ là “Im lặng”, nếu được đặt tên cho chương trình của mình, tôi muốn nó là “Không thể im lặng”, bởi tại sao mình lại không lên tiếng trước cuộc sống vốn rất đẹp như thế.
Những nét mới trong âm nhạc của tôi sẽ được khai thác tối đa trong chương trình này. Bảy ca khúc đầu tiên biểu diễn theo hình thức liên khúc, đan xen vào nhau. Có bài lần đầu công bố như Bi ca Trọng Thủy là cách nhìn nhận khác của tôi về việc Trọng Thủy có phải là gián điệp hay không… Đàm Vĩnh Hưng là ca sĩ đơn nam duy nhất tham gia chương trình. Ngoài ra có Siu Black, Mỹ Lệ, Hồng Ngọc, Ngọc Khuê, Anh Thơ, nhóm Bazan…
Khi tham gia “Con đường âm nhạc” tôi muốn được có thêm một hình dung về mình và công chúng thấy khi Nguyễn Cường đứng một mình thì có gì hay, dở. Xưa nay người ta vẫn nghĩ Nguyễn Cường gắn với Tây Nguyên, tôi muốn trong chương trình này người nghe nhạc Nguyễn Cường sẽ thấy rõ hơn chất liệu âm nhạc dân gian trong các sáng tác của tôi.
- Nếu kể tên bốn nhạc sĩ được coi là “tứ trụ” của âm nhạc đương đại VN mà không có tên ông thì ông cảm thấy sao?
- Không có tên tôi trong không gian này thì có thể có tên trong không gian khác, nhưng điều ấy đâu quan trọng lắm. Nhạc của tôi là của mọi người. Tuy nhiên, nói thế không phải đánh đồng tất cả bởi vì lịch sử âm nhạc của VN hay thế giới cũng đều gắn với những cá tính âm nhạc, những cá nhân tiêu biểu.
Lịch sử sinh ra những con người bằng xương bằng thịt với những tác phẩm cụ thể với những đỉnh cao mà công chúng có thể hình dung… Tất nhiên, đôi khi nhạc sĩ vẫn nghĩ mình là “đỉnh”, cho rằng sáng tác của mình là hay nhất, đó là chuyện thường, miễn là anh không quên nhiệm vụ của mình là sáng tác thật hay. Điều đó mới quan trọng hơn việc anh có là “tứ trụ”, “tứ quái” gì đó không.
- Ông thích được coi là nhạc sĩ của Tây Nguyên hay nhạc sĩ của Hà Nội?
- Có một nguyên tắc: tôi chỉ viết cho chính tôi, công chúng thấy thích thì họ xem những bài hát đó như của mình. Và tôi vẫn viết theo đặt hàng vì là nhạc sĩ chuyên nghiệp. Khi mình có cảm xúc để viết thì lúc đó là cuộc sống, tình yêu cao nguyên đặt hàng. Không bao giờ tôi viết chỉ để thỏa mãn thị hiếu khán giả vì không thể biết sở thích của mỗi người thế nào, tôi chỉ chiều chính tôi.
Là nhạc sĩ Tây nguyên hay Hà Nội đều là vinh dự, nhưng tôi không muốn gắn với riêng một địa danh nào, tại sao không lấy vòng tay mình ôm trọn đất nước VN, tại sao phải phân biệt?...