- Cảm xúc của anh thế nào khi làm bố bỉm sữa ở tuổi 49?
- Tôi rất vui khi có thêm con. Tất nhiên, tôi cũng có nhiều nỗi lo nhưng cơ bản cảm thấy vui. Đi đâu về cứ nhìn thấy con là vui rồi. Tôi chỉ lo nhất là khi đưa Chang vào bệnh viện chuẩn bị sinh. Bởi em bé chưa ra đời không biết sẽ thế nào nên tôi lo lắm. May mắn hai mẹ con đều bình an, khỏe mạnh. Em bé thì lúc nào cũng đáng yêu. Tôi nghĩ với những người 60, 70 tuổi mà có thêm con nhỏ, họ cũng cảm thấy vui như tôi. Vì khi có con, cuộc sống của mình thêm nhiều năng lượng. Năm nào vào dịp gần Tết thế này cũng là thời điểm tôi cực nhất vì phải lo nhiều việc, đi công tác khắp tỉnh thành. Người Việt Nam vào dịp Tết thì chuyện lễ nghĩa luôn được đặt lên hàng đầu nên tôi cũng phải dành thời gian đi tỉnh này tỉnh kia, mỗi nơi vài ngày để thăm hỏi bạn bè, đối tác... Năm nay có con nhỏ nên tôi đi sớm hơn để lo xong việc còn về với vợ con. Cơ bản cuộc sống của tôi là vậy, chỉ thêm niềm vui chứ không xáo trộn gì nhiều so với trước.
- Anh đã có kinh nghiệm làm bố nhưng bà xã lần đầu làm mẹ. Vợ anh tiếp nhận vai trò mới thế nào?
- Bây giờ hình như chị em nhanh thích nghi với vai trò làm mẹ hơn trước nhiều. Chắc ai cũng nghiên cứu kỹ mọi thứ từ trước, qua nhiều phương tiện như lên mạng tìm đọc, hỏi bạn bè, người thân, gia nhập các hội chị em bỉm sữa... Chang là người nhanh nhạy nên không gặp khó khăn gì trong lần đầu làm mẹ. Hơn nữa, tôi nghĩ người mẹ nào cũng thương con nên khi sinh con ra, bản năng làm mẹ sẽ mách bảo họ tự biết nên làm gì và sẽ có cách vượt qua mọi trở ngại, khó khăn. Vài ngày đầu, vợ tôi còn lọng cọng chưa quen việc chăm sóc em bé nhưng bây giờ, mọi thứ đều ổn thỏa, nhuần nhuyễn rồi. Mới sinh được nửa tháng mà cô ấy đã đi làm lại. Tôi hay gọi vợ là "super mom" vì thấy cô ấy khỏe thật.
Mẹ vợ tôi mới từ Anh về Việt Nam, vừa hết cách ly mấy ngày và giờ đang phụ chăm cháu ngoại. Ngoài ra, chúng tôi còn thuê một y tá giúp chăm sóc em bé vì tôi hay đi công tác dài ngày. Trẻ sơ sinh còn non nớt nếu có người có chuyên môn giúp thì mình đỡ lo hơn.
- Phụ nữ sau sinh tâm lý dễ xáo trộn, cảm xúc thất thường, vợ anh thì sao?
- Chắc cũng tùy người. Như vợ tôi sinh xong, cô ấy vui lắm, không bị buồn phiền, trầm cảm gì. Con tôi cũng sớm tỏ ra là một em bé vui vẻ. Bé hay mỉm cười khiến tôi tự hỏi: "Sao con cười suốt vậy nhỉ?". Chắc do bé nằm mơ thấy điều gì vui hay bà mụ nắn bé tự nhiên như vậy cũng nên. Vì vợ luôn vui vẻ nên từ khi cô ấy mang thai đến nay, tôi chưa phải lo lắng, động viên, an ủi gì. Tôi thấy Chang xử lý các vấn đề trong cuộc sống rất tốt, lúc nào cũng giữ tinh thần lạc quan, dù xảy ra chuyện gì. Vợ thể hiện tốt như vậy nên tôi đâu cần động viên nữa (cười).
- Vợ chồng anh dự định nuôi dạy con thế nào để bé phát triển tốt nhất?
- Chúng tôi đã bàn bạc, chia sẻ quan điểm về việc nuôi dạy con từ lâu, trước cả khi Chang mang thai. Bởi khi người ta yêu, rồi lấy nhau chắc chắn cả hai phải trao đổi, bày tỏ những quan điểm trong cuộc sống. Theo tôi, khi nuôi dạy con trai, nên để con càng khổ lại càng hay. Con trai cần nhiều trải nghiệm, không nên nuông chiều quá vì điều đó không mang lại cái gì hay ho. Cha mẹ lúc nào cũng thương con nên đừng lo mọi người thấy mình nghiêm khắc rồi nói mình không thương con. Bản thân người cha, người mẹ nên dằn lại cảm xúc để không mắc lỗi lo lắng cho con trai quá mức. Khi con được chiều quá, lớn lên mất đi khả năng thích ứng với cuộc sống. Mình đâu thể theo con cả đời mà chỉ đồng hành với con đến một lúc nào đó thôi.
Thanh niên bây giờ 17, 18 tuổi là không cần cha mẹ nữa rồi. Thế hệ mình suy nghĩ khác lớp trẻ nên đừng vì cảm xúc của người làm cha mẹ mà đánh mất khả năng thích ứng của con. Sau này ra đời, con chống chọi yếu ớt với cuộc sống, bản thân nó sẽ không hạnh phúc vì gặp chuyện gì cũng không làm được rồi trở nên buồn phiền. Điều đó rất không tốt. Khi tôi chia sẻ suy nghĩ của mình như vậy, Chang hoàn toàn đồng ý. Trước mắt, vợ chồng tôi thống nhất như vậy đã, còn sau này nhiều khi người mẹ thương con quá lại chiều con thì mình có cách xử lý, giải quyết sau vậy. Chắc chắn tôi sẽ không nuôi dạy con thành quý tử. Ở nước ngoài, ngay cả các tỷ phú cũng muốn con trai họ khi trưởng thành có thể hòa nhập cuộc sống, làm được tất cả mọi điều người khác làm được.
Bản thân tôi cũng có niềm tự hào là đến giờ không có việc gì tôi không làm được. Phụ nữ làm được cái gì tôi làm được cái đó, kể cả dọn dẹp, lau chùi, rửa bát... Nhiều khi tôi làm còn sạch, kỹ hơn phụ nữ. Những cái đó phải tập luyện từ khi còn nhỏ. Do hoàn cảnh mà hồi nhỏ, việc gì tôi cũng làm qua rồi. Giờ lớn lên, tôi mới thấy điều đó hữu ích thế nào. Hiện con tôi còn quá nhỏ, chưa đầy tháng nên tôi vẫn cưng chiều, làm mọi điều tốt nhất cho bé. Từ từ khi bé lớn hơn, có sức đề kháng, ra nắng ra gió được thì tôi mới bắt đầu tập dần cho bé.
- Khi vợ chồng không cùng quan điểm về một vấn đề gì đó, anh thường giải quyết thế nào?
- Thì mình phải nhường thôi chứ biết làm sao nữa (cười). Thường là tôi sẽ nói ra tất cả quan điểm của mình, nếu vợ không nghe thì thôi. Khi người ta cứ quyết làm theo ý họ mà sự việc không thành, đó cũng là một bài học tốt. Tôi nghĩ không nhất thiết phải bắt người khác làm theo ý mình, chỉ cần người đó hiểu ý mình đã nói ra là được.
- Con lớn của anh phản ứng thế nào khi biết có thêm em trai?
- Gia Cát rất vui và muốn về thăm em ngay. Con lớn của tôi định về nước trước Tết nhưng cháu bị mất thẻ thường trú, phải mất ba tuần làm lại. Chờ hết ba tuần thì thời gian nghỉ của cháu còn ngắn nên con nói ra Tết đến khoảng tháng 3, tháng 4 được nghỉ dài thì về luôn cho tiện.
- Nhiều người cho rằng anh tuyên bố giải nghệ để có chuyên tâm vun vén tổ ấm và tập trung cho vai trò làm cha. Anh nói sao?
- Không, tôi suy nghĩ về chuyện giải nghệ lâu lắm rồi. Bởi thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những lời mời đóng phim của anh em, bạn bè trong làng giải trí. Nhiều người khi mời tôi thường nói là: "Em đang có vai diễn này hay lắm, chỉ anh đóng mới được...". Tôi là dân trong nghề nên nghe câu đó cũng quen rồi. Có điều tôi không biết phải trả lời thế nào, vì những người mời tôi có cả bạn bè, đồng nghiệp, đàn anh. Tôi không thể nào nói mình bận được vì cái từ "bận" nghe vô duyên lắm. Tôi cũng không thể nói là vai đó không hay nên không đóng được. Tôi cảm thấy khó xử vô cùng. Tôi quyết định không đóng phim nữa mà cứ để anh em réo gọi rồi phải khất lần khất nữa mãi nó không hay. Vì thế, tôi mới công bố chuyện giải nghệ để anh em biết không gọi mời nữa. Trước khi công bố, tôi có tham khảo ý kiến bà xã và được cô ấy ủng hộ.
- Nhiều năm gắn bó với nghiệp diễn, nay ngừng hoạt động, anh cảm thấy thế nào?
- Tôi tham gia nghệ thuật lâu rồi nên chắc chắn không bao giờ quên được ánh đèn sân khấu. Bây giờ, tôi vẫn nghĩ mình là diễn viên và không bao giờ dứt bỏ nghệ thuật. Chỉ là tôi ngưng đóng phim và không tham gia các hoạt động trong giới nghệ sĩ chứ còn các mối quan hệ với anh em, bạn bè nghệ sĩ tôi vẫn giữ như cũ. Giải nghệ không phải là chấm dứt, đoạn tuyệt hẳn với nghệ thuật mà chỉ là không làm công việc đó nữa nhưng vẫn vui chơi, gặp gỡ, ôn kỷ niệm về nghề với những người bạn cũ.
Thời của chúng tôi thì đóng phim không phải nghề, là công việc người ta làm mà không biết tương lai, làm chỉ vì đam mê thôi. Ở nước ngoài thì hiển nhiên diễn viên là một nghề nhưng ở Việt Nam, trong thời của chúng tôi thì không. Chúng tôi bước vào con đường nghệ thuật, sống bằng đam mê là chính, tiền bạc không quan trọng gì. Làm nghề bao nhiêu năm tới giờ phút này, tôi vẫn chưa bao giờ đặt câu hỏi đóng phim này hay phim kia mình được bao nhiêu tiền. Gặp đạo diễn nào, tôi cũng chỉ quan tâm chuyện đóng vai gì, thời gian thế nào chứ không bao giờ bận tâm tới chuyện tiền bạc.
- Bận rộn với việc kinh doanh và các hoạt động xã hội, nay lại thêm vai trò bố bỉm sữa, làm thế nào anh giữ được cân bằng trong cuộc sống?
- Tôi đã làm được việc đó từ lâu và khi gặp gỡ các bạn trẻ trong các chương trình do quỹ Hiểu về trái tim tổ chức, tôi cũng hay chia sẻ về vấn đề này. Cuộc sống luôn có chuyện này chuyện kia xảy ra, nếu mình nhìn sự việc ở góc độ bi quan thì sẽ luôn thấy mệt mỏi. Vậy làm sao để nhìn cuộc sống ở góc độ khác đi? Để làm được điều đó thì cần có sự tập luyện từ khi còn trẻ. Bắt buộc phải như vậy vì không thể chỉ qua một lời khuyên kiểu: "Hãy nhìn cuộc sống lạc quan đi" mà lạc quan ngay được. Mỗi người cần tập luyện sớm từ lúc khởi nghiệp hoặc tốt hơn là từ lúc còn đi học.
Giai đoạn nào trong đời người cũng có những nỗi buồn mà ta phải đối mặt. Thời sinh viên, lúc đã ra trường, đi làm, giai đoạn làm cha mẹ... đều có những nỗi buồn, khó khăn cần giải quyết. Nếu ta tập giải quyết các nỗi buồn, vấn đề của mình từ khi còn trẻ thì sau này sẽ dễ hơn, vì càng lớn người ta càng có xu hướng cho qua, cố lãng quên mọi nỗi buồn chứ không muốn giải quyết. Đó không phải là cách tốt vì thực tế, mình không quên được đâu. Mình muốn quên mà lâu lâu có ai nhắc tới là mình nhớ.
Vì thế, chỉ còn cách phải tập đối mặt, xử lý mọi vấn đề làm sao khi người ta nhắc lại chuyện buồn của mình, mình thấy bình thường, không buồn nữa. Đó là cách tôi đã theo đuổi và muốn truyền lại cách làm đó cho những người trẻ, thế hệ đàn em.