Tới cơ quan, cảm thấy mệt mỏi, anh Quang về nhà. Theo lời người nhà, lúc này anh Quang kêu trong người vô cùng khó chịu, rất mệt, bí tiểu. Từ lúc đó tới tối, chị Hương, vợ anh Quang, liên tục gọi điện thông báo tình hình sức khỏe của chồng cho ông T..
Ông T. cho hay không việc gì, thuốc là như vậy. Ban đầu có thể bí tiểu, hoặc đi tiểu ra máu, nôn, không sao cả. Khi chị Hương thông báo chồng mình đã quá mệt, ông T. yêu cầu uống nốt gói chu sa. Anh Quang hòa bột chu sa với nước rồi uống. Tiếp đó lại uống thêm một cốc phục linh.
Sau đó anh nôn luôn và cảm thấy đau quằn quại quanh vùng bụng dưới. Đến chiều, anh Quang không đau bụng nữa mà đau khắp vùng lưng, người mệt mỏi, tiểu ra máu tươi. Mãi đến lúc này, nhận được điện thoại của chị Hương, ông T. mới đề nghị cần mời bác sĩ đến để thông tiểu.
Siêu âm tại BV Thanh Nhàn cho hay bệnh nhân Quang bị đọng máu bàng quang và được cho uống kháng sinh và tiếp nước suốt một ngày. Nhưng đến sáng hôm sau, bác sĩ trực mới tá hoả vì bắt mạch không thấy mạch đập.
Người nhà bệnh nhân vội đề nghị chuyển đến BV Bạch Mai. Các bác sĩ tại BV Bạch Mai cho biết bệnh nhân bị suy thận rất nặng. Hôm sau thì suy gan, phủ tạng bị phá hủy, co giật, hôn mê. Bệnh nhân Quang điều trị tại khoa Chống độc, BV Bạch Mai gần hai ngày thì qua đời.
Điều đáng chú ý là bà Nguyễn Thị Minh dùng thuốc của ông lang T. được một tháng cho hay cảm thấy người khỏe lên. Nhưng nước da trước đây hồng hào nay ngày càng trắng xanh. Thứ thuốc bột bà Minh uống khi mở ra có màu ánh ánh. Thuốc khi sắc lên không thơm mà có mùi hơi tanh như mùi cá.
Ông T đã gọi điện đến nhà bệnh nhân Quang để xin lỗi và coi đây là tai nạn nghề nghiệp, đồng thời xin được chịu một phần trách nhiệm và tổn thất. Tuy nhiên gia đình nạn nhân chưa đồng ý và đang chờ đợi những kết luận rõ ràng của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây nên cái chết thương tâm của ông Lê Thanh Quang.
Đình chỉ hành nghề đối với lương y P.P.T Sáng qua (6/3), đoàn thanh tra của Sở Y tế Hà Nội đến nhà lương y P.P.T. ở Cầu Giấy (Hà Nội) để kiểm tra thông tin. Lương y T. xuất trình các giấy tờ liên quan đến hành nghề y dược tư nhân. Ông T. xuất trình được bằng chứng nhận trình độ chuyên môn y dược học cổ truyền số 1420/02/LT do Bộ y tế cấp ngày 28/6/2002. Tuy nhiên ông T. không xuất trình được chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận hành nghề vì theo quy định của Bộ Y tế phải đến ngày 20/6/2007, tức là sau 5 năm kể từ khi được cấp chứng nhận trình độ chuyên môn mới được cấp giấy chứng nhận hành nghề. Ngoài ra, thanh tra Sở Y tế còn yêu cầu ông T. cung cấp hai liều thuốc giống với liều thuốc mà bệnh nhân Quang đã uống. Theo tờ rơi giới thiệu và hướng dẫn sử dụng thuốc thì đây là bài thuốc “Bạt căn phương” (Nhổ gốc rễ khối u) có “bản chất là thuốc vét bên trong thành mạch máu”. Ông T. cho biết, có hai khả năng xảy ra với bệnh nhân Quang và dẫn tới cái chết. Thứ nhất, có thể người nhà bệnh nhân ninh Phục Linh với thịt có dính mỡ (điều cấm kỵ khi chế biến vì theo hướng dẫn trong khi chế biến thuốc vị Phục Linh phải ninh với 300gam thịt lợn nạc, không dính mỡ và bạc nhạc). Thứ hai là có thể bệnh nhân có một bệnh khác trong cơ thể. Lý giải cho việc bệnh nhân Quang không có hồ sơ bệnh án (trong khi tất cả bệnh nhân đến khám tại nhà ông T. đều có hồ sơ lưu), ông T. cho biết do đến nhà bệnh nhân Quang để khám bệnh cho mẹ ông Quang rồi được gia đình bệnh nhân đề nghị khám luôn cho ông Quang nên ông T. không mang theo hồ sơ mới để làm bệnh án. Ông Nguyễn Việt Cường, Phụ trách thanh tra sở Y tế Hà Nội, cho biết, Thanh tra Sở Y tế yêu cầu ông T. cung cấp hai liều thuốc đã điều trị cho bệnh nhân Quang để phục vụ công tác giám định. Ngoài ra, bắt đầu từ 11h ngày hôm qua (6/3) lương y P.P.T. bị đình chỉ hành nghề để chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Sáng nay, ông T. phải có mặt tại Sở Y tế Hà Nội để làm việc về vấn đề nêu trên. |
(Theo Tiền Phong)