![]() |
Cơ quan chức năng tháo chiếc máy nước nóng gây tai nạn cho chị Nga ở Đà Lạt mang đi giám định. |
Ngày 11/4, Công ty A Nam (TP HCM) tổ chức cho 55 cán bộ, công nhân tham quan Đà Lạt, nơi nghỉ của đoàn là khách sạn Đăng Nguyên. Sáng ngày 13/4, trước khi đi tham quan, chị Huỳnh Thiên Nga (nghỉ ở phòng 301 cùng hai đồng nghiệp) tranh thủ đi tắm. Chờ lâu không thấy chị Nga ra, gọi cũng không thấy chị trả lời, hai người bạn mở cửa nhà tắm thì thấy chị Nga đang nằm bất động trên nền nhà ngập nước, sợi dây chuyền đeo trên cổ bị cháy xém... Ngay lập tức chị Nga được chuyển đến bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng nhưng theo các bác sĩ, chị Nga đã tử vong trước đó.
Cảnh sát kỹ thuật hình sự Lâm Đồng đã bước đầu kết luận chị Nga tử vong vì bị điện giật do nguồn nước vòi sen bị nhiễm điện từ máy nước nóng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Liên, chủ khách sạn Đăng Nguyên, các máy nước nóng của khách sạn mới được lắp đặt khoảng 4 tháng, do cửa hàng Kim Hậu trên đường Lê Đại Hành - Đà Lạt cung cấp và lắp đặt. Chiếc máy nước nóng gây ra cái chết cho chị Nga hiệu Ariston, sản xuất ngày 30/4/2003, thời gian bảo hành là 7 năm. Ông Phan Trí Đức, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Lâm Đồng, cho biết chiếc máy nước nóng đang được giám định. Hiện chưa thể kết luận nguyên nhân gây nhiễm điện là do khâu sản xuất hay khâu lắp đặt. Thực tế trong 4 tháng qua nhiều đoàn khách lưu trú tại khách sạn Đăng Nguyên và sử dụng bình nước nóng tại phòng 301 nhưng chưa ai bị điện giật.
Theo Thanh Niên, chỉ trong năm 2004, thành phố Cần Thơ đã xảy ra 20 vụ tai nạn điện làm chết 12 người, bị thương 10, tất cả đều do khinh suất, bất cẩn.
Ngày 9/7, tại phường Thới An, quận Ô Môn, tân binh 23 tuổi Thạch Sô Phal đã nấu nước bằng nguồn điện 220V. Tay ướt vớ vào chuôi ghim khiến anh Phal tử vong. Chỉ trong ngày 22/4 tại ấp Trường Phú 1, xã Trường Long, huyện Phong Điền, đã có 2 thanh niên lực điền phải sớm từ trần chỉ vì cả gan dùng xuyệc điện bắt cá. Đau đớn hơn là cái chết của anh thợ hồ 24 tuổi Nguyễn Văn Đầy ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn. Sau những giờ lao động mệt nhọc, đêm 21/10 anh đã cùng các bạn hát karaoke thư giãn. Điện bị chập và anh Đầy chết tại chỗ. Một trường hợp khá, ông Phan Thanh Bình ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy hôm 21/10 cũng tử vong do chạm vào điện 220V trong lúc tưới vườn. Ngày 11/10, anh Hân ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn leo hái dừa đã chẳng may chạm điện trung thế. Nông dân chân lấm tay bùn mua được ti vi ai chẳng ham. Anh Phan Thanh Lâm ở xã Xuân Lộc, huyện Vĩnh Thạnh ngày 3/3, kiếm được ống sắt ngon lành, anh quyết dựng anten cao nghệu để coi trực tiếp đá banh cho đã. Hôm đó gió nhiều và thanh sắt đã ngả vào lưới điện trung thế cướp đi sinh mạng người đàn ông mới 36 tuổi...
Theo thông tin tham khảo từ Văn phòng MTS tại Đà Lạt, chiếc máy nước nóng gây tai nạn cho chị Nga được lắp đặt không đúng kỹ thuật. Cụ thể là không dùng dây nối tiếp đất nên khi mạch điện bị hở, điện đã truyền qua nước. Hiện có khoảng 60% các sự cố liên quan đến máy nước nóng là do lắp đặt không đúng kỹ thuật.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, để bảo đảm an toàn, người sử dụng máy nước nóng phải lưu ý 3 vấn đề: điện (có rò rỉ không), nhiệt độ (có chạy ổn định hay chập chờn) và áp suất (thường xuyên theo dõi van an toàn trên máy có hoạt động hay không). Người tiêu dùng cũng cần hiểu nguyên lý hoạt động của máy để sử dụng đúng cách. Một số hãng sản xuất đã lắp đặt sẵn công tắc chống giật tự động - ELCB vào trong máy để khi cường độ dòng điện rò rỉ cao hơn 30 mA thì máy sẽ tự động ngắt điện. Nếu máy đang sử dụng không gắn sẵn thiết bị này, người sử dụng nên mua gắn thêm bên ngoài (giá ELCB hiệu Cadivi khoảng 100.000 đồng/cái). Ngoài ra, khi lắp đặt máy, điều cốt yếu tiếp theo là phải gắn thêm dây nối đất. Đó là một thanh đồng dài 2,5-3m cắm trực tiếp xuống đất sau khi đã nối với hệ thống điện. Khi đã lắp đặt ELCB kèm dây tiếp đất thì độ an toàn khi sử dụng là gần như tuyệt đối.
