|
Ca sĩ Chế Linh đang hát cho người Chăm ở TP HCM ngày 28/10. Ảnh: Nguyễn Viễn Sự. |
- Xa quê hương gần 30 năm, ngày trở về ông cảm nhận thế nào về quê hương mình?
- Rất nhiều thứ đã thay đổi, TP HCM gần như lột xác. Tôi cũng được đi thăm Hà Nội, thủ đô mình cổ kính và cũng có sự phát triển như ở TP HCM vậy. Đó là những vùng đất trẻ trung năng động, chứng tỏ Việt Nam đã giàu hơn, đẹp hơn lúc tôi ra đi rất nhiều.
Nhưng nếu anh hỏi có bỡ ngỡ không thì tôi xin trả lời là không! Bởi ở nước ngoài, thông tin từ Việt Nam vẫn được tôi cập nhật và trái tim của tôi vẫn nằm ở Việt Nam, nên dù có thay đổi nhiều thì quê hương vẫn không có gì xa lạ.
· Vậy điều gì làm ông ngạc nhiên nhất?
- Tôi ngạc nhiên nhất là vẫn còn nhiều người hâm mộ nhớ tới Chế Linh. Tôi được đón chào như người nhà, có nhiều người nói: “Sao Chế Linh trẻ quá...!”, dù tôi đã 65 tuổi (cười). Nghe cứ thân thiện như mới gặp hôm qua, hôm kia vậy. Có đông các bạn trẻ, những người sinh ra sau khi tôi rời quê hương, chưa gặp mặt tôi lần nào nhưng cũng chào đón tôi nhiệt tình. Tôi nghĩ mình may mắn không chỉ vì đã được về thăm quê hương mà còn vì tình cảm của những người chưa quên tiếng hát của mình.
- Ở nước ngoài hiện tại công việc ca hát của ông như thế nào?
- Tôi có một phòng thu tại Toronto - Canada, mỗi tuần tôi đi hát hai buổi tại các tụ điểm, sân khấu ca nhạc. Thỉnh thoảng tôi cũng sang Mỹ, sang Nga hay Ba Lan biểu diễn cho đồng bào mình. Vừa rồi, cùng mấy anh em trẻ, tụi tôi cũng có làm chương trình ca nhạc từ thiện hướng về các nạn nhân ở cầu Cần Thơ. Bà con mình hưởng ứng ghê lắm.
Ở bên đó, dòng nhạc boléro gắn bó với tôi từ lúc bắt đầu nghiệp hát vẫn được khán giả yêu mến. Tôi có rất nhiều bản nhạc mới nhưng khán giả vẫn mê những bản cũ tôi đã hát và sáng tác nhiều hơn.

Ảnh: Nguyễn Viễn Sự.
- Trở về và được tham dự một ngày hội tết cổ truyền của dân tộc Chăm ngay tại TP HCM, điều đó khiến ông nghĩ gì, thưa ông?
- Điều đầu tiên là tôi rất vui khi văn hóa dân tộc Chăm của mình vẫn được quan tâm vào bảo tồn, ngay tại một nơi không có nhiều đồng bào Chăm sinh sống.
Tôi nói với các bạn trẻ Chăm rằng, văn hóa dân tộc Chăm là một bộ phận của văn hóa dân tộc Việt Nam. Mình cứ tự do phát triển, tự do quảng bá nhưng đừng vì ai, đừng vì cái gì, đừng bị lôi kéo. Làm văn hóa hãy vì dân tộc mình vì đất nước mình. Phát triển văn hóa dân tộc mình nhưng luôn phải đặt trong lợi ích chung của đất nước, đặt trong khuôn khổ cho phép. Đặt được cái chung lên trước thì văn hóa mới phát triển được theo chiều sâu và được mọi người hưởng ứng.
- Ông nghĩ thế nào về một thời gian trước đây đã có những “khúc mắc” giữa Chế Linh và đất nước?
- (Cười!) Anh thấy là tôi đã trở về đây rồi mà! đâu có “khúc mắc” gì nữa. Không chỉ nói với bạn đọc của Ngôi Sao mà tôi cũng từng nói trên đài BBC, VOA và nhiều báo chí ở nước ngoài: "Quá khứ chìm sâu rồi, bây giờ Chế Linh làm điều gì cũng là vì dân tộc mình, vì đất nước mình". Những "khúc mắc' đó bản thân tôi không muốn nhắc lại nữa và tôi cũng không muốn ai nhắc. Hôm nay tôi đã trở về đây, được đứng trên sân khấu, giữa đồng bào mình, trên chính quê hương mình... Tôi nghĩ không có hạnh phúc nào bằng. Xin cảm ơn cả hai bà mẹ Chăm - Việt trên tổ quốc này đã sinh ra, nuôi lớn và cho tôi hạnh phúc này. Ở đâu thì tôi vẫn là Chế Linh, người dân tộc Chăm và quê hương là Việt Nam.
- Vậy trong lần đầu trở lại quê hương này ông đã đi những đâu?
- Tôi về Việt Nam lần này theo một đoàn văn hóa của UNESCO. Được đi khắp nơi từ TP HCM đến Hà Nội và tham gia nhiều hoạt động văn hóa từ thiện. Quá bận rộn đến nỗi tôi cũng chưa về thăm quê tôi ở paley Hamu Tanran (làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận). Sau khi tham gia vài hoạt động văn hóa nữa tôi sẽ trở về thăm paley của tôi vào đầu tháng 11.
- Thế ông chỉ về thăm quê mà không định hát cho người hâm mộ sao?
- Dĩ nhiên là có chứ! Không chỉ một mà tới hai chương trình. Tôi sẽ bắt đầu lại nghiệp hát ở quê hương mình trong chương trình Chào xuân 2008 tại thủ đô Hà Nội vào đầu năm sau. Sau đó một tuần sẽ có một live show riêng với tên gọi Tiếng hát Chế Linh cũng tại thủ đô Hà Nội. Chương trình này được UNESCO và vài Mạnh Thường Quân khác tài trợ nên sẽ không bán vé.
Gần 2 tháng nữa chương trình này mới diễn ra nhưng tôi đang rất nóng lòng. Bởi đây là lần đầu tiên tôi được hát ở quê nhà sau mấy mươi năm xa cách và lại ngay chính ở thủ đô. Tôi trở về là để được hát ở quê hương mình mà!
- Vậy còn ý định định cư ở quê nhà thì sao?
- Tôi chỉ mới trở về lần đầu, còn vợ con (Chế Linh có bốn vợ và bảy con) và công chuyện bên đó nữa. Chưa tính trước đuợc nhưng chắc chắn là tôi sẽ dành cho quê nhà rất nhiều khoảng thời gian đấy!
Ca sĩ, nhạc sĩ Chế Linh tên thật là Chà Len, dân tộc Chăm. Sinh năm 1942 tại paley Hamu Tanran (Làng Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước - Ninh Thuận).
Năm 1959, Chế Linh rời paley vào Sài Gòn mưu sinh bằng rất nhiều nghề rồi gắn bó với nghiệp ca hát và nhanh chóng nổi lên với dòng nhạc boléro mà người Sài Gòn lúc đó quen gọi là nhạc "sến", với rất nhiều đĩa hát được thu.
Đỉnh cao trong sự nghiệp là năm 1972 ông được giải thưởng Kim Khánh - Huy chương vàng đệ nhất hạng nam ca, do nhật báo Trắng Đen tổ chức. Sự nghiệp ca hát và sang tác của ông gắn liền với khoảng 20 ca khúc nay vẫn còn đường nhiều người nhắc đến như: Đêm buồn tỉnh lẻ, Nỗi buồn sa mạc, Đoạn cuối tình yêu...
Năm 1980 Chế Linh rời đất nước qua Malaysia và sau đó là Toronto - Canada định cư và tiếp tục theo đuổi nghiệp ca hát cho đến nay.
Nguyễn Viễn Sự thực hiện