Ngày nay, chăm sóc móng không đơn giản chỉ là cắt da và sơn. Kỹ thuật đắp móng hiện đại giúp các ngón tay của bạn trông quyến rũ hơn.
Trong các loại móng giả, loại bột giúp che đậy khuyết điểm cho người có móng tay sần sùi, thâm đen hoặc mỏng dễ gãy. Người thợ sẽ dán vào đầu móng một phần móng giả màu trắng rồi mới đắp bột lên toàn bộ.
Trong trường hợp móng tay quá yếu, dễ bị gãy, xước do va chạm thì nên chọn loại móng lụa. Dùng một lớp keo mỏng như lụa dán lên để giữ cho phần móng thật và giả dính chắc hơn nhưng vẫn như thật. Đối với người muốn sửa một hoặc hai móng bị hư thì móng lụa luôn là giải pháp tốt nhất.
Đặc biệt nhất và cũng hiện đại nhất là móng gel. Kỹ thuật này rất kén tay, chỉ áp dụng đối với những bàn tay có móng đẹp, láng không sần. Gel là một loại chất lỏng hơi đặc, trong suốt. Sau khi bôi lên, móng sẽ được đưa vào máy chuyên dụng để chất keo hít thật chặt vào móng, tạo độ trong, bóng tự nhiên không cần sơn, thậm chí ta có thể quan sát được cả những hạt bụi trên móng khi đã hoàn tất. Đây cũng là nguyên nhân đòi hỏi người thợ khi đắp loại móng này phải hết sức cẩn thận. Vì thế, giá của một bộ móng gel đắt gấp đôi các loại móng lụa và móng bột. Thêm vào đó, móng gel lại có độ bền không bằng móng bột nên số lượng người sử dụng loại này không nhiều.
Vẽ móng cũng là một công đoạn hết sức phức tạp. Người thợ phải có óc sáng tạo, khéo tay mới có thể tạo nên những hình vẽ sống động trên từng móng. Sau khi đắp móng giả, phải sơn một lớp làm nền rồi mới vẽ. Vẽ tay công phu hơn vẽ máy bởi người thợ phải tỉ mỉ đến từng chi tiết để hình vẽ ở các móng đều và giống nhau. Đối với vẽ máy, khách có thể chọn mẫu có sẵn hoặc kết hợp những mẫu đó lại với nhau để cho ra hình vẽ ưng ý nhất.
Thời gian để đắp một bộ móng tay khoảng 75 phút. Thường thì cứ hai tuần một lần, bạn phải đến tiệm để chỉnh sửa lại.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, hiện nay kỹ thuật đắp móng này chưa phổ biến nhiều, chỉ có một ít tiệm mới làm được. Với những người mới đắp lần đầu, sẽ thấy hơi vướng víu và cảm giác móng tay hơi nặng hơn so với bình thường.