Buổi sáng. Chia tay đứa con hơn một tuổi, chỉ kịp nói vài lời với người chồng, chị Hà phóng đến Trung tâm Vận chuyển cấp cứu Hà Nội. Đúng một ngày một đêm nữa chị mới gặp lại con mình, bởi suốt 24 tiếng đồng hồ những người như chị dồn cả cho bệnh nhân, trải qua hàng chục chuyến xe cứu thương đầy căng thẳng. Trung tâm cứu hộ lúc 16h, bác sĩ Đoàn Minh Tuyết, trưởng ca trực hôm đó, cười khà khà bên ấm trà đặc chát cổ. Đây là liều thuốc chống buồn ngủ cho những người trực chiến. “Cậu có biết ai là người hay đánh nhau với thần chết không, chúng tớ đấy, chả biết các cụ ấy có thù mà đến đón mình đi sớm không nữa”. Gần 30 năm gắn bó đời mình với chiếc áo blouse trắng, ngồi trên chiếc xe trắng, từng đau đớn chứng kiến cảnh bệnh nhân qua đời trên chiếc băng ca, chính tay ông đã từng cấp cứu phó thủ tướng Trần Hữu Dực, nhà nông học Lương Định Của.
16h02, chuông điện thoại réo vang: số nhà 28 ngõ 370, bệnh nhân Tâm phế mãn, khó thở. Chưa đầy 2 phút, chiếc xe hú còi lên đường rời trụ sở 11 Phan Chu Trinh. Kíp xe của bác sĩ Hà Thị Tương, y tá Cao Thúy Hải, bác tài Trần Văn Oánh lên đường. Chiếc xe lách ngọt qua vài chỗ đông người. Bác sĩ Tương chỉ vào mấy cái máy giải thích: “Đây là máy thở, kia là máy hút đờm, còn tròn tròn kia là bình oxy. Mấy cái đó trông đơn giản nhưng đã cứu sống cả ngàn người rồi đó”. Mất đúng 15 phút 20 giây mới vượt qua quãng đường gần 8km đông nườm nượp. Gia đình nạn nhân đã đứng chờ từ ngoài ngõ. Ngõ nhỏ, xe không vào được. Bác tài kiêm luôn nhiệm vụ khiêng cáng. Bệnh nhân trên 70 tuổi, hai tay ôm ngực phều phào thở. Kiểm tra huyết áp, nghe tim mạch, bác sĩ Tương quyết định: đưa đi viện ngay. “Thường thì chúng tôi sơ cứu cho bệnh nhân ổn định mới đi. Nhiều khi vội quá chỉ làm bệnh nhân tử vong đáng tiếc trên đường. Nhưng trong những trường hợp như thế này thì phải cho đi ngay mới kịp”. Đường lúc này càng đông. Còi hú vang, đèn báo hiệu lóe sáng liên tục nhưng xe cứu thương vẫn không thể lách qua những chiếc xe đang bò ngổn ngang trên đường. Nguy kịch. Bệnh nhân liên tục kêu “khó thở lắm...”, mồm há hốc, hớp hớp không khí. Khuôn mặt người cháu bệnh nhân lo lắng tột độ. Đèn đỏ. Bác Oánh đã ấn cả hai còi, đèn pha, xi-nhan nháy liên tục để xin đường. Bệnh nhân ngồi dậy, ôm ngực. Bác sĩ Tương tiêm thuốc, xịt thuốc vào miệng ông cụ, y tá Hải bơm bóng liên hồi. Đèn xanh! Xe tăng tốc: 40, 50, 60km, rồi đồng hồ chỉ sang con số 70km/g. Cuộc chạy đua với tử thần đang vào giai đoạn nước rút. Sau 14 phút, chiếc xe đã về đến Viện quân y 108, lao vào phòng cấp cứu. “Nếu chậm mươi phút nữa e khó qua khỏi”, bác sĩ trực cấp cứu hạ giọng. Ông bác sĩ già vẫn bình tĩnh động viên người nhà, chỉ đạo cho y tá Nguyễn Thị Loan tiêm thuốc. Đứa bé uốn cong người, khóc rưng rức khi mũi kim đi vào da thịt. Cô y tá cũng đổ mồ hôi. Tiêm tay sợ cháu giãy phải chuyển sang tiêm đùi. Hai người ghì chặt cháu bé, mũi tiêm hoàn thành. Sau hơn chục phút, đứa bé thiêm thiếp ngủ, bác sĩ Tuyết kêu mọi người chuẩn bị đồ đạc đưa cháu lên xe đến khoa nhi Bệnh viện Xanh Pôn. 0h30 ngày... Đường Tôn Đức Thắng, chiếc xe cứu thương lao vút đi trong màn mưa đêm dày đặc. Nạn nhân bị chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông. Không người thân thích. Một đám đông vây quanh. Trên người nạn nhân còn đồng hồ, dây chuyền và một túi vải văng trên đường. Nhiệm vụ của kíp xe lúc này không chỉ là đưa nạn nhân lên xe mà còn phải bảo vệ tài sản của họ trước đám đông lao xao vây quanh. Chiếc xe nhấn ga, chuyển bánh. Trong túi vải là một bọc tiền hàng trăm triệu, ngay lập tức được niêm phong, bàn giao cho bệnh viện. Trên cuốn sổ bàn giao của kíp trực hôm đó lại thêm một ca cấp cứu phải ghi dòng chữ: “thất thu”. Bác sĩ Tuyết kể: “Không ít lần đi trên đường, từ lái xe đến y tá, bác sĩ đều phải uống thuốc... tức. Đường Hà Nội đông, phải vòng vèo đủ ngõ mới thoát cảnh tắc cứng. Đến nơi, như một phản xạ, việc đầu tiên là nghe... chửi mình đến muộn. Mấy anh em đều phải im, lao vào sơ cứu. Đến khi qua cơn nguy kịch, vào bệnh viện rồi, có khi còn chẳng được một lời cảm ơn”. Ông Trần Văn Nam, phó giám đốc trung tâm, cho Tuổi Trẻ biết: “Nhiều khi cấp cứu tai nạn, nạn nhân chỉ có một mình, mang theo cả một tải tiền mà vẫn phải ghi thất thu. Còn phải nhờ công an làm chứng, tránh tình trạng xảy ra kiện cáo rất phức tạp”. Hiếm nơi nào thời gian làm việc và cường độ công việc lớn, căng thẳng như ở cứu thương 115. Các ca trực kéo dài 24 tiếng, sau đó nghỉ 48 tiếng. Chuyện chị Hà, y tá ở Trung tâm Hà Nội, với chồng là anh Tuấn lái xe ở trạm Gia Lâm mới thật sự như mặt trăng mặt trời. Đứa con hơn một năm tuổi của anh chị rất ít khi thấy đủ mặt mẹ cha. Anh chị gặp nhau từ trên chiếc xe cứu thương, hạnh phúc đã nảy mầm trong những gian khổ hi sinh. Chuyện chiếc điện thoại cũng là một cảnh đau đầu. Điện thoại réo vang suốt ngày, nhưng không phải tất cả đều là cấp cứu. Tôi thử nhấc máy, đầu dây bên kia là một giọng cợt nhả: “Nghe rõ không em, anh cần thử chuông một tí”. “Đấy là còn nhẹ đấy, chúng tôi trực ở đây thường xuyên nghe những lời lẽ thô tục hơn nhiều, vừa biết nhầm máy là họ đã chửi. Thỉnh thoảng còn có kẻ rỗi hơi gọi điện không mất tiền đến 115, kêu cấp cứu tại một địa điểm rõ xa, đến nơi thì chẳng hề có tai nạn gì cả. Anh em lại phải lặng lẽ ra về” - chị trực điện thoại kể. Bác sĩ bị đe dọa là chuyện thường gặp. Y tá Loan nhớ lại: “Có hôm chúng tôi đưa người bệnh vào Bệnh viện Việt Đức. Khi xe quay ra, đám bạn côn đồ của nạn nhân chặn ngay trước đầu xe tuyên bố: “Bạn tao không qua khỏi thì chúng mày đừng hòng ra khỏi đây”. Đã gần một năm trôi qua, lái xe Nguyễn Văn Dân, nhân viên cứu thương của Bệnh viện Bạch Mai, vẫn không thể quên được lần cứu nạn kinh hoàng: đó là trường hợp 2 hội cave choảng nhau gây chấn thương sọ não. Hơn 1h đêm, nạn nhân cần chuyển lên Bệnh viện Việt Đức gấp. “Đến nơi, tôi vừa mở cửa xe, ai ngờ đối thủ của nạn nhân xe tôi chở cũng đến đây cấp cứu. Chúng tay dao, tay guốc ào ra: “A bọn đánh con Lan đây rồi, giết chết mẹ nó đi”. Trên xe nạn nhân đang rên rỉ, mấy thân nhân cuống cuồng. Nếu cho xuống đây sẽ lại đánh nhau. Mà không chỉ mình nạn nhân nguy kịch, người nhà cũng khó yên ổn. Tôi đành tắt đèn, đóng chặt cửa, thừa lúc bọn chúng không chú ý, phóng thẳng đến Xanh Pôn trong đêm sương giá lạnh”. Nguy hiểm nhất là những tình huống cấp cứu cho người sốc ma túy. Có khi những y tá, bác sĩ cứu thương phải đến tận hang ổ nơi xóm liều, nhón chân tránh kim tiêm còn dính máu tươi. Họ làm việc trong cảnh thần chết đe dọa ngay mạng sống bản thân mình. Y tá Hải kể.“Trường hợp nhiều người biết mình bị nhiễm HIV, cắt động mạch tự tử cũng thật nguy hiểm. Nhìn máu me bê bết, y tá, bác sĩ đều phải dùng bao tay phòng tránh, chỉ cần mình sơ sẩy một chút là có thể dính AIDS bất cứ lúc nào” Các y tá ngại nhất là lúc lấy tiền phí vận chuyển. Có người nhà nạn nhân bảo: “Người ta còn chưa biết sống chết thế nào, tiền nong cái gì!”. Người thì quẳng tờ 50.000 đồng xuống ngay sàn xe như của bố thí. Có hôm gặp gia cảnh bệnh nhân nghèo, chồng đưa vợ đi cấp cứu, trong tay anh ta chỉ còn vài đồng tiền lẻ. Bác sĩ, y tá “hội ý” rồi bảo nhau thôi, anh em tự đóng tiền, coi như làm việc nghĩa. Công việc căng thẳng nhưng sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, những người trở về trên chiếc xe cứu thương thênh thang chợt cất lên câu hát. Trong câu chuyện của kíp xe trẻ toàn nam giới với bác sĩ Lê Tiến Dũng (25 tuổi) lần đầu trực tiếp đi cứu người bệnh có cả những thông tin nóng hổi về trận bóng giữa M.U và Chelsea. |