Thái Bình
Ngày đầu năm 2012, tôi được mời đến Sở thương binh xã hội tỉnh Hà Tĩnh để nhận xe lăn cho em trai mình. Tôi cùng ngồi với các em khuyết tật huyện Kỳ Anh. Tuy đoạn đường không dài nhưng tôi đã nghe các em nhỏ kể về ước mơ có một cái xe lăn như thế nào. Những ước mơ tưởng chừng không thể, nay đã thành hiện thực. Tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc trên khuôn mặt của các em khi nhận xe lăn. Điều đó giống như các em có thêm đôi chân vậy.
Các em đều hào hứng khi ngồi lên chiếc xe lăn mới. Một em bé phát biểu: "Cháu mơ ước có một chiếc xe lăn từ nhỏ nhưng vì bố mẹ không có tiền mua, giờ được tài trợ. Chiếc xe lăn này sẽ thay thế đôi chân bị liệt của cháu. Rất cảm ơn nhà hảo tâm". Nhìn các em nhỏ ở đây, tôi lại nhớ tới em mình cũng khao khát được đứng vững bằng đôi chân nhưng không thể.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Ngồi cạnh tôi là một cậu bé học lớp 6, có khuôn mặt rất thông minh, lanh lợi nhưng cả hai bàn chân đều bị liệt. Tôi nắm tay em rồi nói: "Cố gắng lên em, hãy nhìn đó, có bao nhiều các bạn cũng giống như em. Hãy vượt lên số phận của mình em nhé, anh tin em sẽ làm được".
Bất chợt tôi nghe một đại biểu của Quỹ bảo trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam kể về một cô gái đang là sinh viên ở Australia, nghe tin trẻ em khuyết tật ở Việt Nam có nhiều bất hạnh, đã đến gặp giám đốc quỹ. Cô nói: "Tôi đang là sinh viên, không có tiền nhưng tôi muốn dùng mái tóc của mình để ủng hộ trẻ em khuyết tật ở Việt Nam". Rồi ông đại biểu đem ra hai bức ảnh, một bức có mái tóc rất đẹp, còn một bức ảnh, đầu cô gái không còn một sợi tóc.
Có người hỏi cô gái làm thế, bạn trai sẽ bỏ cô thì sao? Cô trả lời: "Nếu như bạn trai tôi chỉ thích vẻ bề ngoài thì tôi cũng không cần người bạn trai ấy nữa". Câu chuyện đó khiến tôi nhớ mãi, trong xã hội này vẫn có những người như cô gái ấy, biết hy sinh, quan tâm và chia sẻ, như vậy để người khuyết tật có thêm động lực.