Ông Nguyễn Trọng Hỷ (thứ hai từ phải sang) trong bức ảnh kỷ niệm chụp ngày 3/5/1975 tại dinh Độc Lập. |
Giờ đây, giữa thời bình, khi đảm đương những trọng trách lớn trong ngành TDTT, là Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), ông Hỷ vẫn giữ được chất lính hừng hực không ngại khó, ngại khổ ngày nào.
Luôn nhắc mình từng là người lính
Trong căn phòng làm việc nhỏ trên gác hai Ủy ban TDTT, ai tới cũng đặc biệt chú ý đến hai tấm ảnh đen trắng khổ lớn mà ông Hỷ treo trang trọng. Không khó nhận ra ông Hỷ ở hai tấm ảnh đó trong bộ quân phục, đặc biệt là nụ cười rạng rỡ.
Thời gian đã trôi qua, cho đến giờ, ông Hỷ vẫn giữ nguyên được nụ cười từng có ở chiến trường miền Đông Nam Bộ những năm chiến tranh ác liệt nhất.
"Tôi treo hai tấm ảnh ấy để luôn nhắc mình từng là người lính - ông Hỷ nói - Chẳng gì đáng sợ bằng đối mặt với sự mong manh của sống và cái chết. Ấy vậy mà chúng tôi còn vượt qua được, những khó khăn gian khổ thời bây giờ có thấm tháp gì đâu. Bởi vậy dù khó đến mấy tôi cũng không nản chí".
Tháng 9/1971, chàng thanh niên Nguyễn Trọng Hỷ cùng hàng trăm học sinh, sinh viên đại học Thể dục Thể thao Trung ương hăng hái đi theo tiếng gọi của Tổ quốc vào Nam chiến đấu. Khi ở miền Bắc, ông Hỷ được huấn luyện tại Trung đoàn 568 gần 4 tháng. Đến tháng 5/1972, ông Hỷ có mặt tại miền Đông Nam Bộ.
Đơn vị chiến đấu mà ông Hỷ gắn bó từ đó đến khi ra quân là Trung đoàn 14 (Sư đoàn 7 Bộ binh). Đây cũng chính là đơn vị đã tấn công giải phóng Đồng Xoài (tháng 1/1974) và là một trong những đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975 lịch sử.
Nhớ lại những ngày đó, ông Nguyễn Trọng Hỷ nói: "Đó là những năm tháng không thể nào quên được của cuộc chiến khốc liệt khi Mỹ đang tích cực chuẩn bị Việt Nam hóa chiến tranh, tìm cách rút chân ra khỏi vũng lầy của cuộc chiến tranh bị toàn thế giới và chính nhân dân Mỹ lên án.
Với 4 năm 3 tháng trong quân đội, phẩm chất người lính đã ăn sâu vào con người tôi. Đó là sự kiên nhẫn chịu đựng, tinh thần vượt khó khăn hoàn thành nhiệm vụ, yêu thương đồng chí đồng đội và luôn có niềm tin chiến thắng".
Cái chất lính ăn cả vào sinh hoạt đời thường sau này, dù lên đến cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT nhưng ông Hỷ vẫn giữ cái nếp ăn trưa ngay tại phòng làm việc với cặp lồng đựng sẵn cơm canh và thức ăn.
Vào VFF là nhảy vào lửa
Hồi được bầu là Chủ tịch VFF tại Đại hội khóa 5 năm 2005, ông Hỷ được cho là người dũng cảm, dám nhảy vào lửa, nhất là trong bối cảnh bóng đá Việt Nam còn nhiều bê bối như thất bại tại Tiger Cup 2004, vụ đền bù cho HLV Letard.
Bản thân ông Hỷ cũng thừa nhận: "Tôi chẳng dám nói mình vui vì như thế là sáo rỗng. Trúng cử Chủ tịch VFF là trách nhiệm, tôi nhận lời ứng cử vì đến thời điểm các nhà lãnh đạo các bộ ngành, các nhà kinh tế đều từ chối vì thấy bóng đá quá nóng và quá phức tạp. Vì vậy, là người trong ngành tôi phải gánh. Nó vừa là động lực vừa là trách nhiệm thôi. Vả lại tôi cũng đã từng là người lính, đối mặt với sự sống, cái chết còn được".
Người ta nói ông Hỷ ngồi vào ghế Chủ tịch VFF là ngồi trên lửa không sai. Chưa đầy nửa năm là Chủ tịch VFF, ông Hỷ phải chịu liên tiếp những sự kiện không hay đến với bóng đá nước nhà là vụ mua chức vô địch của SLNA và vụ cầu thủ U23 bán độ tại SEA Games 23.
Ông Nguyễn Trọng Hỷ. |
Tất cả những việc đấy đều dễ làm cho người khác nản lòng. Chưa kể trong năm 2006, ông Hỷ trong vai trò là trưởng BTC giải thể thao sinh viên Đông Nam Á, còn bị cho là sính thành tích bằng việc đưa những sinh viên chuyên nghiệp ra thi đấu.
Rồi những sự cố khách mời cho đội tuyển ở các giải đấu như Agribank Cup, Cup Bách Việt, ông Hỷ cũng phải gánh cho đến những việc như giữ hay không giữ lại Riedl, ông không lên tiếng không xong.
Những viên đạn vô hình
Cách đây hơn 2 năm, khi đội bóng đá U23 bước vào SEA Games 23 tại Philippines, ông Hỷ bị stress nặng vì lo lắng cho thành tích đội tuyển. Những cầu thủ mà ông kỳ vọng đã khiến ông rất thất vọng khi đứng lên vòi vĩnh tiền thưởng.
Với ông Hỷ, mỗi cầu thủ ra sân cũng phải như người lính khi ra trận, nếu ai cũng nghĩ đến quyền lợi của riêng mình chắc chắn sẽ thất bại. Cứ nhìn cái cảnh ông Hỷ bặm môi nén từng cơn đau đớn vì viêm dạ dày nhưng cũng không xuống sân bắt tay chúc mừng các cầu thủ Việt Nam vào chung kết SEA Games 23 thì mới thấy ông thất vọng đến mức nào.
Thế nhưng khi vụ án một số cầu thủ U23 bán độ được đưa ra tòa, ông Nguyễn Trọng Hỷ có phát biểu rằng, VFF đã nhiều lần làm đơn để tòa giảm án cho Văn Quyến, Quốc Anh.
Nhiều người chê trách ông Hỷ làm như thế khác nào nối giáo cho tiêu cực, rằng vẫn hám thành tích. Nhưng ông Hỷ có cách giải thích riêng: "Tôi luôn thể hiện yêu ghét rõ ràng, yêu những con người chăm chỉ hiền lành có đức khiêm tốn giản dị, yêu những con người chung lưng đấu cật vượt mọi khó khăn đi tới vinh quang, ghét những thói hư, tật xấu, chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi, vun vén cá nhân. Nhưng dù yêu hay ghét cũng vẫn biết cách để đạt được mục đích cuối cùng, sao cho có được những thành quả tốt đẹp nhất".
Đó là cái "chất lính" của ông Hỷ, trong những giai đoạn khó khăn nhất vẫn tìm ra được những tín hiệu lạc quan để mà hy vọng hướng đến tương lai. Tính cách ấy không thay đổi sau những thăm trầm của cuộc đời. Nó đã làm nên một anh lính và bây giờ là một người giữ trọng trách trong làng thể thao.
(Theo Tiền Phong)